Kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm

Thứ sáu - 26/04/2019 04:00 3.859 0

I. CHUẨN BỊ AO NUÔI

1. Tiêu chuẩn ao nuôi thủy sản

Bờ ao chắc chắn bảo đảm không bị rò rỉ, sạt lở và xói mòn; độ sâu mực nước của ao nuôi tối thiểu 03 m (căn cứ theo QCVN 02-20:2014/BNNPTNT)

Xây dựng hệ thống (cống hoặc ống dẫn) cấp và thoát nước riêng biệt. Không có cống thông giữa các ao nuôi. 

Nên chọn ao nuôi ở những vùng đất có nền đáy đất thịt, thịt pha sét hoặc bùn cát, không bị chua phèn hay nhiễm mặn.

Ao ở gần nguồn nước sạch, có thể chủ động cấp và thay được nước.

Ao nuôi nên làm theo hình chữ nhật hoặc hình vuông.

2. Chuẩn bị ao nuôi

Chuẩn bị ao trước khi vào vụ nuôi là một công tác hết sức quan trọng Việc xử lý, cải tạo môi trường nước trước khi thả nuôi ảnh hưởng lớn đến thành công của vụ nuôi. Xử lý môi trường nuôi tốt làm giảm các yếu tố gây hại có trong môi trường nước nuôi; giúp thủy sản nuôi khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh.

Nếu là ao cũ thì tát hoặc tháo cạn, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ ao, cống; vét bớt lượng bùn đáy nếu lượng bùn quá nhiều. Sau đó phơi nắng từ 5 - 7 ngày, đến khi nứt chân chim là đạt yêu cầu.

Nếu là ao mới đào thì cần tháo rữa đáy ao bằng cách cho nước vào ao, ngâm từ 1 - 2 ngày rồi tháo nước ra, làm như vậy từ 3 - 4 lần.

Rải đều vôi (CaCO3) khắp đáy ao để diệt mầm bệnh, giảm độ chua phèn của nền đáy ao nuôi, giữ cho độ pH trong nền đáy được ổn định và diệt các mầm bệnh có trong ao với lượng từ 7 - 10 kg/100m2 đáy ao. Nên rải vôi vào những ngày nắng. Có thể rải vôi quanh bờ ao để hạn chế phèn rỉ xuống ao nuôi.

 

Ảnh minh họa: Chuẩn bị ao nuôi, rải vôi nền đáy ao

Sau khi rải vôi 03 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao từ 20 - 30 kg phân chuồng /100m2 ao. Cho nước vào ao khoảng 0,3 - 0,4 m, ngâm ao trong 2 - 4 ngày, tiếp tục cho nước vào ao với độ sâu 1m.

Để diệt tạp trong ao, có thể sử dụng một trong các loại hóa chất như sau: Chlorine với nồng độ 30 ppm; thuốc tím KMnO4 nồng độ 20 ppm; Saponin nồng độ 18 ppm hoặc Rotenon nồng độ 15 ppm tạt đều khắp ao vào lúc sáng sớm.

Lưu ý: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm.

Nước lấy vào ao cần phải lọc bằng đăng hoặc lưới để đề phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập. Sau 3 - 4 ngày quan sát thấy nước có màu xanh đọt chuối là được.

Nếu nước chưa lên màu có thể bổ sung thêm phân vô cơ gồm các loại: urê, lân, NPK. Có thể bón Urê: lân với tỷ lệ 2 : 1, hoặc NPK, liều lượng bón khoảng 0,2 kg/100m2.

Chú ý: phân vô cơ phải được hoà tan vào nước riêng rẽ từng loại rồi tạt đều xuống ao chứ không bón nguyên hạt,

Mục đích của việc bón phân nhằm tăng cường các chất dinh dưỡng, tạo thức ăn tự nhiên cho cá để sau khi thả là cá có sẵn thức ăn tự nhiên, cá sẽ ít hao hụt và chóng lớn.

II. CHỌN GIỐNG VÀ THẢ GIỐNG

1. Chọn giống

Chất lượng con giống có ảnh hưởng rất lớn đến vụ nuôi sau này, con giống đạt chất lượng tốt góp phần vào thành công của vụ nuôi, vì vậy cần phải lựa chọn nguồn giống tốt.

Chọn con giống phải khoẻ mạnh, bơi lội hoạt bát, phản ứng nhanh với tiếng động, không xây xát, không dị hình, dị tật, không mầm bệnh, đồng đều về kích cỡ.

 

 


(Ảnh minh họa: cá tra giống)

Kích cở giống: cá giống phải đảm bảo kích cỡ để khi nuôi đỡ bị hao hụt.

Một số yêu cầu kỹ thuật về chọn giống cá tra: (Căn cứ theo Tiêu chuẩn quốc gia số: TCVN 9963:2014) như sau:


2. Thả giống

Thời điểm thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt.

Cách thả giống:

Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 gram muối + 1 lít nước) trong thời gian 5 - 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.

Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 - 15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả một tay mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra, đồng thời tay còn lại vỗ trên mặt nước tạo Oxy cho cá, khi cá ra khỏi túi 1/2 - 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết.

Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.

Nếu có điều kiện, có thể quây lưới mắt nhỏ tại góc ao, sau đó thả cá giống vào đó và lắp máy bơm tạo dòng chảy nhẹ để tăng oxy cho cá. Đợi khi cá ổn định mới tiến hành thả cá ra ao, thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn.

Có thể sử dụng Chlorine với nồng độ 5 pmm, Iodine nồng độ 10 ppm tạt đều khắp ao để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.

III. THỨC ĂN VÀ CÁCH CHĂM SÓC

1. Thức ăn

Cho ăn theo tiêu chuẩn 4 quy định: định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm. Thức ăn tinh cho ăn vào buổi sáng, thức ăn thô, xanh cho ăn vào buổi chiều. Lượng cho ăn: tùy thuộc vào trọng lượng cá.

 

(Ảnh minh họa: cho cá ăn)

QCVN 02-20:2014/BNNPTNT quy định:

Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hành hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa.

Trường hợp sử dụng thức ăn tự chế phải bảo đảm không có Salmonella, nấm mốc độc (Aspergillus flavus), độc tố aflatoxin B1; không chứa kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Thức ăn cho từng cở cá, liều lượng và số lần cho ăn trong ngày thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

Không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.

2. Môi trường ao nuôi

Kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu: ô xy hòa tan (DO), pH, nhiệt độ và 3-5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu: độ kiềm, NH3, H2S, bảo đảm giá trị của các thông số quy định như sau:

 

3. Quản lý ao nuôi cá

Quản lý tốt ao nuôi cá sẽ giúp vụ nuôi thành công, người nuôi cá cần phải thăm ao hàng ngày để phát hiện các sự cố như sạt lở bờ, địch hại, ô nhiễm môi trường, bệnh cá, mưa lớn cá tràn ra … Hàng tháng, phải kiểm tra tốc độ lớn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với nhu cầu của cá. Kịp thời thay nước, bổ sung nước, xử lý bệnh tật khi phát hiện các sự cố về môi trường.

4. Thu hoạch

Thời gian nuôi 6 - 8 tháng, cá đạt trọng lượng trung bình 1.2 - 1,5 kg. Nên ngưng cho cá ăn ít nhất 01 ngày trước khi đánh bắt. Khi thu hoạch cá, dùng lưới sợi mềm đánh bắt từ từ, không kéo dồn quá nhiều vào lưới làm cá dễ xây xát và dễ chết. Nhanh chóng lựa chọn, phân loại cỡ cá, rửa sạch cá trước khi đưa và dụng cụ bảo quản và vận chuyển. Cần chuyển ngay sản phẩm đến nhà máy chế biến hoặc nơi tiêu thụ.

 


Ảnh minh họa: Thu hoạch cá tra

Trước khi thu hoạch, cơ sở nuôi cá phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Lớp bùn đáy ao sau vụ nuôi phải được vét lên khỏi đáy ao và chuyển ra xa, không nên đổ lên bờ để tránh ô nhiễm ao trở lại. Nước thải từ đáy ao phải được sử lý trước khi thải ra môi trường.

5. Phòng và trị bệnh

a. Phòng bệnh

Chọn cá giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh.

Quản lý môi trường nuôi tốt: xử lý môi trường định kỳ, hút bùn đáy, thay nước thường xuyên.

Bổ sung Vitamin C định kỳ 2 - 3 lần/tuần để tăng cường sức đề kháng cho cá, hạn chế bệnh.

Diệt khuẩn định kỳ nguồn nước ao nuôi.

Khi cá có dấu hiệu bệnh bất thường hoặc chết, chủ cơ sở phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất; đồng thời báo ngay cho các hộ nuôi xung quanh biết để có biện pháp phòng chống dịch.

Không chuyển cá bệnh từ ao này sang ao khác trong thời gian đang có bệnh xảy ra.

Các ao nuôi cá bị bệnh, sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước trong ao; tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy; diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh trong ao.

Những người tham gia quá trình xử lý tiêu hủy cá phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, tránh làm phát tán mầm bệnh ra các địa điểm khác.

b. Trị bệnh: Các bệnh thường gặp trên cá Tra gồm:

Bệnh xuất huyết (đốm đỏ) do vi khuẩn:

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do nhiều loại vi khuẩn như: Aeromonashydrophila, Pseudomonas sp, E.ictaluri, Clostridium sp, … gây ra.

Triệu chứng

Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước.

Xuất hiện các đốm đỏ trên da, vảy và gốc vây; hậu môn xuất huyết; xoang bụng trương to và có nhiều dịch màu vàng; mang cá nhợt nhạt. 

Cơ quan nội tạng sưng to, xuất huyết.

Bệnh xuất hiện quanh năm, phát triển mạnh vào mùa mưa, thường gặp ở cá giống và cá thịt.

Trị bệnh

Có thể dùng Kanamyxin: 50 mg/kg cá nuôi, cho ăn 7 ngày. 

 

(Ảnh minh họa: Bệnh xuất huyết trên cá Tra)

Bệnh gan thận mủ trên cá tra

Tác nhân gây bệnh

Bệnh mủ gan hay gan thận mủ (bệnh đốm trắng trên gan, thận) trên cá tra, cá basa do nhóm vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra

Triệu chứng

Mức độ nhẹ: Bên ngoài thân cá bình thường không biểu hiện xuất huyết, mắt hơi lồi nhưng khi mổ ra thì gan, thận, tỳ tạng có nhiều đốm trắng (như đốm mủ). Đó là biểu hiện bệnh lý đặc trưng nhất của bệnh mủ gan.

Mức độ nặng: Cá bệnh bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, cá thường nhào lộn và xoay tròn. Khi bệnh nặng cá không phản ứng với tiếng động. Một số cá xuất huyết tất cả các vi hoặc xuất huyết toàn thân. Có khi cá xuất huyết trầm trọng, khi nhấc lên khỏi mặt nước máu sẽ chảy ra từ da và mang cá.

Một số cá bệnh còn biểu hiện màu sắc nhợt nhạt, có nhiều vết xuất huyết lớn, nhỏ trên da. Số lượng cá chết hằng ngày khá cao và tỷ lệ tăng dần.

Bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa mưa lũ kéo dài đến mùa khô, bệnh thường gặp ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá.

Trị bệnh

Có thể dùng Florfenicol với liều 10 mg/kg thể trọng liên tục cho ăn trong 10 - 12 ngày hoặc có thể kết hợp với Doxycyclin với liều 20 mg/kg thể trọng cho ăn liên tục trong 07 ngày.Hoặc sử dụng Amoxicillin với liều lượng 25 mg/kg thể trọng cho ăn liên tục 7 - 10 ngày.

 

(Ảnh minh họa: Bệnh gan thận mủ trên cá Tra)

IV. MỘT SỐ BỆNH TRÊN CÁ TRA - CÁCH PHÒNG TRỊ

1. Bệnh ký sinh trùng

a. Bệnh trùng bánh xe


- Do trùng Trichodina spp ký sinh trên thân hoặc mang.

- Trên thân cá có lớp màu hơi trắng đục, da cá sậm lại, mang cá nhợt nhạt, cá giảm ăn và nổi đầu từng đàn trên mặt nước bơi đảo loạn lòng vòng, chìm xuống đáy rồi chết.

- Phòng và trị: Dùng muối 2 - 3% (20 - 30g muối/lít nước) hoặc dùng KMnO4 (thuốc tím) với liều 2 mg/lít tạt đều khắp ao.

b. Bệnh trùng quả dưa


- Do trùng Ichthyophthyrius multicifillis ký sinh trên da, mang và vây.

- Da, mang và vây cá có nhiều nhớt màu sắc nhợt nhạt, cá bệnh nặng có thể thấy trùng bám thành các hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục. Cá bệnh nổi đầu từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt, thường tập trung chỗ nước mới.

- Phòng và trị bệnh: Dùng Formol với liều lượng 25 - 30ml/m3, sau 3 ngày thay 75% nước và trị bằng formol thêm lần nữa.

c. Bệnh do sán lá đơn chủ


- Do 2 giống Dactylogyrus (sán lá 16 móc) và Gylodactylus (sán lá 18 móc) ký sinh trên mang cá.

- Cá thường nổi đầu trên mặt nước, tập trung chỗ nước mới. Khi bị trùng bám nhiều, mang và da có nhiều nhớt, mang có màu màu hồng nhạt, màu trắng hoặc thối rữa.

- Phòng và trị bệnh: Có thể dùng Formol với liều lượng 40 – 50 ml/m3. Ngày hôm sau thay 50% lượng nước và xử lý thêm lần nữa nếu cá chưa hết hẳn, hoặc có thể dùng muối ăn với nồng độ 3 - 4% (30 - 40g muối/lít nước) để xử lý.

d. Bệnh nội ký sinh


- Do giun tròn Nemathelminthes, giun đầu móc Acanthocepphala ký sinh trong ruột cá.

- Giun ký sinh trên niêm mạc ruột hút chất dinh dưỡng làm cho cá gầy yếu, sinh trưởng kém, gây viêm thủng ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm tấn công.

- Phòng và trị bệnh: Trước khi nuôi cá cải tạo ao để diệt trứng giun. Có thể dùng các sản phẩm trị nội ký sinh trùng được phép lưu hành trên thị trường.

2. Bệnh vi khuẩn

a. Bệnh xuất huyết (bệnh đốm đỏ)

- Do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây ra.

- Xuất hiện những đốm đỏ quanh miệng, nắp mang và bụng, hậu môn sưng lồi, bụng trương to và có chứa dịch màu vàng hoặc màu đỏ bầm.

- Phòng trị bệnh:

Tránh làm xây xát cá, nuôi mật độ nuôi quá dày. Dùng thuốc tím (KMnO4) liều dùng là 3 - 5g/ m3 nước đối với cá nuôi ao và 10 g/ m3 nước đối với cá nuôi bè. Xử lý lập lại sau 3 ngày, định kỳ một tuần, hai tuần hoặc một lần/tháng tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cá.

– Dùng thuốc trộn vào thức ăn:

+ Oxytetracyline: 40 - 50 mg/kg cá nuôi/ ngày, cho ăn 5 - 7 ngày, nên hạn chế sử dụng.

+ Kanamycin: 50 mg/kg cá nuôi/ngày, cho ăn 07 ngày.

+ Cefalexin với liều 25 – 30 mg/kg cá nuôi/ngày, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.

b. Bệnh phù mắt

- Do vi khuẩn Aeromonas sobria gây ra.

- Cá nhiễm bệnh sẽ bơi lờ đờ trên mặt nước, mắt xuất huyết và xưng nặng.

- Phòng và trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.

- Cách trị: Thay 50% lượng nước và bón vôi 4 - 6 kg/100 m3 nước. Có thể dùng thuốc giống như tri bệnh xuất huyết.

c. Bệnh mủ gan



- Do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra.

- Cá gầy yếu, mắt hơi lồi, cá bệnh nặng bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước và tỷ lệ chết rất cao, dấu hiệu bên ngoài không rõ ràng, xuất hiện nhiều đốm trắng đục trên gan, thận và tỳ tạng.

- Phòng và trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.

- Cách trị: Thay 50% lượng nước và bón vôi 4 - 6 kg/100m3 nước. có thể dùng đơn hoặc kết hợp giữa 02 loại kháng sinh sau Florphenicol và Doxycyclin.

Dùng đơn: Florphenicol với liều 15 - 20 mg/kg thể trọng cá/ngày; Doxycyclin 25 - 30 mg/kg thể trọng cá/ngày. Có thể dùng kết hợp Florphenicol với liều 10 mg/kg thể trọng cá/ngày; Doxycyclin 20 mg/kg thể trọng cá/ngày. Có thể bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.

d. Bệnh trắng da

- Do vi khuẩn Flexibacter sp gây ra.

- Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn, gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết.

- Phòng trị: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.

- Cách trị: Có thể sử dụng một trong hai cách sau: Cefalexin với liều dùng 10 - 15 mg/kg thể trọng/ngày hoặc Doxycyclin 10 mg/kg thể trọng cá/ngày cho ăn liên tục 5 - 7 ngày kết hợp với Chlorin phun đều khắp ao với liều 1 g/m3./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây