Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và các chính sách đầu tư hiệu quả của các nhà máy, năng suất mía ở Tây Ninh ngày càng được nâng cao. Song đồng hành với niềm vui đó chính là nỗi lo vào mỗi mùa thu hoạch: Lo mía cháy, lo công đốn chặt, lo xe vận chuyển,... Đó không chỉ là nỗi lo của riêng những người nông dân trồng mía mà đó còn là nỗi lo của cả Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh. Vụ thu hoạch 2011-2012 đã đi qua trong nỗi ám ảnh của nhiều nông dân khi mà giá công thu hoạch có thời điểm lên đến hơn 300.000đ/tấn, đặc biệt những vùng có mía bị cháy tập trung, việc kiểm soát giá công thu hoạch của trạm nguyên liệu là rất khó. Công tác vận chuyển cũng gặp không ít khó khăn khi một số tài xế "vòi vĩnh", gây khó dễ với người nông dân mỗi khi cho xe vào chở mía…
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bước vào vụ thu hoạch 2012-2013, Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh (SBT) đã có sự điều chỉnh trong việc tổ chức công đốn chặt và xe vận chuyển. Đầu tiên là việc hạn chế cho đăng ký quá nhiều đầu công, mỗi đầu công khi đăng ký chặt mía phải có năng lực tài chính, tổ chức được nhóm công lớn và khuyến khích đầu công có xe vận chuyển đi kèm. Đầu công khi chặt mía sẽ được trạm phân chia phụ trách một vùng nhất định với mức giá công chặt bốc và tăng bo theo giá quy định của khu vực đó. Mía cháy trong khu vực đốn chặt do đầu công phụ trách sẽ giảm 20.000đ/tấn, nếu vượt 20% hoặc có dấu hiệu bất thường đầu công sẽ bị phạt tiền hoặc phải ngưng đốn chặt. Đầu công chịu trách nhiệm quản lý xe vận chuyển và chi trả tiền vận chuyển do nhà máy chi trả cho xe.
Chúng tôi xuôi về huyện Dương Minh Châu - nơi mà vụ thu hoạch 2011-2012 chịu rất nhiều áp lực với tỷ lệ mía cháy bình quân lên đến hơn 40% để tìm hiểu tình hình thu hoạch mía năm nay. Điều mà chúng tôi nhận được chính là những phản hồi tích cực của nông dân nơi đây với phương thức tổ chức thu hoạch mới của nhà máy SBT. Chị Võ Ngọc Châu Tuyền ở xã Phước Ninh đang chuẩn bị công để chặt hơn 1ha mía bị cháy tối ngày hôm trước khi gặp chúng tôi đã mạnh dạn chia sẻ: Trồng mía bây giờ không sợ không có lời mà sợ nhất là mía cháy, bình thường nếu không cháy mỗi ha trừ hết chi phí cũng kiếm được bình quân 20-30 triệu. Công thu hoạch năm nay trạm tổ chức rất tốt, mía bị cháy xe vào lấy tận bãi nhưng giá công chặt hiện nay cũng chỉ có 150.000đ/tấn, thấp hơn vụ trước rất nhiều. Cùng đồng thuận với ý kiến của chị Tuyền, anh Trang Thanh Tùng ở xã Chà Là cũng tâm sự: Năm trước đến thời điểm này ở địa bàn Chà Là mía cháy tương đối nhiều nhưng năm nay do chính sách giảm tiền chặt mía cháy, điều đầu công nơi khác đến chặt mía cháy nên tỷ lệ mía cháy giảm hẳn, việc quy định giá công cho từng vùng là rất tốt và dễ cho trạm quản lý, tôi nghĩ năm sau nhà máy cũng nên áp dụng chính sách này .
Như vậy, sự điều chỉnh chính sách tổ chức công xe trong khâu thu mua nguyên liệu của nhà máy đường Bourbon Tây Ninh bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người trồng mía. Đây là một trong những cơ sở để người nông dân tiếp tục gắn bó cùng với nhà máy xây dựng và phát triển thành công vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Ks. Đặng Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc