CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ủy ban nhân dân (UBND) và Hội Nông dân hoạt động theo chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được quy định tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Quan hệ phối hợp hoạt động giữa UBND và Hội Nông dân các cấp phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Điều 2. Phối hợp hoạt động giữa UBND và Hội Nông dân các cấp nhằm xây dựng, củng cố chính quyền vững mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân. Động viên nông dân phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết, quyết định và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do HĐND và UBND tỉnh đề ra.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Quan điểm:
Tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 tỉnh Tây Ninh; nhằm phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bảo đảm nguồn lực tài chính và những điều kiện cần thiết để Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh trực tiếp và phối hợp với các ngành chức năng, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá tinh thần.
Điều 4. Mục tiêu:
Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh thực hiện được vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, là thành viên tích cực của các chương trình về kinh tế - xã hội nông thôn, tham gia vào việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành liên quan tạo điều kiện và phát huy vai trò của Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh tham gia quá trình xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Điều 5. Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Tây Ninh chủ trì, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; làm đầu mối tham gia với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản...) theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng hoặc dạy nghề tại chỗ theo hình thức "cầm tay chỉ việc") cho các đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp.
Tham gia dạy nghề, liên kết dạy nghề và phối hợp đào tạo liên thông giữa các trình độ nghề cho lao động nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
b) Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh với các nội dung sau:
- Đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có điều lệ hoạt động, có con dấu và tài khoản riêng theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
- Năm 2011, ngân sách UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh 5 tỷ đồng (năm tỷ đồng); từ năm 2012 - 2020, mỗi năm căn cứ vào tình hình cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm để tăng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo việc vận động tăng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; hằng năm ngân sách địa phương hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân theo phân cấp quản lý.
- Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, có hướng dẫn cho các Hội Nông dân huyện, thị xã thực hiện phù hợp với các quy định hiện hành; trực tiếp quản lý, bảo toàn nguồn vốn; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động và hiệu quả hoạt động của Quỹ.
- Cơ quan phối hợp quản lý: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Điều 6. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
a) Cơ chế tham gia:
- Tiếp tục thực hiện cơ chế hiện hành đối với Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg ngày 24/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định trách nhiệm của các bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả.
- Hàng năm, trong từng chương trình, đề án, dự án của UBND tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thoả thuận với Hội Nông dân cùng cấp xác định những nhiệm vụ cụ thể để phân bổ và trích lập dự toán giao cho Hội Nông dân cùng cấp thực hiện; báo cáo cơ quan chức năng bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội Nông dân.
b) Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành để thực hiện các nhiệm vụ liên quan như sau:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo bền vững vùng đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện các hoạt động khuyến nông bằng nguồn ngân sách nhà nước; hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp (sản xuất rau an toàn, chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi và cây trồng…) và tiêu thụ nông sản.
- Phối hợp với sở Công Thương thực hiện chính sách của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân.
- Phối hợp cùng Sở Tư pháp thực hiện chương trình phổ biến pháp luật cho nông dân và dân tộc thiểu số.
- Phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ trong viêc khuyến khích nông dân sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn; nâng cao năng lực thích ứng cho nông dân đối với biến đổi khí hậu.
- Phối hợp cùng Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nông dân về văn hoá và nhiệm vụ phát triển văn hoá nông thôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình văn hoá, ấp, khu phố văn hóa, xã, phường, thị trấn văn hoá; xây dựng và duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng; vận động và hướng dẫn nông dân tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các hoạt động truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân.
c) Kinh phí thực hiện: từ nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm và từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Đối với các chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước giao cho Hội Nông dân chủ trì thì kinh phí thực hiện được giao trực tiếp trong dự toán ngân sách hàng năm cho các cấp Hội Nông dân theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
- Đối với các chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã chủ trì thì các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thỏa thuận với Hội Nông dân cùng cấp trích lập dự toán tương ứng với phần nhiệm vụ giao cho Hội Nông dân thực hiện.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh xây dựng các nội dung, kế hoạch, kinh phí thực hiện và chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp với các ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện Quy chế này; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện và kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần thiết phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 7. UBND chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm cho Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hoạt động hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh phí tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và kinh phí thực hiện Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn. Hằng năm, phân bổ một phần từ nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh giao Hội Nông dân tỉnh thực hiện.
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh tham gia thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn theo đề xuất của Hội Nông dân tỉnh.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm phân bổ chỉ tiêu dạy nghề cho Hội Nông dân tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức thực hiện.
- Sở Nội Vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quy hoạch để xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh.
- Sở Công Thương tạo điều kiện cho Hội Nông dân tỉnh xây dựng và thực hiện một số dự án về mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trong Đề án Phát triển thương mại nông thôn do Sở Công Thương chủ trì.
- Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Hội Nông dân tỉnh xây dựng dự toán chi sự nghiệp môi trường hàng năm để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với khả năng của Hội.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn Hội Nông dân tỉnh tham gia các hoạt động truyền thông và các hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Giúp Hội Nông dân tỉnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ của Hội. Hàng năm, phối hợp Hội Nông dân đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân.
- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: hàng năm phối hợp với các sở, ngành liên quan cân đối ngân sách và các nguồn tài trợ khác để phân bổ kinh phí giao Hội Nông dân tỉnh chủ trì thực hiện hoặc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn.
- UBND các huyện, thị xã căn cứ nội dung triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xác định những nội dung cụ thể và kinh phí kèm theo để giao cho Hội Nông dân cùng cấp thực hiện. Chỉ đạo các ban, ngành xây dựng cơ chế phối hợp để Hội Nông dân cùng cấp trực tiếp thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nông dân. Chỉ đạo việc cấp một phần kinh phí khuyến nông cho các cấp hội nông dân thực hiện; hỗ trợ vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương.
- Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tổng kết việc thực hiện Quy chế này để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức thực cho thời gian tiếp theo.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, UBND và Hội Nông dân tỉnh tổ chức hopk liên tịch để trao đổi, rút kinh nghiệm và bàn nhiệm vụ, biện pháp phối hợp hoạt động cho thời gian tới. Khi có công việc cần thiết, UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh họp đột xuất để kịp thời phối hợp giải quyết.
Điều 9. Trên cơ sở quy chế này, UBND các cấp, các Sở, ban, ngành thống nhất ký kết chương trình phối hợp hoạt động của đơn vị mình với Hội Nông dân cùng cấp.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động thực hiện Quy chế về UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh.
Điều 10. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Hội Nông dân tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh thực hiện tốt Quy chế này.
Điều 11. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh chưa phù hợp hoặc cần bổ sung thì UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh trao đổi thống nhất để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Ý kiến bạn đọc