Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay luôn được xã hội đặc biệt quan tâm; Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1018/KH-UBND ngày 06/4/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021, Kế hoạch nhằm mục đích nâng cao hiệu quả việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và đã triển khai thực hiện.
Để tạo ra được thịt, các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói chung và trên địa bàn thị xã Hòa Thành nói riêng, Trạm Chăn nuôi &Thú y Hòa Thành đã cố gắng thực hiện và triển khai đồng bộ các nội dung, Kế hoạch: tham mưu công tác phát triển chăn nuôi, giết mổ, đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, khuyến cáo chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tốt quy trình kiểm soát giết mổ; quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; giữ vững trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn VietGAHP, xây dựng chuỗi liên kết thịt an toàn….
Hình ảnh quầy cung ứng thịt an toàn
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trạm Chăn nuôi và Thú y Hòa Thành đã đạt được một số kết quả trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như sau:
- Chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, chăn nuôi trang trại phát triển góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
- Duy trì các trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP.
- Vận động các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ký cam kết chăn nuôi an toàn.
- Các cơ sở giết mổ trên địa bàn thị xã duy trì tốt điều kiện an toàn thực phẩm đã được chứng nhận. Trạm thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở chấp hành tốt điều kiện vệ sinh thú y, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt quá trình giết mổ, vận chuyển.
- Công tác kiểm soát giết mổ được tổ chức thực hiện tốt, đúng quy trình quy định, chủ cơ sở giết mổ và các thương lái giết mổ ký cam kết không giết mổ động vật bệnh, nghi bệnh, động vật nhập có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thuốc an thần và bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ; đồng thời sử dụng phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật có trang bị thùng kín.
- Kết hợp Đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã, thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y quầy sạp thịt, nguồn gốc của sản phẩm động vật bày bán tại chợ đồng thời tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Xây dựng quầy cung ứng thịt an toàn tại chợ truyền thống trên địa bàn thị xã.
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền về an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các phường, xã để nâng cao ý thức chấp hành về an toàn thực phẩm của người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; và đặc biệt người tiêu dùng phải có sự lựa chọn đúng trong việc sử dụng thực phẩm an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYHT)
Ý kiến bạn đọc