Sau vài lần tìm tòi trên Internet, được biết Chim Trĩ đỏ là loài chim quý hiếm được con người tìm tòi, nghiên cứu nuôi nhân giống thành công ở nhiều địa phương trong cả nước, có thể cung cấp ra thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Rất đam mê về loài chim quý hiếm quý này, đầu tháng 11/2012 anh Đỗ Văn Sẽ, sinh năm 1974, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu đã quyết tâm đầu tư cả chục triệu đồng để nuôi Chim Trĩ, bước đầu diễn ra khá thuận lợi.
Anh Sẽ cho biết, sau 02 năm làm tròn nghĩa vụ quân ngũ (1995-1997) tại Tiểu Đoàn 16-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh và Đại đội 61 huyện Bến Cầu trở về nhà thì lập gia đình, với bản lĩnh của người lính bộ đội “Cụ Hồ”, cộng với tính cần cù, siêng năng của một người nông dân, hàng năm anh làm nông đủ thứ, từ việc trồng lúa nước, trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò, anh còn chăn nuôi cả heo, gà, vịt,.. để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng với lòng đam mê về loài Chim Trĩ đỏ, anh Sẽ cũng thường xuyên tìm tòi, cập nhật các kiến thức trên mạng về kỹ thuật chăn nuôi Chim Trĩ, biết Chim Trĩ đỏ là loài chim dễ nuôi, giá trị kinh tế cao và vì rất đam mê về loài chim quý này nên đầu tháng 11/2012 anh đầu tư cả chục triệu đồng để làm chuồng và lặn lội từ huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) ra tới huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) để mua 30 con Chim Trĩ con về làm giống, giá 150.000đ/con mới mở, có nhiều người mua nên anh phải đặt cọc trước.
Đến nay, sau hơn 07 tháng nuôi, Chim Trĩ của anh Sẽ đã thành chim bố mẹ, tỷ lệ sống đạt tới 100 %, mua ngẫu nhiên, không có lựa chọn nhưng đều khá đặc biệt là 30 con Chim trĩ của anh có tỷ lệ trống-mái 50-50 %, hiện nay 15 con chim trĩ mái của anh đang vào giai đoạn đẻ trứng. Anh Sẽ rất vui mừng, cho biết: Trại chăn nuôi nơi anh từng mua giống ban đầu đã điện thoại hỏi thăm và sẵn sàng mua lại Trĩ con của anh để giao cho khách hàng, với giá con mới nở 100.000đ/con, trứng có trống giá 60.000đ/trứng,…
Anh cho biết thêm, thấy loài Chim Trĩ mới, lạ, màu lông sặc sỡ và đẹp mắt, nhiều người dân địa phương cũng đến đặt mua, có người đặt cả chục con, có người đặt mua 15 con, 20 con để về làm giống, làm chim cảnh trong nhà. Vì thế, cuối tháng 05/2013, anh Sẽ rất vui mừng nên chạy đi mua ngay một cái máy ấp trứng bằng điện hơn 3,5 triệu đồng để ấp trứng Chim Trĩ. Anh khoe, hiện anh đang ấp được 80 trứng Chim Trĩ, 40 trứng đã được 10 ngày, 40 trứng còn lại đã được 06 ngày và hơn 40 trứng mới đẻ đang chuẩn bị ấp mới, trứng Chim Trĩ ấp khoảng 22-24 ngày sẽ nở. Thấy mô hình chăn nuôi Chim Trĩ đỏ của anh Sẽ có nhiều tương lai, khả thi: Hội Nông dân huyện Bến Cầu đến khảo sát, sẽ chọn để lập mô hình trình diễn; Để thuận lợi cho đầu ra, sắp tới có thể cung cấp giống để nhiều người cùng nuôi, anh Sẽ liên hệ với Chi Cục Kiểm lâm Tây Ninh để đăng ký chăn nuôi loài động vật hoang dã quý hiếm này tại địa phương.
Anh Sẽ còn chia sẻ thêm: Chim Trĩ đỏ là loài có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt, tốn ít thức ăn, dễ nuôi, ăn như gà vậy,… nên không cần thời gian nhiều để chăm sóc, nuôi dưỡng, đặc biệt là con trống nuôi nhốt chung thì chúng dễ đá nhau, nên anh phải phân tỷ lệ 01 trống/03 con mái và còn dư ra 06 con trống phải tách ra nhốt chung; Anh cũng nuôi thử nghiệm một ô nhỏ trùng quế nhân giống để làm mồi cho Chim Trĩ ăn sung sức để đẻ sai hơn. Anh Sẽ cho biết, sau các đợt trứng Chim Trĩ ấp ban đầu này thành công, anh tiếp tục nâng đàn Chim Trĩ đỏ của mình lên cả trăm con để làm giống. Được biết, tại huyện Bến Cầu còn có ông Sáu Sol - ngụ KP4 - Thị trấn Bến Cầu cũng chăn nuôi Chim Trĩ đỏ như anh Sẽ, vài hộ thì nuôi lẻ tẻ vài con để làm chim cảnh chơi. Nuôi Chim Trĩ đỏ, đây là hướng chăn nuôi mới của bà con nông dân ở huyện Bến Cầu.
Đặng Thanh Phong Trạm Khuyến Nông Bến Cầu
Ý kiến bạn đọc