Các đường cấp thuốc trong thú y

Thứ tư - 14/04/2021 16:00 4.836 0

1.Thuốc là gì?

Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu được sử dụng với mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, tăng cường sức đề kháng, điều chỉnh chức năng sinh lý ….bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, vắc xin và sinh phẩm.

2. Nguồn gốc của thuốc

Nguồn gốc của thuốc rất phong phú. Thuốc có thể lấy từ động vật (huyết thanh, kháng huyết thanh…); từ thực vật (cafein, strychnin…) từ nấm như (Penicilin); từ xạ khuẩn (Streptomycin, Tetracylin); từ vi trùng (Bacitracin)  hoặc bằng phương pháp tổng hợp, bán tổng hợp (Aspirin, Ampicillin, Oxacillin).

3. Đường đưa thuốc vào cơ thể

Đường đưa thuốc có ảnh hưởng rất lớn đến tác dụng dược lý của thuốc.

Thuốc đưa không đúng đường sẽ làm mất tác dụng của thuốc hoặc gây sốc cho cơ thể.

a) Đường da

Thuốc qua da cũng như qua nhiều màng sinh học khác tùy thuộc vào lượng hòa tan trong lipit. Các thuốc hòa tan tốt trong lipit thì dễ hấp thu qua da, những thuốc hòa tan tốt trong nước thì không hấp thu hoặc hấp thu rất ít qua da. Sự hấp thu qua da tiến hành qua lỗ chân lông và các tuyến mồ hôi.

Da có lớp bảo vệ thuốc khó thấm qua, khi da bị tổn thương thuốc sẽ hấp thụ nhanh. Muốn thuốc hấp thụ nhanh qua da bình thường, người chăn nuôi phải dùng các chất tẩy rửa bề mặt da như cồn, ete, xà phòng,…

Thuốc qua da có các ưu nhược điểm sau:

– Ưu điểm: đơn giản, dễ thực hiện, có tác dụng tại chỗ.

– Nhược điểm: liều dùng không chính xác, thuốc hấp thu chậm.

Ví dụ: Xoa cồn, tỏi vào vùng hông trái của trâu bò, chà sát thật mạnh để điều trị dạ cỏ trướng hơi hoặc liệt dạ cỏ; xịt thuốc sát trùng vào các vết loét trên da động vật…

b) Đường hô hấp

Thuốc qua đường hô hấp bằng cách xông và tiêm khí quản (trong chăn nuôi ít dùng).

  • Xông khô: đốt thuốc cho gia súc ngửi.

    - Xông ướt: thuốc đun sôi trong nước, bốc hơi lên cho gia súc ngửi hoặc phun thuốc dưới dạng khí dung, gia súc sẽ hít thuốc vào cùng với không khí.

    - Ưu điểm: Thuốc qua đường hô hấp có tác dụng nhanh vì niêm mạc khí quản và phế nang có diện tích bề mặt rộng và phân chia nhiều mao mạch.

    - Nhược điểm: Thuốc qua đường hô hấp nên đưa thuốc ở những thể khí hoặc thể lỏng dễ bay hơi.

     
    Hình: Phun khí dung cho gà mới nở

    c) Đường uống

    Thuốc qua đường miệng để có tác dụng toàn thân thì thuốc phải dùng trong nước, kích thước phân tử nhỏ để dễ hấp thu qua niêm mạc ruột.
  • Ưu điểm: sử dụng đơn giản, dễ làm và đây là phương pháp thường dùng trong chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
  • Nhược điểm: thời gian tác dụng của thuốc chậm, cần sử dụng liều lượng cao, không phù hợp trong trường hợp khẩn cấp.
  • Lưu ý: Hoạt động của hệ vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình tiêu hóa của chúng. Kháng sinh dùng đường uống có thể tác động làm xáo trộn sự ổn định của hệ vi sinh vật dạ cỏ nên việc cho uống kháng sinh chỉ thích hợp cho bê, nghé dưới 6 tháng tuổi.

    d) Đường tiêm
     
    Hình: Các đường tiêm thuốc

    Tiêm là phương pháp đưa trực tiếp thuốc dạng lỏng vào cơ thể động vật bằng kim tiêm.

    - Ưu điểm: Dễ dàng điều trị từng cá thể động vật. Đường tiêm có tốc độ hấp thu nhanh hơn đường uống, phù hợp với các trường hợp cần phát huy tác dụng dược lý ngay. Tốc độ hấp thu thông thường sẽ phụ thuộc theo cách tiêm: tiêm tĩnh mạch > tiêm bắp > tiêm dưới da.

    - Nhược điểm: Quá trình đưa thuốc phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng các biện pháp cố định động vật trước khi tiêm. Quá trình tiêm phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và vô khuẩn nhằm hạn chế sự nhiễm trùng xảy ra.

    * Tiêm dưới da (S.C)

    Các mao quản sẽ đưa thuốc vào dòng máu có tác dụng sau 5 – 10 phút.

    Không được tiêm dưới da các chất kích thích mạnh, nóng, rát vì có hại cho thần kinh và tổ chức.

    * Tiêm bắp (I.M)

    Thuốc có tác dụng nhanh hơn tiêm dưới da, đạt được nồng độ cao trong máu và mô, có thể giữ thuốc một thời gian trong mô. Tuy nhiên, nhược điểm là gây kích ứng mô tại vị trí tiêm, gây đau cho động vật.

     * Tiêm tĩnh mạch (I.V)

    Tiêm thuốc vào tĩnh mạch thì thuốc sẽ tan ngay trong máu và chuyển ngay đến các cơ quan cảm ứng thuốc, do đó tác dụng xảy ra là nhanh nhất.Tuy nhiên, thuốc tiêm tĩnh mạch cần tinh khiết, pha chế kỹ lưỡng, vô trùng và thao tác hết sức cẩn thận./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây