Hướng dẫn phòng bệnh Gumboro ở gà

Thứ tư - 16/06/2021 17:00 2.527 0

Bệnh Gumboro ở gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh diễn ra nhanh và tỉ lệ chết cao. Vi rút xâm nhập và phá hủy các tế bào lympho trong túi Fabricius, làm giảm lượng globunlin miễn dịch (Ig) trong máu, gây suy giảm miễn dịch ở gà.

1. Nguyên nhân gây bệnh Gumboro

- Bệnh do vi rút Gumboro thuộc họ Binaviridae. Các vi rút thuộc họ này đều đặc trưng bởi cấu tạo nhân gồm 2 đoạn ARN sợi đôi.

- Vi rút có sức đề kháng cao trong tự nhiên, bị vô hoạt ở độ pH ≥ 12 và pH ≤ 2. Vi rút bị tiêu diệt ở 56°C trong 5 giờ, 60°C trong 30 phút, 70°C vi rút chết nhanh chống. Các chất hóa học thông thường có thể tiêu diệt được vi rút như Formalin 0,5% (sau 6 giờ), phenol 0,5% (sau 1 giờ), Chloramin 0,5% (sau 10 phút). Trong phân, rác, chất độn chuồng vi rút có thể tồn tại khá lâu (122 ngày), đây chính là nguồn tàng trữ vi rút khiến cho bệnh hay xảy ra.

 2. Tình hình dịch bệnh

- Bệnh Gumboro ở gà là bệnh truyền nhiễm, được phát hiện lần đầu vào năm 1957 tại vùng Gumboro (Delaware - Mỹ), nhưng đến năm 1962 mới được Cosgrove mô tả cặn kẽ và được công bố là bệnh viêm thận gà do có sự hủy hoại ở vùng vỏ thận.

- Năm 1970,  Hitcher xác định bệnh tích đặc trưng của bệnh ở túi Fabricius và đề nghị gọi là bệnh "Viêm túi huyệt truyền nhiễm" (Infectious Bursal Disease – IBD) hay còn gọi là bệnh Gumboro.

- Tại Tây Ninh, bệnh Gumboro là bệnh tương đối phổ biến và thường xuyên xảy ra trên đàn gà nuôi tập trung. Do đó, trong quy trình tiêm phòng cho đàn gà luôn phải có lịch tiêm phòng bệnh Gumboro.

3. Biểu hiện bệnh

- Thời gian ủ bệnh rất ngắn, thường chỉ 2-3 ngày. Triệu chứng đầu tiên là trong đàn gà xuất hiện một số con quay đầu tự mổ vào hậu môn, gà có dấu hiệu hoảng loạn, có tiếng kêu khác thường. Sau 2-3 ngày thấy nền chuồng ướt nhanh do gà bị tiêu chảy, phân loảng, trắng nhớt, gà uống nhiều nước.

- Lông gáy dựng ngược, đầu gối khuỳnh ra, hậu môn hạ thấp xuống, toàn bộ cơ bắp rung lên.

- Gà nằm nhiều, ít vận động, lông bẩn, nhất là vùng lông xung quanh hậu môn, nhiệt độ cơ thể giảm xuống mức bình thường.

- Gà trong đàn chết tập trung vào ngày 3-5, sau đó giảm dần đến ngày 9-10 thì dừng lại.

4. Bệnh tích

- Gà chết thường có biểu hiện xuất huyết nặng trên cơ đùi, cơ ngực, có khi xuất hiện từng đám lớn hoặc xuất hiện lấm tấm, nếu xuất huyết nặng toàn bộ cơ thâm lại.

- Sau 48-72 giờ nhiễm bệnh túi Fabracius sưng to gấp 2-3 lần kích thước ban đầu, kích thước đạt tối đa vào ngày thứ 3, bổ đôi túi ra có thể thấy xuất huyết rất nặng, có khi thành vệt, thành dải. Đến ngày thứ 4 kích thước túi bắt đầu giảm dần, túi trở lại kịch thước ban đầu vào ngày thứ 5, thứ 6 và dần teo nhỏ đi, ngày thứ 8 chỉ còn 1/3 so với khối lượng ban đầu. Bổ đôi túi có hiện tượng xuất huyết trên niêm mạc, bên trong túi có chất bựa màu trắng giống như bã đậu.


Hình ảnh: bệnh tích ở túi Fabracius của gà mắc bệnh gumboro

5. Phòng bệnh

5.1. Vệ sinh phòng bệnh

- Phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh thú y để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của bệnh.

- Chuồng trại xây dựng phải cách ly khu vực dân cư xung quanh, phải có rào ngăn cách.

- Người chăn nuôi phải chú ý khâu vệ sinh tiêu độc: vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các dung dịch sát khuẩn như cloramin 0,5% hoặc nước sôi,  xử lý ngay xác gà chết và phân, rác, chất nền độn chuồng bằng cách chôn hoặc ủ

5.2. Phòng bệnh bằng vắc-xin

- Gà con sinh ra từ đàn bố mẹ chưa được tiêm phòng vắc-xin thì có thể dùng vắc-xin nhược độc ngay từ lúc 1 ngày tuổi, lần 2 vào lúc 10-14 ngày và sau 7-10 ngày dùng lần ba.

- Gà con sinh ra từ đàn gà bố mẹ được tiêm phòng vắc-xin thì tiêm phòng lần 1 vào lúc 7-10 ngày tuổi và tiêm nhắc lại lúc 21-25 ngày tuổi.

- Có thể tiêm vắc-xin cho đàn bố mẹ để sau đó chúng truyền kháng thể cho con, gà bố mẹ cho tiêm vắc-xin vào lúc 2 tháng tuổi và tiêm nhắc lại vào lúc 4-5 tháng tuổi

6. Điều trị

- Bệnh do vi rút gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

- Không được sử dụng kháng sinh để điều trị cho gà nhiễm bệnh, sẽ làm tăng tỉ lệ chết.

- Sử dụng các biện pháp bổ sung tích cực các chất điện giải, đường, vitamin, hạ sốt cho gà…

-  Ngoài ra có thể sử dụng kháng thể: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da để phòng hoặc chữa bệnh cho gà./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây