Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp: Hiệu Quả Từ Máy gieo sạ, Phun Phân Bón Cho Lúa

Thứ năm - 20/10/2016 00:00 136 0

Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến, TMNLTS&NM, so với các nước trong khu vực, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, trang bị động lực bình quân đạt 1,2 CV/ha canh tác. Trong đó vùng ĐBSCL 1,85 CV/ha có mức độ trang bị động lực cao nhất toàn quốc; đồng bằng sông Hồng 0,85CV/ha; thấp nhất vùng miền núi phía Bắc 0,39 CV/ha. Cả nước hiện nay có trên 400 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông lâm thủy sản, trong đó sử dụng trong nông nghiệp chiếm 98,4%, với tổng công suất khoảng 5 triệu mã lực (CV),tăng 2,7 lần so với năm 2001.

Trong đó máy kéo 2 bánh dưới 12 CV chiếm 67%, máy kéo trên 12 CV đến 35 CV chiếm 27%, máy kéo lớn (trên 35 CV) chiếm 6%. Cơ giới hoá chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển. Khâu gieo cấy, chăm sóc chủ yếu vẫn làm thủ công.

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại máy móc thiết bị cũng được đã được dưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 30% so với không áp dụng cơ giới hóa….. Chính vì vậy, cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp đang được ngành chức năng khuyến khích nông dân tham gia.

Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 của UBND tỉnh, những vùng sản xuất lúa không đạt hiệu quả, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, diện tích lúa sẽ giảm chỉ còn 125.000 ha. Tình hình áp dụng cơ giới trong sản xuất và thu hoạch lúa về cơ bản đã ổn định: khoảng 98% diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, 61% diện tích sử dụng máy phun thuốc có động cơ, 42% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hoặc máy gặt xếp dãy và cầm tay, 45% diện tích sử dụng máy tuốt lúa có động cơ, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu tưới nước đạt 92% nhưng khâu gieo sạ, chỉ mới áp dụng được khoảng 2,5%. Việc sử dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ, còn rời rạt, chi phí sản xuất cao, làm giảm thu nhập cũng như lợi nhuận của người dân trồng lúa.

Để giải quyết được những vấn đề vướng mắc trên, nâng cao năng suất lúa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao sản lượng lúa chất lượng có thương hiệu, đáp ứng được nhu cầu thị trường, tạo nền tảng cho những vùng sản xuất lúa đặc sản, đồng thời tăng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh triển khai Dự án "Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2018" trên 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Tại ấp Long Phi xã Long Thuận huyện Bến Cầu vụ Hè thu 2016 Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giống lúa Đồng Tháp Mười triển khai 10ha sử dụng lúa giống Nguyên chủng ĐTM-126 và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu từ làm đất, gieo sạ,  bón phân, đến thu hoạch.

Mô hình này sử dụng máy đa năng vừa gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa. Nhằm áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV , mới nhìn thiết bị này giống như máy phun thuốc mà nông dân đang sử dụng, nhưng đó là máy đa năng hay có thể gọi máy 3 trong 1. Máy không chỉ phun phân bón dạng nước (phun thuốc BVTV) mà còn phun được phân dạng hạt, và vừa có thể gieo sạ lúa, máy có trọng lượng 11,5 kg, bình chứa được 15-20 kg phân bón hoặc 26 lít nước.

Mặc dù mới sử dụng máy lần đầu tiên nhưng chúng tôi nhận thấy bà con nông dân trong mô hình sử dụng rất thành thạo và rất thích thú chiếc máy này.  Theo Anh Hoàng (nông dân tham gia điểm trình diễn của mô hình) cho biết, khi sử dụng máy đa năng thì hạt lúa giống, phân bón phun xịt ra trải đều trên ruộng lúa và rất tiện lợi, khỏe hơn so với việc quẩy thúng trước ngực đi bón phân hay gieo sạ bằng tay. "Chiếc máy này gieo sạ, phun phân bón  đều hơn công rải phân bằng tay mà lại tiết kiệm được nhân công, rút ngắn được thời gian gieo sạ và bón phân. Nhất là những lúc thiếu nhân công lao động nông nghiệp thì chỉ cần một người thôi có thể sử dụng máy đa năng cho cả ruộng lúa, đỡ tốn chi phí thuê nhân công bón phân cho ruộng". Qua đó, có thể làm bảng so sánh sau:

Sử dụng máy: 1 lao động + 1 máy sử dụng 2 lít xăng pha nhớt, 5 giờ/ngày sạ, bón được trên 5 ha lúa (tùy đặc điểm bờ ruộng)

Không sử dụng máy: 2 lao động bón phân 5 giờ/ngày bón được khoảng 3-4 ha lúa.

Máy gieo sạ, phun phân đa năng sử dụng tại điểm trình diễn

Theo thiết kế kỹ thuật thì chiếc máy này rất đơn giản, bao gồm: 1 động cơ 2 thì dung tích 40 phân khối với bình chứa được thiết kế hệ thống van và ron có thể điều chỉnh để gieo sạ lúa, phun phân dạng hạt hoặc dạng nước tùy theo nhu cầu, ngoài ra máy còn có bộ phận điều chỉnh tốc độ gió để tăng giảm số lượng phân hoặc giống theo mong muốn người sử dụng. Máy có thể chứa khoảng 15-20 kg phân và giống 10-12 kg. hiện nay trên thị trường có rất nhiều chủng loại máy đa năng như trên và giá cả cũng tùy thuộc vào nơi sản xuất, nhưng nhìn chung giá cũng không cao lắm bình quân khoảng 3,5 đến 4,5 triệu đồng/máy.

 Bên cạnh các thiết bị phục vụ sản xuất quen thuộc việc có thêm chiếc máy gieo sạ lúa,  phun phân bón để vừa gieo sạ lúa và bón phân cho ruộng lúa cũng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Sử dụng máy gieo sạ lúa,  phun phân bón sẽ giảm sức lao động chân tay, hạn chế sự thất thoát phân bón trong khâu bón phân, tăng lợi nhuận, giảm giá thành sản xuất.

Đây là tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch./.

Trần Thanh Sang

Trung tâm Khuyên nôngTây Ninh


 

 

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây