Lê Vũ Việt Phương – Chi cục Thủy sản
Hồ Dầu Tiếng có mặt hồ rộng hơn 27.000 ha, là công trình thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến và nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, do một số chỉ tiêu thủy, lý, hóa phù hợp, kết hợp thảm thực vật rừng hàng năm cung cấp một số lượng lớn mùn hữu cơ là nguồn thức ăn tự nhiên cho cá đảm bảo cho phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nguồn lợi thủy sản trong hồ trước đây khoảng 60 loài cá bắt gặp ở đây và một số loài thủy sản khác, trong đó có khoảng 15 loài cá kinh tế thuộc các họ chủ yếu: Cá chép (Cyprinidae), cá nheo (Siluridae), cá chốt (Bagridae), cá lóc (Ophicephalidae)…
Trước khi hình thành Hồ Dầu Tiếng thì đây là thủy vực sông, cơ cấu thành phần loài thuộc khu hệ cá sông với các loài cá có nguồn gốc từ nội địa và cá nước lợ xâm nhập vào. Thành phần cá bao gồm: Các loài thuộc họ cá chép chiếm 33,33 %, các loài cá thuộc bộ cá da trơn chiếm 30 %, các loài cá thuộc bộ cá vược chiếm 23,33 %, ngoài ra còn các loài khác chiếm hơn 13 %.
Hồ Dầu Tiếng được hình thành năm 1986 từ phần thượng lưu của sông Sài Gòn. Sau năm 1996, hồ được hình thành đã làm thay đổi lớn đến khu hệ sinh thái của cá từ hệ sinh thái cá sông sang hệ sinh thái cá hồ chứa với nhiều đặc trưng riêng. Sự thay đổi này đã làm nhiều loài cá mất đi cũng như đã xuất hiện nhiều loài cá mới đặc trưng cho khu hệ sinh thái cá hồ chứa.
Qua kết quả điều tra cho thấy, sau khi hình thành hồ từ năm 1996, cơ cấu thành phần loài cá ở 2 giai đoạn có sự khác biệt rất rõ rệt. Số lượng loài cá hiện diện sau khi hình thành hồ là 74 loài lớn hơn so với 60 loài lúc chưa thành lập hồ. Trong đó đã có 33 loài mới xuất hiện thay thế cho 19 loài có trước đó mất đi. Sự thay đổi này là do những yếu tố chính như sau:
- Việc hình thành hồ làm ngăn cản sự xâm nhập một số loài cá nước lợ. Vì thế có nhiều loài tôm cá mất đi như Macrognathus taeniagaster (chạch rằn), Mastacembelus erythrotaenia (Chạch lấu đỏ), Bagarius bagarius (cá Chiên) Paraplagusia bilineata (cá Lưỡi trâu), Datnioides microlepis (cá Hường), Datnioides quadrifasciatus (cá Hường vện), Glossogobius giuris (cá Bống cát).
Ngoài ra một số loài cá nước lợ hiện diện trong hồ thích nghi môi trường sống chúng sẽ tồn tại và phát triển số lượng loài như Corica laciniata, Corica sorbona (cá Cơm sông), Clupeioides borneensis (cá Cơm trích). Đặc biệt loài tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii, De Man 1879) khi sông Sài gòn bị chặn dòng xây dựng nên hồ Dầu Tiếng tôm càng xanh không còn cơ hội di cư lên vùng nước ngọt sinh sống và phát triển.
- Kết quả trên cũng cho thấy sự thay thế của 33 loài cá mới ở giai đoạn sau khi hình thành hồ. Trong đó chiếm ưu thế là các loài cá thuộc bộ Cyprinidae (bộ cá chép với 14/33 loài mới) như Esomus metallicus (Lòng tong sắt), Esomus daurica (Lòng tong bay), Rasbora borapetensis (cá Đỏ đuôi), Hampala dispar (cá Ngựa chấm), Cirrhinus microlepsis (cá Duồng)… trong khi các nhóm cá thuộc bộ Siluriformes (Bộ cá da trơn) và Perciformes (Bộ cá vược) lại mất đi nhiều thay vào đó là sự xuất hiện nhiều loài cá thuộc các bộ khác như bộ Clupeiformes (cá Cơm, cá trích), Belonoformes (cá Nhái, cá Kìm) và bộ Tetrodontiformes (cá Nóc). Nhìn chung các loài cá xuất hiện là các loài cá có đặc trưng hệ cá nội đồng, thích sống nơi nước sạch và có dòng chảy chậm hay đứng, nơi có nhiều thủy sinh thực vật.
- Song song đó cũng có sự hiện diện nhiều loài cá nuôi có giá trị kinh tế cao trong hồ. Sự xuất hiện của chúng do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phổ biến là do việc phát triển nhiều hình thức như nuôi lồng, bè, nuôi eo ngách với nhiều đối tượng kinh tế như Channa striata (cá Lóc), Chana micropeltes (cá Lóc Bông), Mystus wolffii (cá Lăng), Cyprinus carpio (cá Chép), Oreochromis spp. (cá Điêu hồng), Oxyeleotris marmorata (cá Bống tượng)…đặc biệt là cá Bống tượng hiện nay xuất hiện giống rất nhiều trong hồ và đã trở thành nguồn giống chủ yếu để nuôi lồng, bè. Các đối tượng này xuất hiện và thích nghi với môi trường sống sau khi hình thành hồ.
Từ năm 2005 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng. Sau 08 năm tổng số cá thả vào hồ Dầu Tiếng là hơn 7.800.000 con đã giúp số lượng các loài cá thêm phong phú.
Qua điều tra của Chi cục Thủy sản thì sản lượng cá khai thác có tăng đáng kể. Hiện nay khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng ước lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm, trong đó các loài cá có giá trị kinh tế chiếm 30 % sản lượng khai thác.
Các loài cá đánh bắt được qua điều tra, ngoài những loài cá tự nhiên trong hồ, hầu hết các loài cá thả bổ sung đều tăng trưởng nhanh và được ngư dân đánh bắt như: Mè trắng, Mè hoa, Trôi, Trắm cỏ, Mè vinh… bình quân trên 1kg/con, có loại đạt 3-5 kg/con như cá Mè, cá Trôi, Trắm cỏ…đặc biệt cá Mè hoa đạt 30kg/con.
Ý kiến bạn đọc