Thực trạng và các giải pháp phát triển rau an toàn trên địa bàn Tỉnh Tây Ninh

Chủ nhật - 30/12/2012 16:09 455 0
Tây Ninh mở rộng diện tích trồng rau lên tới 3.883 ha

 


Trần Minh Trí - Chi cục Quản lý Chất lượng NLS&TST

ây Ninh mở rộng diện tích trồng rau lên tới 3.883 ha (theo QH) với tổng dân số là 1,067 triệu người. Thực phẩm - rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của người dân trong tỉnh và các vùng lân cận là cần thiết và không thể thiếu. Hàng năm người dân Tây Ninh tiêu thụ tới hàng triệu tấn rau, như vậy lượng rau xanh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân là rất lớn. Đặc biệt khi đời sống xã hội được cải thiện nhu cầu về thực phẩm sạch nói chung và về rau an toàn(RAT) nói riêng của người dân là rất cao. Nắm bắt được xu hướng trong nhu cầu của người tiêu dùng, tỉnh Tây Ninh đã bắt đầu triển khai chương trình RAT từ năm 2001 và bước vào tăng trưởng thực sự từ năm 2007.

Trong những năm qua, Tây Ninh đã chú trọng đầu tư và hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, đường điện, nhà lưới… cho một số diện tích sản xuất RAT. Tây Ninh hiện có 09 cơ sở có hệ thống giếng khoan công suất lớn được đầu tư khá bài bản phục vụ tưới rau với nguồn kinh phí từ các huyện và tỉnh, đáp ứng tưới thường xuyên cho diện tích 400 - 500 ha rau. Ngoài ra còn hệ thống giếng khoan nhỏ tại ruộng hiện có là 14.998 giếng, có khả năng tưới cho 2.540,3 ha, chiếm khoảng 65,41% diện tích rau. Nhiều xã, đặc biệt các xã có diện tích sản xuất rau nằm gần các con sông lớn (sông Vàm Cỏ Đông, hệ thống tưới Hồ Dầu Tiếng, …) đã đầu tư hệ thống kênh mương bê tông để dẫn nước tưới cho rau. Tổng chiều dài kênh mương bê tông phục vụ dẫn nước tưới rau ở các xã là 385,2 km; có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 2.954 ha đất sản xuất rau (khoảng 76,07% diện tích sản xuất rau).

Song song đó, Tây Ninh cũng đã thực hiện những chính sách cho vay vốn, hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất RAT cũng như những cơ chế chính sách khác nhằm khuyến khích phát triển RAT như tăng cường công tác khuyến nông, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại RAT; Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản xuất và tiêu thụ RAT…

Tuy nhiên có thể nhận thấy về chính sách đầu tư công, bước đầu đã có những hỗ trợ đầu tư, song rất manh mún và nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả sử dụng sau đầu tư không cao.

Bên cạnh sự phát triển, tăng trưởng của sản xuất RAT cả về diện tích, năng suất và sản lượng trong thời gian qua thì điều người tiêu dùng quan tâm hơn cả có lẽ là chất lượng rau. Mức độ an toàn của rau xanh được quyết định bởi dư lượng trong sản phẩm của các yếu tố sau: Nitrat (NO3), thuốc BVTV, hàm lượng kim loại nặng và sự ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (Ecoli, Samonella…).

Từ năm 2010, Tây Ninh bắt đầu triển khai nội dung cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát thực hiện quy trình kỹ thuật tại các vùng sản xuất rau chính của tỉnh; từ năm 2009 tiến hành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Hoạt động lấy mẫu để phân tích về dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng trên rau tại các vùng trên cũng được tiến hành tương đối đồng bộ. Kết quả cho thấy:

- Tại các vùng có cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát số mẫu rau không đạt tiêu chuẩn ATVSTP chiếm 3 - 5%, tuỳ từng mùa vụ.

- Rau sản xuất ở những vùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT và RAT có uy tín (RAT Thanh Bình, RAT Rỗng Tượng, RAT Tiên Thuận, …): Đã được người sản xuất có ý thức thực hiện tốt quy trình sản xuất RAT và có sự giám sát, quản lý hậu kiểm khá chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, chất lượng rau cơ bản được đảm bảo. Kết quả kiểm tra, phân tích mẫu năm 2007 và năm 2008 đã cho thấy về cơ bản rau đảm bảo ATVSTP.

Với việc còn một tỷ lệ số mẫu không đạt tiêu chuẩn VSATTP tại các vùng sản xuất rau đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, những vùng có uy tín, ta có thể thấy sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng vào chất lượng RAT là có cơ sở thực tiễn. Thể hiện rõ tình trạng không ổn định, thiếu bền vững trong việc ổn định chất lượng RAT của Tây Ninh thời gian qua.

Dự báo về nhu cầu thị trường RAT trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận là rất khả quan. Theo ước tính, lượng RAT cần có để cung ứng cho nhu cầu ăn tươi của người dân là khoảng trên 2.000 tấn/ngày, tương đương 650.000 tấn/năm. Ngoài ra còn cần một lượng không nhỏ để tham gia thị trường xuất khẩu và hình thành ngành công nghiệp chế biến rau. Nhưng để thực sự nắm bắt và làm chủ thị trường, thiết nghĩ Tây Ninh cần thực hiện đồng bộ những những nhóm giải pháp đối với cả Nhà nước, đối với người sản xuất kinh doanh RAT cũng như đối với người tiêu dùng nhằm phát triển bền vững sản xuất - tiêu thụ RAT.

Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành rau, củ, quả để cung cấp cho các đô thị lớn. Tuy nhiên, những năm qua, hàng trăm ngàn tấn rau sản xuất ra chỉ tiêu thụ được ở các chợ thông thường, chưa thể chen chân được vào các siêu thị, metro. Gần đây, trong tỉnh cũng đã xuất hiện một vài mô hình liên kết sản xuất, cung ứng trực tiếp sản phẩm rau cho các hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên ở Tây Ninh có một tổ liên kết tự nguyện thực hiện trồng rau an toàn theo quy trình GAP. Tuy hiệu quả đã được chứng minh qua thực tế, nhưng không phải người nông dân nào trong tỉnh cũng biết về vấn đề này. Song, tổ liên kết sản xuất trên sẽ là một điểm thử nghiệm bước đầu để mở rộng dần ra.

Tây Ninh có các vùng trồng rau chuyên canh tập trung ở một số huyện như: Thị xã Tây Ninh, huyện Hòa Thành, huyện Châu Thành, Bến Cầu.... Diện tích rau tăng mạnh qua các năm, đây là thế mạnh của nền nông nghiệp Tây Ninh, nhất là các vùng đất xám cao có tưới. Tây Ninh đất đai dồi dào, ít ảnh hưởng của các khu công nghiệp, khả năng phát triển rau an toàn (RAT) là rất lớn. Số lượng sản phẩm rau an toàn chưa cao, nông hộ sản xuất rau với quy mô nhỏ lẻ, phân tán thiếu ổn định, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn chậm phát triển, sản xuất rau ở nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, phân tán thiếu ổn định, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn chậm phát triển, việc gắn kết giữa các khâu sản xuất – thu mua – chế biến – bảo quản – tiêu thụ rau và rau an toàn còn phân biệt chưa rõ nét, do bất cập trong khâu kiểm tra và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

Để nâng cao, nhân rộng hiệu quả về sản xuất rau an toàn, rất cần các cơ quan, đơn vị liên quan chung sức, vì để cho nông dân “tự phát” thì không thể đủ lực, khó phát triển nhanh chóng mô hình sản xuất được. Trong đó, cần tổ chức đơn vị đầu mối để cung ứng vốn, vật tư, khoa học, kỹ thuật trên quy mô lớn, cộng với đơn vị chuyên ngành lo nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, chứng nhận hàng hóa an toàn cho nông dân. Với lực lượng hợp tác xã nông nghiệp hiện có, nếu liên kết được theo mô hình sản xuất RAT tự nguyện thì đây cũng là một bước đột phá trong nông nghiệp, nâng cao đáng kể giá trị hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện  đời sống nông dân và bảo đảm an toàn thực phẩm hàng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Vừa qua, ngày 08 tháng 06 năm 2012 Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã ký kết hợp tác về sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang.

- Đối với Nhà nước, cần quy hoạch các vùng phát triển sản xuất rau an toàn đạt được các tiêu chí về tính pháp lý, tính ổn định và các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định, quy hoạch hệ thống tiêu thụ sản phẩm gồm các chợ đầu mối RAT, các chợ quy mô nhỏ để thuận tiện phục vụ tiêu thụ rau cho các vùng sản xuất rau lớn nằm xa chợ đầu mối cũng như phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bằng giải pháp đầu tư công. Cần thiết phải đầu tư có trọng điểm, có chất lượng; đầu tư đồng bộ, không dàn trải. Cần đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật và công tác khuyến nông như thực hiện đồng bộ một số biện pháp hỗ trợ để mở rộng có hiệu quả và nhanh chóng trong đại trà việc sản xuất RAT theo quy trình VietGAP, tăng cường công tác khuyến nông với sự hỗ trợ của Nhà nước các cấp, các tổ chức ngoài Nhà nước và quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và cách ứng xử của những người tham gia vào quá trình phát triển RAT gồm cả người sản xuất và người tham gia tiêu thụ sản phẩm...Cần đẩy mạnh công tác tổ chức quản lý và thực hiện quản lý Nhà nước trong giám sát chất lượng rau an toàn cũng như triển khai đồng bộ các quy định đã ban hành và tiếp tục bổ sung những nội dung còn thiếu như: Chế tài đủ mạnh để xử phạt các vi phạm; Tiếp tục hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề quy hoạch; Ban hành các QTKT sản xuất theo VietGAP cụ thể cho các chủng loại rau chính; Hình thành phương thức tổ chức quản lý sản xuất phù hợp để triển khai áp dụng VietGAP trong sản xuất đại trà. .Cần có chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất ,sơ chế ,bảo quản và kinh doanh RAT . Hình thành các kênh thông tin để tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, tiêu thụ RAT, người tiêu dùng luôn cập nhật được thông tin và có điều kiện tiếp nhận các chính sách.

- Đối với người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Tây Ninh và các vùng lân cận, bên cạnh việc được hưởng một số ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, đào tạo, hướng dẫn về sản xuất - tiêu thụ RAT ... và một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT của Nhà nước, thì cũng phải có ý thức và chủ động thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức trong tham gia sản xuất và tiêu thụ RAT, đồng thời chủ động cập nhật các thông tin, kiến thức, quy định về sản xuất tiêu thụ RAT để nghiêm túc thực hiện, phải có nhận thức đúng về trách nhiệm của mình với cộng đồng...

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển bền vững RAT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh khuyến khích người tiêu dùng cùng tham gia kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ RAT ...Nâng cao hiểu biết và nhận thức của người tiêu dùng về RAT đối với vấn đề bảo vệ sức khoẻ của mỗi người và của cả cộng đồng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây