Một số biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi

Thứ tư - 30/06/2021 23:00 519 0

        Ngành Chăn nuôi Tây Ninh hiện nay đang chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Cùng với xu hướng đó, ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, tuy nhiên một số trại chăn nuôi vẫn gây ô nhiễm môi trường do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về công tác quản lý môi trường chưa tốt, áp dụng công nghệ xử lý chưa phù hợp.

       Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý chất thải, cũng như có thể biến chất thải thành khí đốt, sản phẩm phân bón hữu cơ sạch, tạo nguồn thu lớn... cho nông dân là lợi ích kép từ mô hình xử lý chất thải bằng máy ép phân và biogas đang thu hút nhiều nông dân quan tâm và áp dụng.

Mô hình xử lý chất thải bằng máy ép tách phân là công nghệ mới nhưng rất hiệu quả và đang được nhiều nhà chăn nuôi quan tâm áp dụng. Dựa trên nguyên tắc "lưới lọc" máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ đến rất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại ép khô và ra ngoài để xử lý riêng còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc xuống hầm khí sinh học xử lý tiếp. Độ ẩm của sản phẩm (phân khô) có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Quá trình xử lý này đầu tư ban đầu tốn kém hơn nhưng rất hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện nay.


Máy tách phân xử lý chất thải

        Trong thực tiễn, tùy điều kiện từng nơi, từng quy mô trại chăn nuôi có thể áp dụng công nghệ xử lý chất thải khác nhau:

Đối với nông hộ hoặc trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ có khối lượng chất thải không lớn, có thể xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (hầm biogas). Giá thành hiện nay khoảng 15 triệu đồng. Hầm Biogas vừa giúp tiêu diệt được mầm bệnh còn tồn dư trong quá trình chăn nuôi (do lên men yếm khí), vừa bảo vệ được môi trường, vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn phân hủy tương đối. Nước thải và chất cặn bã từ biogas vẫn có thể gây ô nhiễm và vẫn cần được tiếp tục xử lý.  

       Đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa nên thiết kế công nghệ xử lý bằng máy ép tách phân, sau đó chất thải được tiếp tục xử lý bằng hầm biogas. Chi phí đầu tư khoảng 90 triệu đến 150 triệu đồng. Nước thải (nước rửa chuồng, bao gồm cả phân) sau khi qua hệ thống máy ép tách phân thì hầu hết lượng bã có trong nước thải được thu hồi lại và được ép khô, lượng nước còn lại sẽ được đưa trực tiếp vào hầm biogas (hiếm khí) vì trong chất thải không còn lượng bã nên khi vào hầm thì nước thải sẽ phân hủy nhanh hơn và dễ dàng chảy ra các bể xử lý không còn tình trạng đầy ứ tràn hầm biogas.

Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn, có khối lượng chất thải rất nhiều nên việc xử lý chất thải bằng máy ép phân và hầm biogas là không đủ để xử lý; cần thiết phải trang bị thêm hệ thống xử lý vi sinh, hóa lý sau khi chất thải qua biogas.

     Trên đây là tóm tắt một số biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay mang lại hiệu quả thiết thực cho các trại, hộ chăn nuôi./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYTPTN)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây