Một số giải pháp cần thực hiện đối với vụ hè thu 2021

Thứ năm - 27/05/2021 20:00 312 0

Để các cây trồng vụ Hè Thu 2021 sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo năng suất, bà con nông dân cần lưu ý thực hiện một số giải pháp sau:

1. Đối với cây lúa

- Dự kiến diện tích sản xuất lúa vụ Hè Thu 2021 khoảng 45.100 ha. 

- Thời vụ: dự kiến bố trí lịch xuống giống vụ Hè Thu 2021 như sau:

+ Đợt 1: 18/5/2021 – 25/5/2021 (07/4 – 14/4 ÂL).

+ Đợt 2: 01/6/2021 – 07/6/2021(21/4 – 27/4 ÂL).

+ Các diện tích xuống giống muộn kết thúc trước 15/6/2021 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo.

* Các giống khuyến cáo sử dụng: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Jasmine 85, IR 50404, Đài Thơm 8.

- Các giải pháp cần thực hiện:

+ Thực hiện cày ải, phơi đất; vệ sinh đồng ruộng để hạn chế mầm bệnh trong đất; san bằng mặt ruộng để quản lý cỏ dại và hạn chế đọng nước giai đoạn đầu vụ gây chết mầm lúa (nắng nóng).

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại phát sinh trên diện rộng.

+ Áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất: giống lúa cấp xác nhận trở lên, 01 phải 05 giảm, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch,...

+ Chủ động các phương án tiêu thoát nước để phòng mưa lớn bất thường.

+ Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.

- Một số sâu bệnh hại:


+ Rầy nâu: mặc dù diện tích lúa nhiễm rầy nâu tuy đã giảm nhưng các địa phương không nên chủ quan, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình rầy nâu di trú, rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.

+ Ốc bưu vàng: xuất hiện gây hại trong suốt vụ lúa nhất là tại những cánh đồng không thoát nước được; để quản lý ốc bưu vàng, cần thực hiện các biện pháp quản lý ngay trước khi gieo sạ như: đánh rảnh quanh ruộng, cắm cọc ven bờ khoảng cách 03 – 04 m/cây nơi có nước chảy và chổ rảnh sâu để thu bắt ốc, diệt trứng ốc, …

+ Bệnh đạo ôn: lưu ý bệnh xuất hiện gây hại vào giai đoạn phát triển sung yếu (đẻ nhánh – đòng trỗ) của cây lúa nhất là trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm.

+ Chuột: xuất hiện gây hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây lúa, gây thiệt hại nặng trong giai đoạn làm đòng, do vậy cần diệt chuột thường xuyên, thực hiện ngay từ đầu vụ bằng nhiều biện pháp mang tính cộng đồng.

+ Ngoài ra cần lưu ý sự xuất hiện gây hại của các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, các bệnh do vi khuẩn gây ra, …

2. Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày

- Tùy thuộc điều kiện cụ thể của mỗi vùng có khuyến cáo thời vụ xuống giống phù hợp cho từng đối tượng cây trồng.

- Trong quá trình sản xuất các loại cây trồng cần ưu tiên những nội dung như sau:

+ Đối với cây mì: sử dụng giống sạch bệnh và quản lý tốt bọ phấn trắng ở giai đoạn đầu vụ.

+ Đối với cây bắp: tăng cường kiểm tra đồng ruộng ngay từ đầu vụ để quản lý tốt sâu keo mùa thu nhằm tránh gây thiệt hại cuối vụ.

+ Đối với các cây trồng khác: sử dụng giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

- Biện pháp canh tác: tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý mới có hiệu quả kinh tế cao; cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:

+ Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh vàng lá chết cây phát sinh gây hại vào đầu mùa mưa.

+ Trên đất chuyên màu: cần chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý  và bón phân cân đối NPK.

+ Trên đất chuyển đổi cây lúa sang trồng màu: chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng tuyệt đối không để úng cục bộ; lên liếp cao thông thoáng, liên vùng không có hiện tượng lúa màu đan xen, tùy theo thành phần cơ giới đất và độ màu mỡ của đất để bón cân đối NPK, không bón thừa đạm gia tăng sâu bệnh và năng suất thấp.

  • Một số sâu bệnh hại:

    + Cây rau màu: các đối tượng như sâu vẽ bùa, bệnh thối nhũn, thối gốc, ... gây hại trên nhóm rau cải; nhện đỏ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, đốm vàng, thán thư, phấn trắng, ... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; nhóm nhện, bọ trĩ, bệnh thán thư, héo xanh, héo vàng gây hại cây ớt; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá, ….
    + Cây khoai mì: lưu ý các đối tượng nhện đỏ, bọ phấn, bệnh khảm lá, xì mủ chết đọt, ... Để góp phần quản lý tốt các đối tượng trên, cần: vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư khoai mì sau thu hoạch; tuân thủ theo hướng dẫn phòng chống dịch khảm lá của ngành chuyên môn như xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực; sử dụng các giống KM 94, KM 505, … sạch bệnh để gieo trồng; phun thuốc BVTV trừ bọ phấn trắng trong giai đoạn mọc mầm – 03 tháng sau khi trồng; thường xuyên thăm đồng, …  


          + Cây bắp: lưu ý sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu; khi mật số sâu cao, luân phiên sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất: Bacillus thuringiensis, Indoxacard, Spinetoram, Lufenuron, Emamectin benzoate.

          3. Đối với cây ăn quả

          - Áp dụng một số biện pháp kỹ thuật canh tác sau:

          + Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chế bệnh vàng lá thối rễ.

           + Giai đoạn đầu vụ gặp nắng nóng, khô hạn: áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; tủ gốc, tỉa bớt cành nhánh, bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng qua lá để nâng cao khả năng chống chịu cho cây.

           + Vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại; do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối. Tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều.

           + Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa, vì: vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, giúp chất lượng trái ngon hơn. Vào đầu mùa mưa,dùng nước vôi quét vào gốc cây để hạn chế các loài xén tóc đục thân, cành đẻ trứng và nấm Phytopthora sp. phát sinh.

          - Một số sâu bệnh hại:

          + Trong điều kiện thời tiết còn tiếp tục nắng nóng đến nữa đầu tháng 5/2020, lưu ý các đối tượng gây hại thuộc nhóm côn trùng chích hút: nhện đỏ, rệp sáp, sâu vẽ bùa/cây có múi, … và bệnh chổi rồng/nhãn.

          + Ngay sau khi có các cơn mưa giao mùa, chú ý phòng trừ kịp thời các loài xén tóc đục thân, cành.

          + Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, lưu ý bệnh vàng lá thối rễ, đốm lá, thán thư, bệnh do vi khuẩn gây ra.

           4. Đối với cây công nghiệp dài ngày

       - Tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại,…

       - Thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ thích hợp; tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh gây hại./. 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây