Thành phố Tây Ninh - Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau mùa mưa

Thứ tư - 30/06/2021 23:00 282 0

Gần đây nắng nóng kết hợp với những cơn mưa lớn trên diện rộng làm cho môi trường thêm ẩm ướt nên nhiệt độ hạ thấp đột ngột làm cho gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Ðây là thời điểm các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng trâu bò, Lở mồm long móng trâu bò, Viêm da nổi cục, Dịch tả heo Châu Phi, heo Tai xanh …) rất dễ bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh kịp thời. Do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh đang là vấn đề hết sức quan trọng nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả tại địa phương: thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa bàn; giám sát và báo cáo khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra để kịp thời xử lý các ổ dịch, tránh lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền và vận động cộng đồng cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh cần huy động và kết hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể cùng tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại… Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Tây Ninh hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng bệnh hiệu quả trong mùa mưa bão như sau:

1. Trước mùa mưa


Hình 1: Người dân che bạt chắn mưa tạt, gió lùa vào chuồng bò

- Đối với chuồng hở đóng sơ sài để sử dụng trong mùa nắng thì cần tu sửa, chằng chống lại cho vững chắc; mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão và kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

- Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm.

- Dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô, tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

- Cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống và dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để đảm bảo đủ nước sạch cho vật nuôi uống.

- Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

- Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng. Đối với đàn heo, tiêm phòng bệnh Dịch tả heo, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Lở mồm long móng, Tai xanh… Đối với đàn gia cầm cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, Cúm gia cầm. Vịt, ngan cần tiêm phòng Dịch tả vịt, Viêm gan do vi rút, Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng…

- Nên hạn chế phát triển đàn trong thời kỳ này để giảm khả năng rủi ro do mưa bão.

2. Trong và sau mùa mưa

– Về chuồng nuôi

+ Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi; tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.

+ Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.

+ Định kỳ 1 – 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Đồng thời, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, rận, bọ chuột…



Hình 2: Người chăn nuôi rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi gà

Chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi

+ Luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh; hạn chế chăn thả trong mùa mưa.

+ Cung cấp thức ăn, dễ tiêu, nước nóng sạch phù hợp với lứa tuổi của vật nuôi. Đồng thời bổ sung điện giải Bcomplex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.

+ Đối với heo con tập ăn và gà con ở giai đoạn úm tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

+ Với trâu bò, dê cừu cần cân đối lượng thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, chủ động nguồn thức ăn bằng biện pháp dự trữ rơm khô, ủ chua thức ăn xanh nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn cho con vật trong thời điểm khan hiếm cỏ.

+ Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo đúng quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

+ Khi mua giống vật nuôi mới về, cần nuôi tại khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất 10-15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới nhập vào khu chăn nuôi chính.

+ Hàng ngày kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm những con có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, thích nằm…) cần tách riêng để theo dõi, điều trị. Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng, lây lan nhanh cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Thực hiện tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

- Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở heo, phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

- Sau đợt mưa bão, cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

- Dịch bệnh gia súc, gia cầm thường phát sinh trong mùa mưa bão do ẩm độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, sức đề kháng gia súc, gia cầm thấp do đó người chăn nuôi cần tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thường xuyên để đảm bảo an toàn dịch bệnh./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYTPTN)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây