Cây Đinh lăng:
Tên khoa học: Polyscias Fruticosa (L.) Harms.
Họ Ngũ gia bì (Araliaceae)
Tên Việt Nam: Đinh lăng, cây gỏi cá, Nam dương lâm.
1. Giới thiệu
Đinh lăng thuộc loại cây nhỏ dạng bụi, cao 1,0 – 2,0 m; ngoài trồng để làm cây cảnh, cây Đinh lăng còn là một loài cây dược liệu quý có thể sử dụng được toàn bộ cây từ rễ, củ, cành và lá để làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khỏe và làm gia vị cho một số món ăn.
Đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn, chịu bóng nhưng không chịu úng ngập. Cây có biên độ sinh thái rộng, phân bố trên khắp các vùng sinh thái, có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 28oC; Đinh lăng lá nhỏ: Polyscias fruticosa (L.) Harms là loài đang sử dụng nhiều nhất. Đinh lăng lá nhỏ có hai loại chính:
+ Đinh lăng nếp: là loại lá nhỏ, xoăn, thân nhẵn, củ to, rễ nhiều và mềm, vỏ dày cho năng suất cao và chất lượng tốt.
+ Đinh lăng tẻ: là loại lá sẻ thùy to, vỏ thân xù xì, màu xanh nhạt, củ nhỏ, rễ ít và cứng, vỏ bì mỏng, năng suất thấp.
2. Kỹ thuật nhân giống
Trên những cây đinh lăng sinh trưởng mạnh, 2 năm tuổi trở lên, không sâu bệnh hại, chọn những cành khỏe, cành bánh tẻ cành vừa hóa nâu, sau đó cắt từng khoảng dài 10 cm để làm hom giống. Thực hiện các bước sau:
+ Bước 1: Chuẩn bị cây giống (những đoạn cây giống vừa nêu trên).
+ Bước 2: Hỗn hợp trong bầu đất gồm: tro trấu, phân chuồng hoai mục và đất với tỉ lệ 1:1:1.
+ Bước 3: Nhúng vào dung dịch NAA (kích thích ra rễ) đã pha sẵn nồng độ.
+ Bước 4: Đặt hom vào bầu ươm, vùi đất 2/3 hom, ấn cho chặt đất tưới nước, chăm sóc.
+ Bước 5: Sau khi ghim hom khoảng 3 tháng cây ra rễ, có thể đem ra ruộng (vườn) trồng, tưới nước để giữ ẩm.
3. Kỹ thuật trồng trọt
3.1. Kỹ thuật làm đất
3.1.1. Trồng theo hố: Làm đất phải cày bừa làm đất tơi, đào hố kích thước 20x20x20 cm.
3.1.2. Trồng theo hàng: làm luống rộng 60 cm, cao 25 – 30 cm, đào hốc thành hai hàng lệch nhau, cây cách cây 50 cm.
3.2. Kỹ thuật trồng
- Thời vụ: có thể trồng quanh năm nếu chủ động nước, thường đầu mùa mưa trồng là tốt nhất.
- Mật độ:
+ Trồng chuyên canh: cây cách cây 0,5 m, hàng cách hàng 0,8 m. Mật độ 25.000 cây/ha.
+ Trồng xen: tùy khoảng cách giữa 2 hàng của cây trồng chính thiết kế khoảng cách cây trồng xen cho phù hợp. Mật độ trồng xen khoảng 12.000 - 14.000 cây/ha.
- Trồng bằng hom giống: hom giống được chọn những cành khỏe, cành bánh tẻ, cành vừa hóa nâu, sau đó cắt từng khoảng dài 20 cm để làm hom giống, đặt hom giống nghiêng 45o theo mặt hố đã chuẩn bị sẵn, sau đó lấp hom, để hở đầu hom trên mặt đất 5 cm.
- Trồng bằng cây giống: sau khi xé túi bầu, đặt cây giống giữa hố trồng, lấp đất, dùng tay nén xung quanh gốc.
- Trồng xong, phủ rơm rạ lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp. Sau khi trồng, tưới nước thường xuyên đảm bảo độ ẩm cho đất trong khoảng 25 ngày, không để ngập nước. Lưu ý: thoát nước tốt trong điều kiện mưa nhiều để tránh thối hom giống.
3.3. Kỹ thuật bón phân
3.3.1. Đối với trồng chuyên canh
Bón lót: sử dụng 7 – 10 tấn/ha phân chuồng và 270 – 350 kg/ha phân NPK 20-20-15. Bón toàn bộ lượng phân lót, sau khi trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố. Chuẩn bị trước khi trồng 10 – 15 ngày.
Bón thúc:
- Năm đầu vào tháng 6 – 7 dương lịch sau khi làm cỏ, bón thúc 70 kg urê/ha bằng cách rắc vào hố cách gốc 20 cm rồi lấp kín.
- Cuối năm thứ 2 vào tháng 9 dương lịch sau đợt tỉa cành, bón thêm phân chuồng 3 – 4 tấn/ha và 170 – 200 kg/ha phân NPK 20-20-15 + 70 kg/ha phân Clorua kali. Bón thúc vào hố cách gốc 20 – 30 cm, vun đất phủ kín phân bón, để cây có điều kiện phát triển mạnh vào năm sau.
- Các năm tiếp theo, lượng phân cũng như năm thứ 2 nhưng cần bổ sung thêm các loại phân bón qua lá để tăng thêm hàm lượng vi lượng cho cây.
3.3.2. Đối với trồng xen canh
Tùy theo mật độ trồng xen chọn chế độ bón phân thích hợp.
3.4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý đồng ruộng
+ Tỉa cành:
- Từ năm thứ 2 trở đi cần tỉa bớt lá và cành, mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9.
- Mỗi gốc chỉ để 1 – 2 cành to, tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và củ đinh lăng.
Làm cỏ kịp thời. Bón thúc vào tháng 8 – 9 dương lịch, vun đất phủ kín phân bón, để cây có điều kiện phát triển mạnh vào năm sau. Trồng từ 3 năm trở lên mới thu hoạch.
+ Quản lý đồng ruộng: Kiểm tra thường xuyên tình trạng đồng ruộng, dụng cụ phun thuốc và các bao gói, vệ sinh dụng cụ và xử lý nước thải khi vệ sinh dụng cụ phun thuốc, phòng ngừa khả năng gây ô nhiễm đất trồng và môi trường vùng sản xuất.
3.5. Phòng trừ sâu bệnh
Đối tượng sâu bệnh hại trên cây chủ yếu là sâu cuốn lá, sâu xanh,… Có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, có nguồn gốc thảo mộc hoặc bắt bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sử dụng luân phiên thuốc sinh học chứa các hoạt chất như Bacillus thuringiensis; Beauveria bassiana Vuill; Beauveria bassiana 1 x 109 bào tử/g + Metarhizium anizopliae 0.5 x 109 bào tử/g để phun cho cây.
Lưu ý: Đinh lăng là cây trồng làm thuốc nên chỉ sử dụng thuốc sinh học để phun cho cây, không dùng các loại thuốc trừ sâu bệnh độc hại.
4. Kỹ thuật thu hoạch, chế biến, bảo quản
4.1. Thu hoạch, chế biến sau thu hoạch
- Lá: khi chăm sóc cần tỉa bớt lá chỗ quá dày, khi thu vỏ rễ, vỏ thân thì thu hoạch lá trước, sau đó mới chọn hom giống. Lá thu được đem hong gió cho khô là tốt nhất. Cuối cùng sấy cho thật khô.
- Vỏ rễ, vỏ thân: có thể thu hoạch vào cuối tháng 8 – 9 dương lịch của năm thứ 2 (cây trồng 5 năm có năng suất vỏ rễ, vỏ thân cao nhất). Rễ và thân cây rửa sạch đất cát, cắt rời rễ lớn, hong gió một ngày cho ráo nước để riêng từng loại vỏ thân, vỏ rễ sau khi bóc. Rễ nhỏ có đường kính dưới 10 mm không bóc vỏ. Loại đường kính dưới 5 mm để riêng. Rễ cần được phơi, sấy liên tục đến khi khô giòn là được.
- Củ và rễ tươi đã thu hoạch cần chế biến ngay, không nên để quá 5 ngày. Có thể thái lát mỏng 0,3 – 0,5 cm rồi rửa sạch đem phơi hoặc sấy khô.
Phân loại:
- Loại I: vỏ, rễ cây loại có đường kính (lúc tươi) từ 10 mm trở lên.
- Loại II: vỏ thân và vỏ rễ có đường kính dưới 10 mm (vỏ thân gần gốc dày trên 2 mm).
- Loại III: các loại rễ và vỏ thân mỏng dưới 2 mm.
4.2. Bảo quản và vận chuyển
Bao bì đóng gói 2 lớp: đóng gói dược liệu bằng túi polyetylen dày khó rách, sau đó buộc chặt đầu tránh không khí xâm nhập làm ẩm, mất mùi thơm, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Đóng ngoài là bao gai bền có ghi đầy đủ ký hiệu lô, ngày và nơi sản xuất.
Bảo quản: nơi khô, sạch, chú ý phòng ẩm và mối mọt dễ phát sinh.
Kho bảo quản: ở nơi cao ráo, thoáng mát có cửa thông thoáng, trang bị kệ sắt để đặt sản phẩm, kệ cách tường kho và cách sàn kho 20 – 30 cm để tránh ẩm và mối mọt./.
Chi cục Trồng trọt và BVTV
Ý kiến bạn đọc