Nông dân thành phố Tây Ninh duy trì sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh covid-19

Thứ ba - 09/11/2021 23:00 201 0

Trong thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều mặt hàng nông sản bị rớt giá, không có nơi tiêu thụ, phải kêu gọi giải cứu. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp, khó tiêu thụ làm cho người nông dân không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, lo ngại không có đầu ra cho nông sản trong thời gian tới. Trong vụ Mùa năm 2021, thành phố có tổng diện tích đang xuống giống chưa dứt điểm rau các loại 127 ha, đậu phộng 8 ha, cây bắp 19 ha, đậu các loại 53 ha, khoai các loại 8 ha, lúa 605 ha sản xuất các giống OM5451, OM4900, OM1352  ... tập trung ở các khu vực như phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Bình Minh, Phường 1, xã Tân Bình và Thạnh Tân.

Với diện tích sản xuất nhỏ lẻ và không tập trung, nhưng nông dân cũng duy trì sản xuất để kịp thời bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm tại chỗ và cung cấp nông sản ra thị trường trong thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều khó khăn, nhiều nông dân trong tỉnh vẫn cố gắng duy trì sản xuất với kỳ vọng giá cả nông sản ổn định khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Huỳnh Văn Tự, tổ trưởng tổ hợp tác rau an toàn Ninh Phúc cho hay: mặc dù tổ hợp tác Ninh Phúc có diện tích đất canh tác rau các loại lớn nhất thành phố Tây Ninh, nhưng vẫn còn nhiều diện tích bỏ trống sau thu hoạch do giá cả trong giai đoạn dịch bệnh không ổn định, một số khác vẫn tiếp tục duy trì để cung cấp rau xanh trong khu vực. Hiện tại, tổ hợp tác đang canh tác 3 ha đậu các loại, 5 ha rau ăn trái như: bầu, bí, khổ qua, dưa leo thu hoạch trong tháng 9,10 …Dự kiến, đầu vụ Đông Xuân sẽ tiếp tục canh tác thêm các loại cải và rau ăn lá, hoa mầu.. để kịp thời cung cấp cho thị trường Tết Nguyên Đán.

Song song đó, các hoạt động sản xuất rau xanh của các tổ hợp tác khác trong khu vực cũng được duy trì để sản xuất các loại rau, quả …như Tổ hợp tác rau Giồng Tre xã Bình Minh với diện tích 3,1 ha hiện đang trồng các loại rau thơm như Quế, húng, mùi, rau lang, rau muống và các loại cải ngọt…giá cả ở thời điểm hiện tại từ 15.000 đồng – 30.000 đồng tùy loại, cũng được xem như ổn định so với giai đoạn giãn cách. Tổ viên của tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ninh Phú – phường Ninh Sơn linh động hơn bằng cách chuyển đổi sang trồng lúa, với diện tích canh tác cây lúa 8 ha (giống om 5451 được 60 ngày…), 1 ha trồng dưa leo, điều đáng mừng là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn nhưng tổ viên vẫn canh tác hết đất, duy trì hoạt động sản xuất ổn định kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản của người dân. Sở Nông nghiệp Tây Ninh, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã phối hợp với nhiều địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho người nông dân tiêu thụ nông sản còn tồn đọng, hỗ trợ vận chuyển cho các tổ hợp tác và người dân đi lại, hoạt động nhất là các phương tiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K.

Mặt khác, Trạm Khuyến nông Thành phố tổ chức họp Cộng tác viên hàng tháng phối hợp với Hội nông dân các xã phường tiếp tục động viên khuyến khích nông dân trên địa bàn duy trì và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm diện tích, năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi ổn định so với cùng kỳ, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân sau dịch. Phối hợp với Trạm Trồng trọt bảo vệ thực vật thành phố, phòng kinh tế Thành phố, Ủy ban nhân dân các xã phường thống kê số lượng nông sản đang thu hoạch và tồn đọng để báo cáo về Sở Nông nghiệp nhằm có những hướng hỗ trợ tốt nhất cho bà con nông dân. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội được kết nối lại, dự báo nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại. Do đó, nông dân trên địa bàn cần cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt, duy trì sản xuất sẽ bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định chờ tình hình mới./.

                                                                        Trung tâm Khuyến nông(KNTP)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây