MÔ HÌNH “Ủ PHÂN CÁ HỮU CƠ HỘ GIA ĐÌNH”

Thứ ba - 07/12/2021 23:00 1.474 0

MÔ HÌNH "Ủ PHÂN CÁ HỮU CƠ HỘ GIA ĐÌNH" 


            Hiện nay, giá thị trường phân bón vô cơ ( NPK) tăng quá cao, trong khi đó giá lúa và giá các loại hàng nông sản bán ra không tăng. Vì thế, nông dân đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, có nguy cơ thua lỗ.

          Để giảm áp lực chi phí phân bón vô cơ đang tăng quá cao, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Dương Minh Châu khuyến cáo bà con nông dân canh tác giảm lượng phân vô cơ và tăng lượng phân hữu cơ, đảm bảo được năng suất cây trồng.

Phân hữu cơ mang đến nhiều lợi ích cho đất và cây trồng, việc bón nhiều phân hữu cơ sẽ giúp đất giàu mùn tạo nên sự kết dính trong kết cấu đất. Trong phân hữu cơ có đầy đủ dưỡng chất, tuy hàm lượng không nhiều nhưng cây trồng có thể hấp thụ hoàn toàn trong thời gian dài, bền vững. Phân hữu cơ giúp giữ ẩm, giữ phân, giữ nước, và giúp cho bộ rễ phát triển tốt, bền lâu và giúp cho đất xốp. Đặc biệt phân hữu cơ giúp cho hệ vi sinh vật trong đất phát triển mạnh mẽ.

          Ngoài phân hữu cơ, chất hữu cơ thì việc mua cá tạp và phế phẩm từ cá về nhà tự ủ phân cá (đạm cá) để bón cho cây trồng cũng là một cách bổ sung nguồn phân bón cho cây trồng giúp giảm áp lực chi phí phân bón đang tăng quá cao trong điều kiện hiện nay. Phân cá hữu cơ giúp cây trồng dễ hấp thu và chuyển hóa thành dinh dưỡng; cải tạo đất xấu, đất cát và đất bạc màu. Phân cá hữu cơ có thể dùng tưới gốc hoặc phun lên lá đều cho hiệu quả.

          + Quy trình ủ phân cá hữu cơ:

          1. Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ:

Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và thiết bị như sau:

          - Cá tươi: Có thể sử dụng cá nước ngọt như cá rô phi, cá tra,… hoặc các sản phẩm phụ như đầu cá, vây cá, ruột cá.


Hình 1: các loại phụ phẩm từ cá.

           - Chế phẩm men vi sinh ủ cá: chế phẩm sinh học men vi sinh EM

          - Mật rỉ đường: nếu không có mật rỉ đường bà con có thể sử dụng đường cát, đường tán để thay thế.

          2. Kỹ thuật ủ phân cá:

          Bước 1: Dùng 1 lít EM Gốc + 3 kg mật rỉ đường (hoặc đường cát) + 21 lít nước = 25 lít EM thứ cấp

          Ủ EM thứ cấp từ 5-7 ngày để nhân mật số vi sinh vật có lợi được nuôi cấy trong dung dịch.


Hình 2: chế phẩm sinh học men vi sinh EM.

         - Thùng chứa: Nên chọn thùng chứa lớn, có vòi xả để chứa được nhiều cá và dể sang chiết

          Bước 2: Tiến hành bỏ 20 kg cá hoặc các loại phụ phẩm từ cá đầu cá, vây cá, ruột cá đã được chuẩn bị trước đó vào thùng chứa dung dịch EM thứ cấp trên. (Lưu ý: không ngâm ủ quá 80% thể tích thùng)


Hình 3: thùng dung để ngâm ủ phân cá.


          Bước 3: Đảo điều và đậy kín.

          Bước 4: Sau khi ngâm ủ được 10 ngày mở nắp đảo điều.

          Bước 5: Sau thời gian ủ từ 25-30 ngày khi dịch ủ phân có màu vàng sậm là thành công.


Hình 4: dung dịch EM thứ cấp ủ từ 5-7 ngày.



Hình 5: cho cá vào thùng EM thứ cấp để tiến hành ngâm ủ phân cá


Hình 6: dung dịch phân đạm cá sau khi ủ.

            * Tác dụng của chế phẩm sinh học trong quá trình ủ phân cá:

          Chế phẩm men vi sinh EM gốc ủ cá có chứa nhiều vi sinh vật có lợi như: Streptomyces, Rhizobium, Lactic, Bacillus, Vi khuẩn quang hợp, nấm men,… trong quá trình ngâm ủ vi sinh vật bắt đầu lên men, trong quá trình lên men vi sinh vật tiết ra enzyme protease để phân hủy protein trong cơ thịt cá thành peptide, acin amin.

          Trong chế phẩm sử dụng ủ phân cá cung cấp nhiều vi sinh vật có lợi. Khi ủ cá thành công, sẽ tạo được phân cá vi sinh, làm tăng hiệu quả của dịch đạm cá đối với cây trồng.

          3. Cách sử dụng phân cá sau khi ngâm ủ:

          - 1 lít dịch đạm cá + 200 lít nước: dùng để phun, xịt ướt đều toàn lá, thân của cây

          - 1 lít dịch đạm cá + 100 lít nước: dung tưới gốc

          - Xác bã của cá, cho vào bón gốc cho cây trồng

          - Định kỳ 10 – 15 ngày sử dụng dịch đạm cá tưới cây một lần

          Với giá thành phân bón NPK đang tăng quá cao như hiện nay, việc tự ủ phân cá ( đạm cá) tại nhà để sử dụng giúp bà con nông dân phần nào giảm được áp lực chi phí đầu tư cho vụ mùa sắp tới. Kết hợp việc sử dụng giữa phân hữu cơ và phân vô cơ vào trong sản xuất đây có thể xem là giải pháp giúp giảm được phần nào đó chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng, vẫn  đem lại lợi nhuân cho bà con nông dân./.

 Trạm  Trồng trọt và BVTV huyện Dương Minh Châu

 

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây