Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ sáu - 06/09/2024 15:08 41 0
Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030 là 71,98 nghìn ha. Trong đó: Diện tích đất rừng đặc dụng là 31,82 nghìn ha, chiếm 44,2%; đất rừng phòng hộ là 29,85 nghìn ha, chiếm 41,5%; đất rừng sản xuất là 10,31 nghìn ha, chiếm 14,3%. Diện tích đất có rừng 67,29 nghìn ha, chiếm 93,5% diện tích đất lâm nghiệp.

Với mục tiêu là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế -  xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu;

Thông qua các hoạt động trồng rừng 2.354 ha, chăm sóc rừng 3.895 lượt ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 3.895 lượt ha, bảo vệ rừng 596.553 lượt ha; trồng trên 6 triệu cây xanh phân tán góp phần nâng độ che phủ rừng lên 16,4%. Bên cạnh đó, tăng nguồn thu của rừng từ các loại dịch vụ môi trường rừng, phấn đấu để nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm tăng bình quân 10%/năm;

Công tác bảo vệ và phát triển rừng góp phần tạo việc làm cho 12.000 lao động tại địa phương, trong đó lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 5%, nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, nâng giá trị thu nhập từ rừng trên địa bàn tỉnh tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020; sản lượng gỗ khai thác đạt 540.350 m3;

Nâng cao giá trị đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tỷ trọng của ngành lâm nghiệp đạt khoảng 1-1,3%/năm trong giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị của ngành lâm nghiệp, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lâm sản ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước và Quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống mất rừng, suy thoái rừng, suy thoái đất, giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia tích cực và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ cam kết quốc tế.

UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ theo tình hình thực tế tham mưu UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024./.

                                                                                                                                                                Chi cục Kiểm lâm

Hình ảnh liên quan:

 

 

Tác giả: Lam nghiep -cckl

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây