Nguyễn Thị Thu Quang – Trạm KN Tân Biên
Đến ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, cách UBND xã Trà Vong 2 km gặp nhà anh Lê Thanh Sơn. Khi trò chuyện với anh cho biết lúc còn đi dạy học ở một trường tiểu học thuộc xã Trà Vong, huyện Tân Biên, anh nhận thấy bà con nông dân sau khi thu họach lúa thường đem rơm ra đốt, thì thật là uổng phí mặc dù vẫn biết việc đốt rơm có thể giảm 1 phần bón phân cho lúa và ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, với vốn kiến thức xem qua báo, đài, anh Sơn đã nảy sinh ý định sẽ trồng nấm từ rơm. Trước khi bắt tay vào làm anh đã theo học lớp kỹ thuật trồng nấm rơm do Hội nông dân huyện tổ chức, học xong 1 tuần sau anh thực hiện ngay vào việc trồng nấm rơm, tổng chi phí cho đợt trồng nấm đầu tiên hết 15 triệu đồng, sau khi thu hoạch lợi nhuận còn thấp chỉ có vài triệu đồng mà nguyên nhân chính là do bản thân còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất.
Anh nhất quyết không chịu thua, tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất trồng nấm ở nhiều nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh, vụ nấm thứ hai và những vụ sau đó năng suất, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Theo anh thời gian sinh trưởng của nấm rơm rất ngắn nên người trồng nấm phải cân nhắc thời gian thu hoạch sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường thì lượng nấm sẽ tăng và giá cả cũng tăng cao, anh trồng nấm rơm đến nay đã 3-4 năm, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng nấm rơm, nấm bào ngư đem lại khá cao. Số tiền thu được thường gấp đôi so với chi phí đầu tư.
Anh sơn cho biết thêm sau khi thành công với nghề trồng nấm rơm anh sang tỉnh Bình Dương mua mùn cưa về để làm nấm bào ngư trắng. Nhờ chịu khó học hỏi nghiên cứu tài liệu hướng dẫn trồng nấm bào ngư nên anh chỉ mua mùn cưa từ cây gỗ cao su để làm nấm với quyết tâm đặt ra là giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, anh Sơn đã trộn với 1 tỷ lệ nhất định giữa bột bắp và cám gạo vào mùn cưa nhằm tăng độ đạm cho cây nấm, qua việc trồng thành công nấm bào ngư trắng anh sơn đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm trồng nấm bào ngư Nhật Bản (nấm bào ngư xám). Anh mua giống từ Đồng Nai, nấm bào ngư xám bán giá cao hơn nấm bào ngư trắng, nấm bào ngư xám giá 35.000 đ/kg còn nấm bào ngư trắng 25.000 đ – 30.000 đ/kg. Tính hết các khoảng thu nhập từ việc bán nấm, bán meo giống cho bà con nông dân mỗi tháng anh Sơn có lãi hơn chục triệu đồng.
Vừa có tay nghề thực tiễn với kiến thức trồng nấm anh Lê Thanh Sơn đã được Trung tâm Giáo dục thường xuyên mời họp tác để đào tạo nghề cho bà con nông dân xã Trà Vong theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 1 lớp học 35 học viên được tổ chức ngay tại vườn nhà anh. Ngoài những tiết học lý thuyết theo quy định những học viên còn được anh hướng dẫn thực hành rất nhiệt tình về kinh nghiệm kỹ thuật trồng nấm. Từ việc chịu khó học hỏi và siêng năng trong sản xuất của anh Sơn đã đem lại cho gia đình cuộc sống sung túc, làm ăn có hiệu quả, mạnh dạn phát triển sản xuất với qui mô lớn hơn ngày càng trở thành phú nông thật sự trên mãnh vườn của nhà mình
Ý kiến bạn đọc