Câu chuyện Za-lô và A-lô

Chủ nhật - 01/09/2024 15:45 34 0

A-lô! A-lô! A-lô!

Cầm chiếc điện thoại lên gọi cho ai đó bắt đầu bằng tiếng a-lô. Khi chiếc điện thoại báo hiệu có người gọi đến cũng bấm a-lo. Điện thoại đối với nhiều người thường chỉ sử dụng mục đích gọi-nghe, nhưng với nhiều người biết za-lô là ứng dụng có nhiều tính năng thông minh. Khi người nông dân quê tôi cũng bắt đầu sử dụng công cụ thông minh này thì thật sự là niềm vui quá lớn.

Số là, hôm dự sinh hoạt ở một Hội quán thấy bà con chia sẻ nhau cách thức sử dụng chiếc điện thoại nhỏ xíu. Nhìn những người bàn tay thô ráp vì quanh năm quần quật ruộng vườn đã biết "bấm bấm, lướt lướt, quẹt quẹt". Giờ mới cảm nhận hết được câu: "Điều gì người khác làm được thì nông dân quê tôi chắc chắn cũng sẽ làm được" là không sai!

Biết sử dụng rồi nhưng không phải người nào cũng có chiếc điện thoại thông minh, đa phần chỉ là chiếc điện thoại “cùi bắp”. Vậy là ai đó có sáng kiến hùn vốn xoay vòng, mỗi lần họp sẽ có 2 thành viên được sắm cái điện thoại thông minh từ cách góp vốn. Cái khó đâu bó cái khôn, nếu bà con đã muốn và quyết tâm thì sẽ có cách. Nhờ vậy mà các thành viên hàng ngày được chia sẻ với nhau những thông tin bổ ích, kèm theo hình ảnh, âm thanh trực quan. Nào là thông tin mời họp và nhắc nhau dự sự kiện này, triển khai nhiệm vụ kia. Nào là, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc vườn tược, kinh nghiệm đồng áng. Vậy là bà con mỗi ngày có thêm một niềm vui rồi.

Công nghệ thông tin, giờ là chuyển đổi số, đã len lỏi vào nông thôn, vào tận ngôi nhà của mỗi người. Làng xóm sẽ không còn buồn tẻ. Bà con không còn quanh quẩn từ trước cổng trở vô sau vườn. Công nghệ kết nối người này với người kia, làng trên nối kết với xóm dưới. Công nghệ kết nối nông thôn với thị thành, với thế giới bao la. Công nghệ giúp “đưa vườn ra chợ” mà cũng có thể “đưa chợ về vườn”. Đây là cơ hội giúp người nông dân tự làm cho cuộc sống vui vẻ hơn, làm nông tốt hơn, mua bán thuận lợi hơn. Nhờ a-lô và za-lô vòng tròn mối quan hệ trong xã hội nông thôn ngày được rộng mở.

Câu chuyện học tập suốt đời bắt đầu từ việc biết tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bây giờ có thể không cần đến lớp, chỉ nằm trên chiếc võng đung đưa, hoặc trên đồng ruộng là vẫn có thể học nếu thật sự ham học, muốn học. Mỗi người biết một chút và chia sẻ với nhau thì nhiều người cùng biết và cùng làm giàu kiến thức cho nhau. Thường cái gì khi chia thì sẽ nhỏ lại, chỉ có kiến thức khi được chia sẻ sẽ lớn dần ra. “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”, “Có cày có thóc, có học có chữ”.

Nhiều người còn ngại ngùng với công nghệ thông tin, dị ứng với các mạng xã hội. Cái gì cũng có hai mặt như đồng xu vậy thôi. Có người sử dụng trang mạng chia sẻ chuyện phiếm vô bổ, nói xấu nhau hoặc kích động xã hội. Ngược lại, có biết bao người sử dụng sức mạnh của công nghệ để làm cho cuộc đời ý nghĩa hơn. Công nghệ giúp kết nối người nông dân với chính quyền, ngành chuyên môn, cán bộ khuyến nông, chuyên gia, nhà khoa học. Vòng tròn tri thức mở ra vận hội cho bà con nông dân từ chiếc điện thoại thông minh.

Báo chí đưa nhiều thông tin nghe thật buồn. Nào là “Hàng chục nông dân ở Cà Mau bị thương lái quỵt tiền thu mua lúa”. Nào là “Nông dân nuôi cá lóc ở Trà Vinh bị lừa tiền tỷ”. Nào là “Mua lúa giống kém chất lượng nông dân ở Bắc Kạn, Phú Thọ mất trắng”. Nào là nông dân bị lừa mua phải phân thuốc giả, kém chất lượng, bị lừa xuất khẩu lao động, bị sập bẫy cho vay nặng lãi. Nếu người nông dân trước khi quyết định mua hay bán có được nhiều thông tin thì sẽ giảm rủi ro, nếu kiện tụng thì “được vạ, má đã sưng”.

Nhiều người thương cảm cho thân phận người nông dân làm lụng cực khổ, cuộc sống đơn điệu quá. Nhưng những người nông dân quê tôi lại không bằng lòng với lòng thương cảm đó. “Nước xa không cứu được lửa gần”, bà con biết tự cứu lấy mình trước khi ai đó đến cứu. Anh Chủ nhiệm Hội quán ngân nga: "Hãy chèo lấy thuyền anh... chớ ngồi không mà khoanh tay... chớ khóc than chớ chau đôi mài...". Bà con không khóc than mà dùng các ứng dụng thông minh để học hỏi và tự bảo vệ mình trước muôn vàn rủi ro.

Ngày xưa làm nông cần đến con trâu, cái cày, chiếc gàu sòng: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Lúa khô lúa cạn ai ơi. Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu”. Ngày nay, nông nghiệp tiến dần đến hiện đại, những cỗ máy thay dần sức người, sức trâu. Trong thời đại công nghệ, chiếc điện thoại và những ứng dụng thông minh, chỉ cần bấm bấm, vuốt vuốt là tiếp cận được nền nông nghiệp thông minh. Một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp đang len lỏi vào người nông dân và “Chiếc điện thoại thông minh là đầu cơ nghiệp” rồi!.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây đó đã bắt đầu nhen nhóm những mô hình làng thông minh. Trong lúc người ta đang đua nhau lập đề án đô thị thông minh thì bà con cùng với chính quyền bắt tay xây dựng những ngôi làng thông minh, ngôi làng tri thức. Những mô hình làm nông thông minh như “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn mình”, “Cây dừa nhà tôi”,… đang lan toả khắp mọi miền đất nước.

Một Chủ nhiệm Hội quán trăn trở nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, nên lo lửa vừa nhen lên sẽ nguội lạnh dần. Cuộc sinh hoạt nào cũng quanh quẩn chuyện làm hữu cơ, mua chung bán chung. Nhiều nội dung phong phú đang nằm trong chiếc điện thoại thông minh. Đó là cách nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán, các thiết chế nông dân. Xác thực thông tin giá cả, chất lượng giống, phân thuốc. Tìm hiểu cặn kẽ năng lực, uy tín các thương lái, doanh nghiệp. Nhờ chuyên gia xem nội dung hợp đồng để không bị nắm đằng chuôi. Ngoài ra còn nhiều tri thức về chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường,… Hãy cùng nhau giúp bà con nông dân tự tin tiếp cận, sử dụng thành thục các ứng dụng thông minh.

Không ít bà con cho rằng chiếc điện thoại thông minh nhiều tiền quá sắm hơi tiếc. Nếu chỉ gọi - nghe thì đúng là nhiều tiền, nhưng nếu xem nó là  “đầu cơ nghiệp”, là một cầu nối tri thức, là cửa sổ mở ra thế giới bao la thì quá xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”. Tạo lập mối quan hệ từ đó. Kiến thức sống từ đó, kỹ năng làm nông từ đó. Biết cách tự bảo vệ mình cũng từ đó.

Hãy thẩm thấu từng câu chữ trong Nghị quyết Tam nông: “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”. Nhiệm vụ của hệ thống chính trị cấp cơ sở, các chuyên gia, lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích là những người có bổn phận hỗ trợ bà con tiếp cận công nghệ thông minh. Đừng để nghị quyết chỉ là nghị quyết, mà cũng đừng làm vì nhiệm vụ, hãy làm bằng bổn phận.

Mục đích cuối cùng của một xã hội thông minh là làm cho chất lượng cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Từ làng thông minh rồi sẽ tiến đến làng hạnh phúc. Thương quá, những người nông dân quê tôi. Trân trọng lắm, những người nông dân quê tôi đang tiến lên trên con đường tạo dựng hành phúc cho mình. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên, từ việc đọc sách và tiếp cận công nghệ thông minh. Đừng sợ đi chậm, chỉ sợ đứng yên thôi!

A-lô! A-lô! A-lô! Vui lòng cho xin số điện thoại của bạn để chúng ta cùng kết nối nghen!

Nội dung: Xích Lô

Thiết kế: Tiến Thành

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây