Tây Ninh: Hội thảo “Kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng”

Thứ sáu - 18/03/2022 22:00 169 0

Sáng ngày 25/02/2022, tại hộ ông Nguyễn Văn Nhành xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), Trung tâm Khuyến nông tổ chức Hội thảo "Kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng". Tham gia Hội thảo gồm có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, Hội nông dân huyện Gò Dầu, UBND xã Bàu Đồn, hơn 60 đại biểu là cán bộ khuyến nông, lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Trồng trọt  và BVTV, nông dân huyện Gò Dầu.

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên chính Khoa Nông Nghiệp và Sinh Học ứng Dụng –  Đại học Cần Thơ cùng hơn 30 cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre, nông dân chuyên canh cây sầu riêng tỉnh Bến Tre cùng tham dự Hội thảo.


Tây Ninh có tổng diện tích đất nông nghiệp là 345.824, trong đó: khoảng 92% là nhóm đất thủy thành (được hình thành từ bồi tụ phù sa sông, suối) có độ dày tầng đất sâu (độ dày >1m chiếm khoảng 91%); trên 83% là nhóm đất xám bạc màu (tương đối nghèo dưỡng chất, thành phần cơ giới thô, khả năng giữ nước và phân kém); pH đất từ 5 – 5,5; hàm lượng đạm, lân, kali ở mức trung bình – khá; hàm lượng chất hữu cơ ở tầng canh tác dao động từ 1,5 – 5,8%; khả năng thoát nước nhìn chung khá tốt. Tây Ninh có diện tích mặt nước lớn với hệ thống các sông như: Vàm Cỏ Đông, Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng (với dung tích 1,5 tỷ m3); là nguồn cung cấp nước ngọt; có hệ thống thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong tỉnh.

Có thể nói cây Sầu riêng là loại cây ăn quả được phát triển mạnh tại Tây Ninh trong những năm trở lại đây, nhờ vào tính đặc trưng trái cây nhiệt đới và giá trị dinh dưỡng cao, giá cả ít biến động nên sầu riêng đã mang lại thu nhập khá cao, ổn định cho người nông dân. Tổng diện tích trồng sầu riêng năm 2021 là: 1.920 ha tập trung chủ yếu tại các huyện: Gò Dầu, Tân Châu, Tân Biên, Hòa Thành, Dương Minh Châu. Các giống sầu riêng phổ biến như Ri 6, sầu riêng Monthong Thái Lan. Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha.

Nhìn chung, điều kiện tự nhiên tại Tây Ninh phù hợp để canh tác sầu riêng nhưng cần phải có hệ thống tưới tiêu tốt và tăng cường đầu tư phân bón nhất là phân hữu cơ để cải tạo đất. Khi chọn canh tác sầu riêng, người sản xuất nên thực hiện phân tích phẫu diện đất canh tác của mình để xác định chính xác hàm lượng các chất dinh dưỡng, pH đất, pH nước, độ dày tầng canh tác … làm cơ sở đưa ra quyết định nên canh tác sầu riêng hay không hoặc cần bổ sung, khắc phục yếu tố nào để đầu tư thâm canh đạt hiệu quả mong muốn.

Thảo luận tại Hội thảo, nông dân bày tỏ sự quan tâm đến quy trình canh tác, hiện tượng sượng múi, một số bệnh hại, cũng như hiệu quả kinh tế trên cây sầu riêng so với các loại cây ăn quả khác, vì đa số nông dân canh tác cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ sản xuất được vụ thuận…. GS.TS Trần Văn Hâu đã giải đáp tất cả các thắc mắc, băn khoăn của bà con tham dự. Ngoài ra, Hội thảo cũng kết nối được bà con nông dân hai tỉnh Bến Tre và Tây Ninh cùng nhau trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cùng nhau giải đáp những khó khăn trong canh tác cây sầu riêng … Đây là cây trồng có triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Định hướng phát triển thời gian tới có thể mở rộng diện tích cây sầu riêng trên những vùng đất phù hợp, chuyển đổi từ các diện tích cây trồng kém hiệu quả, hiệu quả kinh tế thấp như: cao su, lúa, mía...., hình thành những vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.... gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu Sầu riêng Tây Ninh.

Trung tâm Khuyến nông./.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây