Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Thứ năm - 31/05/2018 22:00 245 0

Ngày 07/5/2018, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, áp dụng đối với tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ Phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật và cá nhân không thuộc các trường hợp trên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam

Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thu hồi giống vật nuôi; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

b) Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

c) Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;

d) Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giống vật nuôi;

đ) Buộc tiêu hủy chất cấm; sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; vật nuôi, thủy sản; giống vật nuôi;

e) Buộc hủy kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

g) Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo;

h) Buộc cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi, thủy sản đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ hoặc thu hoạch;

i) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

k) Buộc di chuyển cơ sở sản xuất giống thủy sản;

l) Buộc cải chính kết quả khảo nghiệm, kiểm định.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định 64/2018/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Các lực lượng có thẩm quyền xử phạt gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ trưởng cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thủy sản, thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Quản lý thị trường.

Nghị định số 64/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2018, thay thế: Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tại Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Nghị định số 64/2018/NĐ-CP cũng quy định điều khoản chuyển tiếp để xử lý đối với các vi phạm hành chính được thực hiện hoặc phát hiện trước trước ngày Nghị định này có hiệu lực. Theo đó, trường hợp đã được lập Biên bản vi phạm hành chính thì xử phạt theo Nghị định số 119/2013/NĐ-CP và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính của Nghị định số 64/2018/NĐ-CP có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì xử phạt theo Nghị định này; Trường hợp chưa lập Biên bản vi phạm hành chính thì xử phạt theo quy định của Nghị định số 64/2018/NĐ-CP./.

Chi tiết Nghị định số 64/2018/NĐ-CP có file đính kèm.

ND 64-2018.pdf

Thanh tra Sở

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây