Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt cay

Thứ bảy - 31/10/2020 00:00 19.561 0
Cây ớt có thể trồng các tháng trong năm nhưng trồng thích hợp, gieo vào tháng 9 đến tháng 12 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau. Đất cần được vệ sinh và xử lý trước khi xuống giống và không trồng liên tục nhiều vụ ớt trên cùng 1 chân đất và không được trồng ớt trên đất đã trồng các loại cây họ cà như cà chua, cà tím, thuốc lá,…

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ỚT CAY


1. Điều kiện đất đai, nguồn nước

1.1. Đất

- Đất bằng phẳng, không ngập úng, đảm bảo phân tích mẫu đất đạt yêu cầu về kim loại nặng và vi sinh vật theo quy định.

- Độ pH của đất khoảng 6,0 – 6,5.

1.2. Nguồn nước

- Nguồn nước phải sạch, nước không bị ô nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

- Không được sử dụng nguồn nước gần nhà máy, bệnh viện, nghĩa trang, bãi rác …

1.3. Thời tiết

- Nhiệt độ thích hợp để gieo hạt từ 21 – 320C; Có ánh sáng đầy đủ.

- Cây ớt có thể trồng các tháng trong năm nhưng trồng thích hợp, gieo vào tháng 9 đến tháng 12 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau.

1.4. Thời vụ:

-Vụ Đông Xuân (vụ chính): Gieo tháng 10-11 (dương lịch), trồng tháng 11-12 (dương lịch), bắt đầu thu hoạch tháng 2-3 (dương lịch). Trong vụ này cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh.

-Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4-5 (dương lịch) trồng tháng 5-6 (dương lịch) thu hoạch 8-9 (dương lịch). Mùa này cần trồng trên đất thoát nước tốt để tránh úng ngập và chọn giống kháng bệnh thán thư.

- Vụ Mùa: Gieo tháng 8-9, trồng tháng 9-10, bắt đầu thu hoạch tháng 12-1 (dương lịch) và kéo dài đến tháng 4-5 năm sau. Vụ này ớt trồng trên đất bờ líp cao không ngập nước vào mùa mưa. Ớt trồng mùa mưa đỡ công tưới, thu hoạch trong mùa khô dễ bảo quản, chế biến và thời gian thu hoạch dài.

2. Chọn giống và chuẩn bị đất

2.1. Tiêu chuẩn chọn hạt giống.

- Phải có nguồn gốc nơi sản xuất hạt giống.

- Hạt giống không có mầm bệnh.

- Độ sạch của hạt giống ≥ 99 %.

- Hạt khác giống ≤ 0,2 %.

- Ẩm độ ≤ 7 – 8 %.

- Tỉ lệ nẩy mầm từ 90 – 95 %.

2.2. Chọn giống phù hợp

- Tùy theo nhu cầu thị trường; nhất là hợp đồng tiêu thụ và xuất khẩu.

- Nên chọn giống phù hợp với điều kiện đất đai và thời tiết của địa phương.

Một số giống ớt cay phổ biến: ớt hiểm lai F1: ANDO69, ANDO70, HMT97, S.600, Chánh Phong số 131,...

2.3. Làm đất

- Đất cần được vệ sinh và xử lý trước khi xuống giống.

- Cày cho đất tơi xốp và phơi nắng từ 7 – 14 ngày trước khi trồng.

- Không trồng liên tục nhiều vụ ớt trên cùng 1 chân đất và không được trồng ớt trên đất đã trồng các loại cây họ cà như cà chua, cà tím, thuốc lá,…

2.4. Gieo ươm cây con

- Đất để ươm cây giống là đất trộn phân, với tỷ lệ 1:1. Cây giống ươm trong các túi nhựa, hay trên các khay xốp 98 – 130 lỗ. 15 – 20 gr/1.000 m2.

- Trộn hạt giống với hoạt chất Azoxystrobin + Fosetyl-aluminium để phòng ngừa bệnh từ hạt,  chết rạp cây con.

- Cây giống là cây ưa sáng, nhưng phải được che bằng giàn có khung đỡ, tránh ánh sáng trực sạ. Khung đỡ rộng từ 1 – 2 m và cao 40 – 50 cm, được phủ bằng rơm rạ hay vật liệu tương tự. Các mặt xung quanh để ngỏ tạo sự thông thoáng cho luống gieo.

- Cây giống cần được tưới nước hằng ngày hoặc khi cần thiết. Khi cây giống được 25 – 30 ngày tuổi có thể đem ra ruộng trồng.

2.5. Lên liếp và phủ bạt

- Liếp rộng 1,0 – 1,2 m, cao 15 – 30 cm.

- Mùa khô:

+ Trồng hàng đơn: khoảng cách hàng x hàng 1,0 – 1,2 m, cây x cây 40- 50 cm.

+ Trồng hàng đôi: khoảng cách hàng x hàng 1,5 – 1,7 m, cây x cây40-50 cm.

- Mùa mưa: nên làm mương sâu quanh ruộng, lên liếp cao để thoát nước dễ dàng sau mỗi cơn mưa.

- Phủ bạt: Plastic có màu ánh bạc ở mặt trên và màu đen ở mặt dưới (Mặt ánh bạc sẽ phản chiếu ánh nắng mặt trời và xua đuổi côn trùng, mặt tối bên dưới sẽ làm cho cỏ không mọc được).

- Xử lý mầm bệnh: Phun thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Azoxystrobin hoặc Hexaconazole đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.

- Đậy màng phủ: Mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chì bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10 cm ghim sâu xuống đất (dây chì sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp hoặc dùng đất lấp mép.




2.6. Mật độ trồng

- Trong mùa khô: khoảng 2.000-2.200 cây/1.000 m2.

- Trong mùa mưa: khoảng 1.800-2.000 cây/1.000 m2.

(Tùy theo vùng đất chọn mật độ thích hợp)

3. Chăm sóc

3.1. Bón phân

- Công thức bón phân trung bình cho 1ha: phân hữu cơ/ phân chuồng hoai mục 10-20 tấn, vôi 01 tấn, 200N- 150P2O5- 180K2O tương ứng 200kg Urê+200kg Super lân+200 kg Kali Clorua+ 700 kg NPK16-16-8+ 120kg Ca(NO3)2.

- Cách bón:


* Ghi chú:

- NST: ngày sau trồng

- Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rải trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Trong trường hợp trồng phủ rơm, nên bón lót lượng phân nhiều hơn vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.

- Bón phân theo sự phát triển bộ rễ của cây ớt. Mỗi lần bón đục lỗ nhỏ hoặc rạch hàng để bón và phủ lớp đất mỏng hoặc phân hữu cơ để giữ cho phân khỏi bay hơi.


Hình 3: Ruộng ớt

 

3.2. Tưới nước

- Tưới nước ngay sau khi trồng và sau khi bón phân.

- Tưới định kỳ, không để thiếu nước trong giai đoạn cây ra hoa và cho trái, nếu thiếu nước năng suất và chất lượng trái ớt không đạt tiêu chuẩn.

- Tưới vừa đủ nước để giữ độ ẩm của đất, nên tưới phun tiết kiệm nước và hạn chế côn trùng chích hút.

3.3. Chăm sóc

- Tỉa bỏ toàn bộ chồi ở nách lá bên dưới điểm phân cành đầu tiên khi chồi còn nhỏ tạo thông thoáng và tập trung dinh dưỡng ở tầng trên.

- Tỉa bỏ cây bị bệnh và đốt. Nên tỉa vào lúc trời nắng ráo.

- Nếu ớt ra hoa, kết trái gần gốc, hái bỏ hết trái non, chỉ để trái từ tầng lá thứ tư trở lên khi tán đã xòe rộng.

- Đối với các giống ớt cây mang nhiều trái nặng cần cắm mỗi cây 1 cây le cao 60 – 70cm hoặc chăng dây giữ cho cây không đổ ngã.

- Sử dụng và bảo quản nông cụ, bình phun hoá chất phải được vệ sinh trước khi cất giữ. 


4. Sinh vật gây hại cây ớt

4.1. Bệnh hại

4.1.1. Bệnh chết cây con

* Nguyên nhân: Nấm Rhizoctonia solani, Pythium spp., Fusarium spp...

* Triệu chứng: Phần thân ngang mặt đất bị thối khô có màu nâu sẫm đến đen. Cây bị nhiễm bệnh lá rũ có thể bị gãy, cây chậm phát triển và thường bị chết.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Xảy ra trong giai đoạn cây con, thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh và ẩm độ cao.

* Phòng trị:

- Nhổ bỏ những cây bị bệnh.

- Đốt để tiêu diệt nguồn nấm bệnh.

- Vườn ươm thoát nước tốt không có bóng râm. Đất vườn ươm phải xử lý trước khi gieo như đốt rơm rạ hoặc phủ nilon phơi nắng vài tuần, hoặc xử lý vôi.

- Sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, không bón nhiều đạm.

- Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh, có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước.

- Khi bệnh xuất hiện có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như:  Validamycin, Azoxystrobin + Chlorothalonil,Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên sản phẩm.

 

Hình 5: Bệnh Đốm lá (ảnh sưu tầm)

4.1.2. Bệnh đốm lá

* Nguyên nhân: Nấm Cercospora capsici

*Triệu chứng: Vết bệnh trên lá hình tròn, màu nâu, kích thước rất khác nhau. Chính giữa vết bệnh màu xám nhạt, xung quanh viền xanh đậm. Nhiều vết bệnh liên kết nhau làm lá bị cháy khô thành từng mảng lớn. Lá bị bệnh nặng khô vàng và rụng nhiều.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm kéo dài, có thể gây rụng lá hàng loạt.

* Phòng trị:

- Dọn sạch tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch, cày lật đất sớm.

- Chú ý bón phân lân và kali. Ngắt bỏ lá bệnh nặng.

- Bệnh phát sinh với điều kiện thích hợp, phun thuốc bệnh khi mới xuất hiện với các loại thuốc sau:Chlorothalonil, Mancozeb,Ascorbic acid 2.5%+ Citric acid 3.0% + Lactic acid 4.0%,… Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm

4.1.3. Bệnh thán thư: (nổ trái)

* Nguyên nhân: Nấm Colletotrichum gloeosporioides

* Triệu chứng: Ảnh hưởng trên trái, khi bị nhiễm bệnh, xuất hiện những vết lõm xuống, hình vòng tròn, hơi ướt. Vết bệnh có màu nâu nhạt đến đậm. Ngoài ra, bệnh còn tấn công trên cây con gây chết rạp và trên lá ớt gây hiện tượng đốm.


Hình 6: Bệnh thán thư (ảnh sưu tầm)

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Thường gây hại từ khi trái già đến chín, tuy nhiên điều kiện thuận lợi bệnh sẽ phát sinh sớm gây hại trên trái non. Trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao, mưa nắng bất thường bệnh sẽ phát triển mạnh.

* Phòng trị:

- Thu gom và đốt bỏ những trái non nhiễm bệnh. Tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.

- Sử dụng giống khoẻ sạch bệnh. Không dùng hạt ở trái bệnh để làm giống, xử lý hạt giống bằng nước nóng hoặc thuốc trừ nấm trước khi gieo.

- Luân canh cây trồng khác họ.

- Khi cây ở giai đoạn trái non, trong điều kiện mùa mưa hoặc thời tiết nóng có sương mù nên sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất: Azoxystrobin, Chlorothalonil, Mancozeb, Citrus oil, Chitosan,Acrylic acid 4 % + Carvacrol,Ascorbic acid 2.5%+ Citric acid 3.0% + Lactic acid 4.0%,để phòng trừ bệnh.Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm. 


4.1.4. Bệnh héo xanh

 

Hình7: Bệnh héo xanh (ảnh sưu tầm)

* Nguyên nhân: Vi khuẩn Pseudomonas solanacearum

* Triệu chứng: Đặc điểm của bệnh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh. Quan sát rễ cây và thân cây phần trong bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Nếu cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong ly nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra.

* Giai đoạn nhiễm bệnh: Bệnh phát triển nhanh ở ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 380C. Cây non nhiễm bệnh lá trên héo trước, đối với cây lớn thì lá dưới héo trước.

* Phòng trị:

- Luân canh cây trồng; đây là biện pháp có hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác họ cà hoặc luân canh với lúa nước. Không nên trồng ớt 2 vụ liên tiếp trên một chân đất.

- Xử lý hạt giống trong nước nóng 500C trong 25 phút.

- Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bị bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại.

- Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.

- Nhổ bỏ cây bị bệnh gom lại đem đi đốt.

- Tránh việc tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, nhất là khi tưới nước, tỉa cành, thu hái trái.

- Khi bệnh gây hạithường thuốc hóa học cho hiệu quả không cao,do vậy cần phát hiện bệnh sớm khi mới chớm xuất hiện và sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Kasugamycin, Ningnanmycin, Bismerthiazol, Kasugamycin + Streptomycin sulfate,…để hạn chế bệnh phát triển; Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm. Nhổ tiêu hủy cây bị bệnh nặng để hạn chế nguồn bệnh lây lan.

4.1.5. Bệnh héo rũ do nấm

* Nguyên nhân: Fusarium oxysporum


Hình 8: Bệnh héo rũ do nấm (sưu tầm)

* Triệu chứng: Đặc trưng của bệnh này là các lá dưới bị vàng trước sau đó vàng lan lên các lá trên. Triệu chứng héo rũ hoặc biến vàng có thể xuất hiện một vài cành trên cây hay cả cây, cây bị nhiễm bệnh các lá bị vàng, héo sau đó cây chết, cắt ngang thân cây bị bệnh các tế bào thường hóa nâu.

* Thời gian phát bệnh: Bệnh thường gây hại nặng ở những ruộng nhiễm bệnh vụ trước. Điều kiện nhiệt độ từ 18 – 340C, ẩm độ cao thích hợp cho nấm phát triển.

* Phòng trị:

- Luân canh cây trồng khác họ. Nên chọn đất có điều kiện thoát nước tốt.

- Sử dụng giống kháng. Xử lý hạt giống bằng nước nóng 500C trong 25 phút

- Bón vôi 1.000-1.200kg/ha trước khi trồng.

- Dùng phân hữu cơ hoai mục, có nhiều vi sinh vật đối kháng làm hạn chế nguồn bệnh, bón phân cân đối để cây khỏe.

- Tránh tạo vết thương cho cây.

- Nhổ bỏ cây bị bệnh đem đi tiêu hủy đốt hoặc chôn vùi xử lý rải vôi trước khi chôn lấp.

- Dùng các chế phẩm nấm đối kháng Trichodermasp. để ủ phân hoặc trực tiếp bón vào đất trước khi trồng.

- Khi bệnh xuất hiện và phát triển có thể sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV để phòng trị như: Azoxystrobin, Chitosan, Hexaconazole, Azoxystrobin + Dimethomorph + Fosetyl-aluminium,…Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm. Nhổ tiêu hủy cây bị bệnh nặng để hạn chế nguồn bệnh lây lan

4.1.6. Bệnh khảm

* Nguyên nhân: Do virus gây ra.

* Triệu chứng: Đặc trưng của bệnh này là lá biến dạng xoăn lại, mép lá cong lên, trên phiến lá có từng mãng vàng xen lẫn mảng xanh còn lại làm màu lá loang lổ. Bị nặng lá chồi nhỏ hẳn, chồi ngọn không phát triển và chết, hoa rụng, trái nhỏ méo mó và chai cứng.

* Triệu chứng: Đặc trưng của bệnh này là lá biến dạng xoăn lại, mép lá cong lên, trên phiến lá có từng mãng vàng xen lẫn mảng xanh còn lại làm màu lá loang lổ. Bị nặng lá chồi nhỏ hẳn, chồi ngọn không phát triển và chết, hoa rụng, trái nhỏ méo mó và chai cứng.

* Thời gian phát bệnh: Bệnh do các loài rầy và rệp làm môi giới truyền virus gây bệnh.


Hình 9: Bệnh Khảm do virus (ảnh sưu tầm)

* Phòng trị:

- Sử dụng giống kháng hoặc ít nhiễm.

-Vệ sinh đồng ruộng thu gom tàn dư thực vật, xử lý đất trước khi trồng.

- Quản lý vườn ươm tạo giống sạch bệnh trước khi đem trồng (ươm giống trong nhà kính, nhà lưới kín; phòng ngừa các loại côn trùng chích hút môi giới truyền bệnh virus vào vườn ươm).

- Bệnh không có thuốc trị; thường xuyên điều tra tiêu diệt triệt để côn trùng môi giới gây bệnh sử dụng phun thuốc BVTV diệt côn trùng chích hút.

- Khi phát hiện cây bệnh cần nhổ bỏ để hạn chế nguồn bệnh lây lan (thực hiện tốt việc phòng ngừa lây lan bệnh qua việc nhổ bỏ cây bệnh) .

4.2. Côn trùng hại

4.2.1. Bọ trĩ


Hình 10: Bọ trĩ trên ớt (ảnh sưu tầm)

* Đặc tính: Khi trưởng thành hình dạng dài, màu vàng nhạt. Đẻ trứng đơn trên gân lá, sâu non và trưởng thành đều hút chất nhựa từ lá, gân lá làm lá chuyển thành màu nâu vàng và cuộn lại

* Thời gian xuất hiện: Trong suốt mùa vụ trồng.

* Phòng trị: Kiểm tra 100 cây/1.000m2 theo 5 điểm chéo góc và trên 1 cây kiểm tra 5 lá từ đỉnh cây nếu phát hiện bọ trĩ trung bình lớn hơn 2 con/1 lá, tiến hành phun thuốc cóhoạt chất: Abamectin, Emamectin benzoate, Spinetoram,…Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm.


Hình 11: Sâu đục trái hại ớt (sưu tầm)

4.2.2. Sâu đục trái

* Đặc tính: Khi trưởng thành đẻ trứng (từng trứng đơn) trên phần non của cây như lá, gân lá, mầm non, sâu non ăn trái non sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và thị trường tiêu thụ.

* Thời gian xuất hiện: Khi cây ra hoa và có trái non.

* Phòng trị: Nếu sâu phát triển nhiều sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất để phòng trị như: Azadirachtin, Diafenthiuron, Abamectin,…Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm.

4.2.3. Rệp muội (rầy mềm)

* Đặc tính: Cả rệp trưởng thành và rệp non đều rất nhỏ, hình quả lê, mềm. Màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến xanh thẫm hoặc xanh đen tuỳ theo mùa. Rệp trưởng thành có 2 loài có cánh và không cánh. Rệp chích hút nhựa làm cho cây ớt chùn đọt, lá cong và xoăn lại, cây sinh trưởng kém, mật độ rệp cao có thể làm vàng và khô lá. Rệp còn là môi giới lan truyền bệnh virus cho cây ớt.


Hình 12: Rệp muội

(ảnh sưu tầm)

* Thời gian xuất hiện: Khi cây có 2 – 3 lá thật.

*Phòng trị:

- Giết rệp bằng tay hoặc ngắt bỏ các lá bị rệp tấn công.

- Khi mật độ rệp cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất dùng thuốc BVTV có hoạt chất như: Abamectin, Azadirachtin, Emamectin benzoate, Abamectin + Matrine, Abamectin +Emamectin benzoate, Azadirachtin + Matrine,.Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm. Kết hợp chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, ....

4.2.4. Nhện trắng


Hình 13: Nhện trắng trên ớt (ảnh sưu tầm)

* Đặc tính: Nhện trắng đẻ trứng hình tròn, màu vàng nhạt, rất nhỏ, được đẻ dưới mặt lá. Nhện trưởng thành màu vàng nhạt hoặc trắng, có 8 chân. Nhện chuyên sống và gây hại quanh gân chính ở mặt dưới lá. Nhện non và trưởng thành chích hút làm lá non xoắn cong lại và nhỏ hơn bình thường, bị hại nặng lá vàng, khô và rụng. Nhện còn hại trên hoa làm hoa rụng, hại trái làm da biến màu sần sùi (da cám).

* Thời gian xuất hiện: Trong suốt mùa vụ.

* Phòng trị: Không để ruộng khô hạn. Khi nhện phát sinh nhiều phun thuốc BVTV phòng trị 7 – 10 ngày/lần. Một số hoạt chất có thể sử dụng như: Azadirachtin, Celastrus angulatus, Azadirachtin + Matrine,Chlorfluazuron + Emamectin benzoate,…Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm.

4.2.5. Sâu khoang (sâu ăn tạp)

* Đặc tính: Bướm đẻ trứng trên lá, cành và gân lá thành từng ổ bằng hạt đậu, có lông tơ bao phủ màu vàng rơm. Khi mới nở sâu gây hại tại chổ ăn lá, gân, trái; khi lớn sâu sẽ phân tán, ăn mọi bộ phận của cây và tàn phá nhanh chóng. Sâu phá hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ hoặc trong đất. Sâu làm nhộng trong đất.

* Thời gian xuất hiện: Trong suốt mùa vụ trồng.

* Phòng trị:

- Gom trứng và sâu tiêu huỷ.

- Kiểm tra trứng và sâu trên 100 cây/1.000 m2 mỗi 5 – 7 ngày, nếu có trung bình 1 ổ trứng hoặc 1 – 2 con/cây, phải phun thuốc phòng trị, một số hoạt chất có thể dùng: Bacillusthugringiensis, Abamectin, Ebamectin benzoate, Diafenthiuron, Matrine,….Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly ghi trên sản phẩm.


Hình 14: Sâu khoang

(ảnh sưu tầm


4.3. Cỏ dại

4.3.1. Loại cỏ dại

* Cỏ dại hàng niên: Loại cỏ dại có chu kỳ sống ngắn trong 1 mùa vụ hầu hết tăng trưởng bởi hạt

Cỏ lá hẹp: cỏ chỉ, mần trầu…

Cỏ lá rộng: dền, đuôi chồn, màng màng…

Cỏ cói lác: cỏ cú, lác...

* Cỏ dại đa niên: Thường tăng trưởng bằng cây, cây con mọc từ thân cây mẹ tăng trưởng mạnh hơn cây mọc từ hạt.

4.3.2. Phòng trị cỏ dại

  • Làm (cày) vỡ đất, phơi nắng từ 7 – 14 ngày và sau đó bừa cho đất tơi 1 – 2 lần.
  • Gom cây và rễ cỏ trong khu vực trồng.
  • Diệt cỏ dại bằng tay hoặc bằng máy khi cỏ còn nhỏ chưa ra hoa.

Hình 15: Các loại cỏ dại (ảnh sưu tầm)

5. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả

5.1. Mục tiêu của việc dùng thuốc BVTV trên đồng ruộng

-Phát huy tác dụng tích cực của thuốc BVTV trong việc đẩy lùi tác hại của dịch hại.

- Hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng xấu của thuốc BVTV đến con người, cây trồng, sinh vật có ích và môi trường sống.

- Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện hai điều cơ bản sau:

Thực hiện phương pháp phòng trừ tổng hợp đối với mọi loài dịch hại và cây trồng, chỉ dùng biện pháp hóa học (phun thuốc trừ dịch hại trên đồng ruộng) trong trường hợp đã thực hiện mọi biện pháp phòng trừ khác, nhưng dịch hại vẫn phát sinh phát triển với mức độ cao có thể gây tổn thất nặng đến năng suất và phẩm chất nông sản.

Đảm bảo sử dụng thuốc BVTV đúng thuốc, đúng đối tượng, đúng liều lượng, đúng nồng độ, đúng thời gian, đúng phương pháp và phạm vi cho phép, đúng thời gian cách ly; đảm bảo an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường (Điều 21, Điều lệ Quản lý thuốc BVTV).

5.2. Kỹ thuật 4 đúng trong việc dùng thuốc BVTV:

5.2.1. Đúng thuốc

*Sử dụng thuốc có hiệu quả cao với loài sinh vật hại cần phòng trừ, ít độc hại với người, môi trường và thiên địch (dựa vào những thông tin trên nhãn thuốc: chỉ số LD 50 cao > 2000, băng màu chỉ độ độc, nhóm thuốc nhanh phân huỷ, thời gian cách ly ngắn, lượng sử dụng trên đơn vị diện tích thấp….).

* Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, không sử dụng thuốc cấm.

* Thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng.

5.2.2. Đúng liều lượng và nồng độ

* Liều lượng là lượng thuốc và nước cần dùng trên 1 đơn vị diện tích (.... lít, kg /ha) và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun.

* Cần tuân thủ theo đúng liều lượng và nồng độ quy định trên nhãn thuốc để đảm bảo thuốc trang trãi đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, hiệu quả phòng trừ sẽ cao.

* Không sử dụng giảm liều hoặc tăng liều sẽ làm tăng tính kháng thuốc của sinh vật hại. Tăng liều sẽ làm ngộ độc cho cây trồng, con người và ô nhiễm môi trường.

5.2.3. Đúng lúc

* Nên sử dụng thuốc khi sinh vật hại phát triển tới mức cần phòng trừ, khi sâu còn nhỏ, bệnh mới chớm phát.

* Không phun thuốc khi trời nắng nóng, sắp mưa, gió to, khi cây đang nở hoa thụ phấn.

* Cần giữ đúng thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc để đảm bảo không còn dư lượng thuốc trên nông sản khi thu hoạch.

5.2.4. Đúng cách

* Cần phun rãi đều và đúng vào vị trí sinh vật tập trung gây hại. Không phun ngược chiều gió. Sử dụng đúng hướng dẫn theo dạng chế phẩm, thuốc hạt dùng để rải không hoà vào nước phun.

* Khi hỗn hợp các loại thuốc cần chú ý theo quy định trên nhãn thuốc, giữ đúng nồng độ mỗi loại thuốc và không hỗn hợp thuốc cùng nhóm hoặc không được phép hỗn hợp.

* Cần luân phiên thay đổi loại thuốc khác nhóm giữa các lần phun để ngăn ngừa tính kháng thuốc của sinh vật hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc BVTV.

6. Thu hoạch

6.1. Giai đoạn thu hoạch thích hợp

* Thu hoạch đúng lứa để đảm bảo chất lượng ớt đúng phẩm cấp phải đảm bảo đúng thời gian cách ly thuốc BVTV và phân hóa học.

* Phải thu hoạch đúng giai đoạn chín sinh lý để đảm bảo chất lượng ớt đúng phẩm cấp. Người nông dân phải thực hiện đúng thời gian thu hoạch để đảm bảo phẩm chất của trái ớt.

* Ớt chuyển màu đỏ ở đỉnh (dùng ăn tươi) và đỏ đều trên quả (dùng để chế biến), trái cỡ 3 – 7 cm tùy giống để bảo quản đông lạnh và thu hoạch vào buổi sáng.

6.2. Phương pháp thu hoạch

* Trang bị đồ bảo hộ lao động, găng tay cao su.

* Sử dụng dao nhọn cắt trái có cuống không quá 1 cm, và giữ trong giỏ/thùng sạch.

* Giỏ/thùng chứa không quá 3 kg trọng lượng trái ớt.

6.3. Tiêu chuẩn chất lượng trái

* Trái non, tươi, màu vàng đến đỏ, trái còn cứng không mềm và xốp, dài 3 – 7 cm cho dùng tươi và trữ lạnh.

* Không có bệnh, côn trùng và những chất không tốt trên bề mặt trái.

* Cần phải phân loại các loại trái, loại những trái xấu hoặc quá chín để đảm bảo chất lượng đúng phẩm cấp. Phải đảm bảo các chỉ tiêu về thương phẩm như mẫu mã bao bì, đảm bảo phẩm chất của rau thu hoạch và sau đóng gói./.

               

                                      Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây