Hướng dẫn hỗ trợ kinh phí trong công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 11/11/2021 16:00 441 0

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò trên địa bàn tỉnh được phát hiện đầu tiên vào ngày 07/7/2021 ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; sau đó, bệnh tiếp tục xuất hiện tại một số địa bàn khác trong tỉnh. Lũy kế đến ngày 08/11/2021, bệnh đã xảy ra tại 7.056 hộ thuộc 92 xã của 09 huyện, thị xã, thành phố. Số xã qua 21 ngày là 42 xã. Tổng số bò bệnh là 15.535 con. Số bò chết và hủy 1.868 con.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi có trâu, bò phải tiêu hủy do bệnh VDNC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính có Công văn số  3298/HD-SNN&PTNT ngày17/9/2021 về việc hướng dẫn hỗ trợ tài chính trong công tác phòng, chống bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nội dung cụ thể như sau:

I. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin VDNC:

a) Đối với chăn nuôi trâu, bò nông hộ (có tổng đàn dưới 16 con): ngân sách tỉnh hỗ trợ tiêm phòng miễn phí (100% chi phí mua vắc xin và tiền công tiêm phòng).

b) Đối với chăn nuôi trâu, bò trang trại (có tổng đàn từ 16 con trở lên): các trang trại tự lo tiêm vắc xin phòng bệnh theo giám sát của cơ quan thú y.

2. Hỗ trợ hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có trâu, bò phải tiêu hủy do bệnh VDNC theo quy định tại Quyết định số 2375/QĐ-UBND; mức hỗ trợ là 45.000 đồng/kg trọng lượng hơi đối với trâu, bò con, trâu, bò thịt. Thời gian hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: " Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu huỷ gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch".

3. Mức hỗ trợ chi cho phục vụ công tác phòng chống dịch như thuê máy móc, nhân công, vật tư, vôi bột, thuốc sát trùng.....theo thực tế và do UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định.

II. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh VDNC như: kinh phí thuê máy móc, nhân công, vật tư, vôi bột, thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng và các nhiệm vụ khác có liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch của cấp nào do cấp đó tự đảm bảo. Trường hợp vượt quá ngân sách địa phương thì UBND các huyện, thị xã, thành phố có văn bản báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý. Riêng kinh phí tham gia phòng, chống dịch của cấp tỉnh do ngân sách tỉnh hỗ trợ.

2. Kinh phí hỗ trợ trâu, bò phải tiêu hủy do bệnh VDNC: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng từ ngân sách cấp huyện để tổ chức thực hiện. Trường hợp vượt quá ngân sách địa phương thì UBND các huyện, thị xã, thành phố có văn bản báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý

Trước ngày 31/12/2021; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo tình hình kinh phí thực hiện hỗ trợ tiêu hủy do bệnh VDNC trâu, bò về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp và phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí cho ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

III. Thủ tục, chứng từ quyết toán

1. Chi phục vụ công tác phòng chống dịch (thuê máy móc, nhân công, vật tư, vôi bột, thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng…., hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC): do Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định. Chứng từ thanh quyết toán thực hiện theo quy định.

2. Chi hỗ trợ trâu, bò, bê, nghé phải tiêu hủy do bệnh VDNC

Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP như sau:

- UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện thẩm định, hồ sơ gồm:

+ Đơn xin hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh VDNC của hộ chăn nuôi.

+ Quyết định tiêu hủy trâu, bò, bê, nghé của UBND xã.

+ Biên bản tiêu hủy trâu, bò, bê, nghé do bệnh VDNC.

+ Biên bản kiểm tra việc tiêu hủy do dịch bệnh VDNC gây ra.

+ Bảng thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, bê, nghé của ấp.

+ Bảng tổng hợp danh sách hộ chăn nuôi đề nghị hỗ trợ thiệt hại dịch bệnh VDNC của  UBND cấp xã.

- UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo đề nghị của UBND xã.

- Sau khi được UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ; UBND cấp xã niêm yết công khai theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/06/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư.

Sau thời hạn công khai tối thiểu 30 ngày kể từ ngày được UBND huyện quyết định hỗ trợ; UBND xã tiến hành hỗ trợ thiệt hại cho hộ, cơ sở chăn nuôi./.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây