TRỒNG ĐẬU RỒNG XEN CANH TRONG VƯỜN CAO SU CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ

Thứ năm - 27/02/2014 17:05 336 0

 Trần Minh Trí - Chi cục QLCL NLS&TS

Ông Nguyễn Văn Trắng (57 tuổi) biệt danh năm đậu rồng, ở ấp Thuận Phước, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu là người thành công với mô hình trồng đậu rồng xen canh trong vườn cao su mang lại hiệu quả kinh tế. Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân đã xen canh những loại cây trồng ngắn ngày vừa tăng thêm nguồn thu, vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng chính. Trước đây, nông dân thường chọn xen cây mì vào vườn cao su non nhưng đất ngày càng bạc màu, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính. Vì thế, những mô hình mới như xen đu đủ, dưa leo, đậu cô ve và đặc biệt là đậu rồng vào vườn cao su đang hấp dẫn nhà vườn bởi lợi ích kinh tế mà các loại cây này mang lại.

Việc trồng đậu rồng xen canh trong vườn cao su 6.000 m2 ban đầu khiến vợ chồng ông cũng tỏ ra khá lo lắng. Bởi loại cây ngắn ngày này, người dân chưa trồng phổ biến nhiều. Nhưng nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nên khi đưa vào trồng, cây sinh trưởng phát triển tốt, bắt đầu cho trái, có thu nhập, anh có phần yên tâm. Theo ông Trắng, đậu rồng tương đối dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trồng phù hợp nhất vào đầu tháng Tư âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu, đến giữa mùa mưa cây bắt đầu cho trái là vừa.

 Trong quá trình cây cho trái, cần thường xuyên bón thêm phân chuồng đã ủ hoai mục và bón phân hóa học lượng phù hợp, nhất là sau mỗi đợt hái trái. Khi cây bắt đầu ra hoa, đậu trái cần bón thúc thêm phân kali cho quả chắc, chất lượng dinh dưỡng cao, mẫu mã trái đẹp. Sau mỗi đợt hái trái lại tiếp tục bón phân, tưới nước, vun xới cho bền gốc, cây sẽ ra nhiều bông, đậu nhiều trái và kéo dài thời gian thu hoạch”, ông Trắng cho biết:

Cây đậu rồng dễ trồng, dễ chăm sóc, hầu như rất ít sâu bệnh nên không phải phun thuốc trừ sâu, chi phí đầu tư ít mà giá trị dinh dưỡng lại cao. Sau mỗi lứa thu hái lại bón phân và tưới nước, vun xới cho cây bền gốc, ra nhiều hoa, đậu nhiều trái. Thu trái khi đã đầy cạnh, màu xanh sáng, hạt còn non để xào hoặc nấu canh. Đậu rồng xào với tôm, các loại thịt vừa bổ, vừa ngon.

Đậu rồng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ và “hiền” như ăn sống hoặc luộc chấm với chao trộn đường, chấm với nước thịt kho, cho thêm ớt và tỏi; đậu rồng nấu canh chua, làm gỏi... Ngoài ra, món ăn chay được xào từ đậu rồng và nấm rơm, cũng rất ngon và bổ. Song ngon nhất là món đậu rồng xào với tôm, thịt bò, thịt heo ba chỉ, tỏi.

Năm vừa rồi từ vườn đậu rồng này, ông thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Hiện tại, vườn đậu rồng hơn 800 gốc cho trái rất nhiều và đang thu hoạch. Mỗi ngày ông thu hoạch trái một lần, mỗi lần thu hoạch từ 120 đến 160 kg, bán tại vườn giá 6.000 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của ông thì từ đây đến cuối năm, ước thu khoảng 70 triệu đồng, đồng thời vườn cao su trồng xen phát triển rất tốt.

Theo đánh giá của nhiều nhà vườn thì hiện nay, người dân đã nhận ra được tác hại từ việc trồng xen cây mì trong vườn cao su non dẫn đến đất bị bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm bệnh gây hại, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, hiệu quả của cây cao su. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích của cây mì trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm mạnh. Thay thế cho cây mì thì cây dưa leo, đậu cô ve, khổ qua và đậu rồng đang trở thành sự lựa chọn có ích cả đôi đường bởi vừa tăng thu nhập, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho đất, giúp cây cao su phát triển tốt.

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây