Hiệu quả mô hình quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại Tây Ninh

Thứ hai - 20/12/2021 22:00 319 0

Tây Ninh là nơi có diện tích trồng sắn đứng thứ 2 cả nước nhưng có năng suất cao nhất nước. Tổng diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (tính đến tháng 11/2021) là 46.890 ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh hiện có 42.694 ha sắn trên địa bàn tỉnh bị nhiễm khảm lá, chiếm 91% diện tích gieo trồng, trồng chủ yếu ở các huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và huyện Dương Minh Châu với diện tích mỗi huyện có trên 9.000 ha.

Năm 2021,Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh triển khai Dự án Khuyến nông: "Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm" với diện tích 20 ha trên địa bàn xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với sự tham gia của 6 hộ dân.

Giống sắn xây dựng mô hình là giống KM140 sạch bệnh. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí hom giống, 50% chi phí vật tư phân bón. Dư án cũng tổ chức tập huấn chuyển giao các kỹ thuật phòng trừ dịch hại, thâm canh bền vững gồm 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân trong mô hình và ngoài mô hình. 


Ảnh: Cán bộ Trung tâm NCTN NN Hưng Lộc tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân

Dự án đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ đăng ký tham gia mô hình trồng sắn tại huyện Tân Châu, số học viên tham dự là 100 người, 01 hội nghị đầu bờ tham quan mô hình, 02 hội nghị tổng kết mô hình gồm đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp các xã và nông dân các vùng trồng sắn trọng điểm lân cận (160 lượt người tham dự).

Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát các mô hình trên ruộng của nông dân một cách chặt chẽ. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn, bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Dịch bệnh khảm lá sắn vẫn diễn biến mạnh trên địa bàn tỉnh nên diện tích giống sắn KM 140 được trồng trong mô hình chỉ ngăn được bệnh khảm lá trong giai đoạn đầu, giúp hạn chế ảnh hưởng lên năng suất và hàm lượng tinh bột.

 

Giống sắn KM140 trên đồng ruộng

Dự kiến năng suất củ tươi đến thời điểm thu hoạch ước tính đạt 35 tấn/ha. Giống sắn KM140 không phải là giống kháng bệnh do đó các biện pháp kỹ thuật hiện nay chưa thể kiểm soát bệnh hoàn toàn trong suốt mùa vụ. Do đó, tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sắn cho đến hết mùa vụ, ghi nhận và đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế sau khi thu hoạch.

Thông qua mô hình người dân thấy được hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc chăm sóc và quản lý phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá sắn do virus gây hại, tuyên truyền hiệu quả mô hình, giúp mô hình có sức lan tỏa mạnh, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững, phục vụ cho nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh.

Sau 3 năm triển khai dự án tại địa phương cho thấy mặc dù các biện pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá sắn của dự án đưa ra cũng có một phần hiệu quả trong việc duy trì năng suất của mô hình, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả. Bà con nông dân trồng sắn đang trông chờ các Viện nghiên cứu, các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu tìm ra được giống sắn kháng bệnh có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao để ổn định sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng sắn.

 Nguyễn Thị Thúy An - Nguyễn Thị Thu Hương

TT Khuyến nông Tây Ninh - TT Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây