I. Thông tin tình hình dịch bệnh:
1. Trong nước: Theo thông tin của Cục Thú y, tính đến ngày 02/11/2015, tình hình dịch bệnh xảy ra trên cả nước như sau:
1.1. Dịch Cúm gia cầm: Ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và tại xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã qua 21 ngày không phát sinh gia cầm mới mắc bệnh. Hiện nay, cả nước có 03 ổ dịch Cúm gia cầm tại 03 huyện của 02 tỉnh chưa qua 21 ngày, cụ thể:
- Tỉnh Nam Định: 02 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra trên địa bàn xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh (đã qua 20 ngày);
- Tỉnh Quảng Ninh: 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra trên địa bàn xã Quảng Chính, huyện Hải Hà (đã qua 07 ngày).
1.2. Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM):
- Tỉnh Bến Tre: Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng VI, ngày 18/10/2015 xảy ra ổ dịch LMLM typ O ở 03 hộ chăn nuôi thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri làm 06 con bò mắc bệnh.
Hiện nay, cả nước có 10 ổ dịch LMLM xảy ra tại 06 huyện của 05 tỉnh chưa qua 21 ngày, cụ thể như sau:
- Tỉnh Phú Yên: 02 ổ dịch LMLM typ A tại xã Xuân Quang 1 và xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân (đã qua 04 ngày);
- Tỉnh Yên Bái: 01 ổ dịch LMLM tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (đã qua 18 ngày);
- Tỉnh Tiền Giang: 02 ổ dịch LMLM tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (đã qua 17 ngày) và tại xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho (đã qua 10 ngày);
- Tỉnh Ninh Thuận: 04 ổ dịch LMLM (typ O) tại các xã Lương Sơn, Ma Nới, Lâm Sơn và thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn;
- Tỉnh Bến Tre: 01 ổ dịch LMLM (typ O) tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri.
1.3. Dịch Tai xanh trên heo:
- Tỉnh Long An: Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng VI, từ ngày 26/10/2015 – 01/11/2015 xảy ra ổ dịch tai xanh ở 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành làm 19 con lợn mắc bệnh, trong đó có 09 con chết và 11 con tiêu hủy. Trong ngày 01/11/2015, ổ dịch tai xanh cũ (chưa qua 21 ngày) ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa phát sinh thêm 14 con lợn mắc bệnh, trong đó có 2 con chết và 2 con tiêu hủy.
Hiện nay, cả nước có 11 ổ dịch Tai xanh xảy ra tại 07 huyện của 04 tỉnh chưa qua 21 ngày, cụ thể như sau:
- Tỉnh Hà Tĩnh: 01 ổ dịch tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (đã qua 05 ngày);
- Tỉnh Sóc Trăng: Có tổng số 07 ổ dịch, trong đó:
+ Huyện Long Phú: 02 ổ dịch xảy ra ở xã Trường Khánh và thị trấn Long Phú (đã qua 10 ngày) và 01 ổ dịch xảy ra ở xã Tân Thạnh;
+ Thành phố Sóc Trăng: 03 ổ dịch xảy ra ở Phường 2 (đã qua 14 ngày), Phường 7 và Phường 8;
+ Huyện Châu Thành: 01 ổ dịch tại xã An Ninh (đã qua 10 ngày).
- Tỉnh Nghệ An: 01 ổ dịch tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (đã qua 06 ngày);
- Tỉnh Long An: 02 ổ dịch xảy ra tại xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa và ổ dịch tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành. 2. Trong tỉnh:
a. Tình hình dịch bệnh: Trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như Lở mồm long móng gia súc, tai xanh trên heo, cúm gia cầm.
b. Công tác phòng chống dịch bệnh:
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong tỉnh ổn định.
Tình hình dịch bệnh LMLM, Cúm gia cầm và tai xanh trên cả nước đang có xu hướng gia tăng. Hơn nữa, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng cho vật nuôi kết hợp với tình hình dịch bệnh ở một số địa phương khác (Long An) có thể lây lan vào trong tỉnh qua con đường vận chuyển từ biên giới và các tỉnh khác trong nước.
- Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi xảy ra, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao; khu vực biên giới; khu vực có vận chuyển gia súc, gia cầm, nơi có mật độ chăn nuôi cao.
- Để tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, Chi cục Thú y đã in và tổ chức phát tờ bướm đến người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chi cục Thú y đã triển khai Kế hoạch kiểm tra vệ sinh Thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh kinh doanh thuốc thú y – thức ăn chăn nuôi theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vệ sinh thú y cho các cơ sở trên, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Chi cục Thú y xây dựng Kế hoạch lấy mẫu giám sát huyết thanh sau tiêm phòng Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh. Thời gian lấy mẫu vào ngày 10-11/11/2015 để đánh giá hiệu quả của công tác tiêm phòng.
- Chi cục Thú y xây dựng Kế hoạch lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Thời gian lấy mẫu vào ngày 11-12/11/2015 để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm.
- Tổng kết công tác tiêm phòng đợt 2/2015 cho gia súc; các Trạm Thú y huyện/thành phố tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin cúm cho gia cầm đợt 2/2015 trên địa bàn tỉnh..
- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm.
- Tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Chi cục Thú y đang triển khai công tác tiêu độc sát trùng đợt 3/2015 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra tại địa phương từ ngày 15/10/2015 đến ngày 15/11/2015.
Ngoài ra, Chi cục Thú y khuyến cáo tuyên truyền cho người chăn nuôi nên tự bảo vệ đàn vật nuôi của mình bằng các biện pháp như tiêm phòng cho vật nuôi, vệ sinh tiêu độc - khử trùng chuồng trại, bổ sung các chế phẩm (vitamin, thuốc bổ,...) để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.
Người chăn nuôi cần phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh từ động vật lây sang người, khai báo với chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân.
|
Ý kiến bạn đọc