C.P. đồng hành cùng nông dân Việt Nam

Thứ hai - 13/01/2014 23:05 246 0
SGTT.VN - Có mặt tại Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, sau hơn 20 năm đầu tư, C.P. làm tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp.

 Bằng hình thức chăn nuôi khép kín, từ con giống, sản xuất thức ăn kết hợp với kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, C.P. là doanh nghiệp ở Việt Nam mang đến lợi ích cho hàng trăm ngàn người chăn nuôi thông qua các mối liên kết kinh tế bền vững.

Đánh giá về sự đóng góp của C.P. cho nền chăn nuôi Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, nói: “Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) là thành viên của tập đoàn C.P. Thái Lan (CPF) đầu tư vào Việt Nam năm 1993, tiếp thu toàn bộ khoa học công nghệ và kinh nghiệm của CPF trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất thức ăn chăn nuôi và tổ chức chăn nuôi theo hình thức gia công. CPF đứng số một thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi. Tại Việt Nam, CPV là công ty số một về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TACN)”. Hiện tại, CPV có năm nhà máy sản xuất TACN, ba nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản và một nhà máy sơ chế bắp với tổng công suất thiết kế sản xuất TACN và thủy sản là 3,8 triệu tấn/năm. Sau khi đầu tư xây dựng nhà máy TACN đầu tiên tại Biên Hoà năm 1993, CPV hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi Việt Nam để nâng cao năng suất chăn nuôi, đồng thời tổ chức hoạt động chăn nuôi gia công với người dân Việt Nam với những mô hình mẫu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tạo động lực phát triển nhanh ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ.

Trong những năm qua, chiến lược luôn luôn xuyên suốt của CPV là phát triển ngành chăn nuôi trong chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến. Dựa trên nền tảng này, CPV đặt mục tiêu chăn nuôi gia công là một phương thức liên kết sản xuất giữa CPV và nông dân, trong đó người hợp tác chăn nuôi với CPV không phải chịu rủi ro về giá cả thị trường. Theo đó, CPV đầu tư con giống, thức ăn, công nghệ chuồng trại, thuốc thú y và kỹ thuật chăn nuôi cho người chăn nuôi, sau đó sẽ thu mua lại sản phẩm. CPV luôn đặt lợi ích của nông dân trong mối liên kết này lên trên hết, bởi nông dân có lời, sống được với nghề mới tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Với chiến lược phát triển này, mặc dù ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng CPV vẫn duy trì được tổng đàn, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng sau những biến cố mạnh về thị trường. Hiện nay, CPV chiếm thị phần khoảng 16% lượng trứng gà công nghiệp, 22% thịt gà công nghiệp và khoảng 7% thịt heo cả nước. Riêng thị phần thức ăn chăn nuôi là 19%, tương đương hơn 2 triệu tấn.

Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, thị phần của CPV ngày càng mở rộng, tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng việc tăng thị phần cũng đồng nghĩa với việc xung đột lợi ích với người chăn nuôi nhỏ lẻ. CPV giải thích như thế nào về điều này?

Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn trong ngành chăn nuôi, trong đó phải kể đến vai trò đóng góp của khu vực trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá trong việc giải quyết vấn đề năng suất vật nuôi, phòng chống dịch bệnh và cả môi trường chăn nuôi. Xu thế chuyển dịch sang chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp vẫn còn tiếp tục tại Việt Nam trong những năm tới để cung cấp đủ thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này phải đúng nhịp với quá trình chuyển đổi kinh tế và chuyển dịch lao động giữa các ngành công, nông nghiệp cũng như giữa các khu vực nông thôn và thành thị. CPV có mặt tại Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, đã làm tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp, được người chăn nuôi nhiệt tình ủng hộ. Do vậy, không thể nói sự phát triển của CPV xung đột về lợi ích với người sản xuất nhỏ.

Trong những năm qua, hoạt động chăn nuôi của CPV thực hiện theo ba hình thức: gia công, thuê trại và hợp đồng bảo lãnh giá, trong đó chủ thể trang trại là nông dân Việt Nam. CPV khuyến khích và hỗ trợ nông dân để họ tự độc lập trong hoạt động sản xuất kinh doanh chăn nuôi và trở thành khách hàng của CPV trong tương lai. Thực tế đã có một số trang trại rất thành công trong quá trình phát triển này. Từ một trại chăn nuôi gia công với CPV tại Bình Dương năm 2001 có quy mô 600 heo nái, sau năm năm chăn nuôi gia công, một chủ trại đã tự sản xuất kinh doanh độc lập và phát triển đến nay lên quy mô 3.800 heo nái, hàng năm cung cấp cho thị trường gần 100.000 heo giống nuôi thịt. CPV tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi và kể cả tiêu thụ sản phẩm khi cần thiết, đồng thời đầu tư nghiên cứu phát triển giống heo ngay tại Việt Nam. Bằng công nghệ cải tiến di truyền, năng suất của giống heo CPV đã được cải tiến đáng kể, từ một heo nái sản xuất được 19 heo con cai sữa hiện nay đạt được 24 heo con cai sữa/năm.

Các dự án của CPV như chăn nuôi gia công, nhà máy thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm, đặc biệt là khu nuôi tôm, cá tra và nhà máy chế biến thuỷ sản mang lại lợi ích như thế nào cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng nói riêng và lợi ích người dân địa phương nói chung?

Tất cả đầu tư của CPV về chăn nuôi đều thực hiện ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tận dụng đất đai và nguồn lao động của địa phương. Chăn nuôi gắn liền với trồng trọt để sử dụng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất đai. Hiện tại, CPV có hơn 12.000 lao động là người Việt Nam và hàng trăm ngàn người dân đang tham gia trong chuỗi giá trị của hệ thống sản xuất: thức ăn chăn nuôi – trại chăn nuôi – chế biến thực phẩm.

Dự án vừa mới đưa vào sản xuất trong năm nay là nhà máy chế biến tôm đông lạnh tại Phong Điền (Thừa Thiên – Huế). Đây là nhà máy có nhiều tiềm năng trong chế biến tôm xuất khẩu có chất lượng khác biệt, bởi vì đặc điểm sinh thái khu vực này có nhiều ưu thế đã từng tạo ra sản phẩm tôm chua Huế nổi tiếng. Việc xây dựng nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Huế tạo ra cơ hội mới cho người dân khu vực này phát triển nghề nuôi tôm.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường đầu ra, sản phẩm kém cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia TPP. Theo ông, ngành chăn nuôi, nhất là bản thân người chăn nuôi Việt Nam cần phải thay đổi những gì để có thể tồn tại trước những thách thức như vậy?

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi chăn nuôi, có sự đan xen giữa nhiều quy mô sản xuất khác nhau cùng tồn tại, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ là loại hình khó kiểm soát về dịch bệnh và giá cả thị trường. Chăn nuôi nhỏ thường mang tính tự phát, tăng giảm theo giá cả thị trường và thường nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Việc chuyển đổi sang quy mô lớn có kiểm soát là tất yếu nhưng đòi hỏi quá trình trong đó thị trường, dịch bệnh là những yếu tố tác động mạnh. Mức chuyển đổi hàng năm 15 – 20% sang chăn nuôi lớn là hợp lý, tuy nhiên nếu ở mức trên 30% sẽ gây tổn thương đến sản xuất nhỏ của nông dân. CPV cam kết sẽ cùng nông dân Việt Nam chuyển đổi sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, hiện đại và bền vững để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với những khó khăn như vậy, xin ông cho biết định hướng phát triển của CPV trong những năm tới là gì?

Trong những năm qua CPV đã phát triển tốt ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi công nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và tiếp tục chuỗi giá trị về phân phối. Hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm của CPV đều có phần tham gia của nông dân Việt Nam dưới các hình thức khác nhau. CPV đang thực hiện dự án nhượng quyền thương hiệu về Five Star (Năm Sao) về phân phối và bán lẻ thực phẩm chế biến của CPV.

Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch CPV tham gia sâu vào chuỗi giá trị thực phẩm?

Vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng người Việt Nam thay đổi khá nhanh. Từ thói quen sử dụng thực phẩm tươi sống, người dùng bắt đầu chú ý đến sử dụng thực phẩm qua chế biến, đảm bảo an toàn, sạch. CPV đã đầu tư hàng loạt nhà máy chế biến thực phẩm như xúc xích heo, gà, giò, chả, lạp xưởng… chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ người tiêu dùng. CPV từng bước thay đổi chiến lược chỉ tập trung vào chăn nuôi, bán sản phẩm qua thương lái để tiếp cận người tiêu dùng. Chúng tôi xác định, muốn phát triển bền vững phải vừa là người chăn nuôi, vừa là nhà chế biến sản phẩm. Sắp tới, CPV xác định xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm gắn liền với các nhà máy thức ăn, chăn nuôi gia công nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu heo, gà, trứng… Hiện CPV xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Đồng Nai công suất 3.800 tấn xúc xích/năm, và một nhà máy hiện đại nhất khu vực Hà Nội mới khánh thành đầu năm 2012 nhưng tới nay đã đạt công suất 3.000 tấn/năm. CPV đang tiếp tục mở rộng thêm công suất để nâng lên sản lượng 9.000 tấn/năm. Ngoài ra, dự kiến trong năm nay, CPV tiếp tục đầu tư thêm nhà máy tại Đà Nẵng, năm sau sẽ xây dựng tại Cần Thơ. CPV xác định tập trung vào phân khúc thị trường các tỉnh chứ không chỉ dựa vào một số thành phố, đô thị lớn. Sản phẩm của CPV có lợi thế giá rẻ, giúp người tiêu dùng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa cải thiện cuộc sống.

Thời gian gần đây dư luận vẫn chưa rõ và yên tâm trước thông tin CPV bán cổ phần cho Trung Quốc?

Cổ phiếu của CPV được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán tại Hong Kong thông qua một công ty chứng khoán của tập đoàn C.P. Thái Lan tại Hong Kong là CPP. 70% cổ phần của CPV được uỷ quyền giao dịch cho CPP. CPP là công ty thành viên của tập đoàn C.P. Thái Lan.

ĐẶNG HOÀNG

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây