Việt Phương – Chi cục Thủy sản
T |
hời gian gần đây, một số ao nuôi trên địa bàn huyện Trảng Bàng lại xuất hiện cá lau kính. Cá lau kính xuất hiện qua nhiều con đường khác nhau như qua các tuyến kênh, sông, rạch… hay do người chơi cá cảnh làm thất thoát ra ngoài. Bênh cạnh đó cá lau kính là loài cá không có giá trị kinh tế nên phần lớn người dân đánh bắt được không tiêu diệt mà thả lại môi trường tự nhiên giúp chúng phát triển nhanh.
Theo điều tra của Chi cục Thủy sản, người dân đánh bắt thủy sản trên các thủy vực tự nhiên và ao nuôi phát hiện khá nhiều cá lau kính. Cá lau kính dễ thích nghi với môi trường tự nhiên, chúng cạnh tranh thức ăn, lấn át các loài cá bản địa và sinh sản rất nhanh làm mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học thủy vực.
Khi cá lau kính xuất hiện làm mất dần thức ăn tự nhiên trong ao (tảo, thực vật phù du và chất lơ lửng trong nước) kể cả trứng của những loài cá bản địa khiến một số loài cá có khả năng bị tuyệt chủng (nhất là các loài cá có khả năng sinh sản thấp, vòng đời ngắn) ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Nguy hiểm hơn, cá lau kiếng có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm giảm khả năng phát triển, làm cá bị chết. Ngoài ra cá lau kiếng còn làm hư hỏng ngư lưới cụ của người dân đánh bắt thủy sản ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Tuy nhiên hiện nay đánh giá mức độ phong phú của cá lau kính thì chưa có một tài liệu chính thức nào. Ngoài ra, tác động của cá lau kính như thế nào đối với các loài cá bản địa vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể.
Trước tình hình trên, thiết nghĩ cần có những giải pháp để ngăn chặn sự phát tán cá lau kính như: tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tác hại của cá lau kính; người dân ở các nơi phát hiện thấy cá lau kính thì loại chúng ra khỏi các vực nước càng nhiều càng tốt; các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí đánh bắt cá lau kính cho người dân hoặc liên kết với nhà máy chế biến thức ăn thu mua cá để làm bột cá, hay đơn giản hơn có thể làm thức ăn cho động vật.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu xác định vùng phân bố chính và mức độ phong phú của cá lau kiếng; nghiên cứu tác động của cá lau kính đến đa dạng sinh học đối với các loài cá bản địa kinh tế; xây dựng kịch bản về tác động của cá lau kiếng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu; thí nghiệm kiểm chứng tác động của cá lau kiếng đối với một vài loài cá bản địa là đối tượng nuôi cơ bản trong vùng nghiên cứu.
Từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Ý kiến bạn đọc