Khuyến nông Tây Ninh 20 năm một chặng đường

Chủ nhật - 30/12/2012 16:10 463 0
Các mô hình dự án khuyến nông đã đưa những tiến bộ kỹ thuật về giống (giống mới, chọn giống, lọc giống) và các giải pháp kỹ thuật đã góp phần làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn.

 

T

ây Ninh là một tỉnh nông nghiệp, với điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp cho quá trình phát triển các loại cây công nghiệp hàng năm, lâu năm rau màu: Mía, mì, cao su, điều, đậu phộng, cây ăn quả, lúa, bắp rau các loại, … tạo sự đa dạng trong sản xuất, làm phong phú về sản phẩm khi tham gia thị trường. Về chăn nuôi, thủy sản quy mô trang trại từng bước được hình thành.

Từ Ban điều phối Chương trình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Tây Ninh chính thức được thành lập theo Quyết định số 21-QĐ/UB ngày 28/4/1994. Lực lượng khuyến nông tăng giảm theo thời gian, hiện nay là 39 biên chế, cộng tác viên tuyến xã 95 người. Văn phòng TTKN được cho phép thành lập 3 phòng: Phòng Kế hoạch- Kỹ thuật; phòng Tổ chức-Hành chánh; phòng Thông tin – Tư vấn dịch vụ;

 Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ. Qua 20 năm đã đạt được một số thành tựu nổi bật, góp phần nâng cao được năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi.

Trong những năm qua, bằng nhiều sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh có những bước tiến phát triển vượt bật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông. Năng suất trung bình một số cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh trong 20 năm qua năng suất cây trồng tăng bình quân mỗi năm 12%, vật nuôi tăng bình quân đầu con mỗi năm 12,5%.

Các mô hình dự án khuyến nông đã đưa những tiến bộ kỹ thuật về giống (giống mới, chọn giống, lọc giống) và các giải pháp kỹ thuật đã góp phần làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn.

Cây lúa: Những giống lúa triển vọng của Đồng bằng sông Cửu Long đểu có mặt tại Tây Ninh. Những mô hình khuyến nông về cây lúa bắt đầu từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu giống lúa, xây dựng khảo nghiệm giống chọn lọc đánh giá tính thích nghi khả năng kháng sâu bệnh của giống trước khi đưa vào sản xuất đại trà, áp dụng những giải pháp như: Sạ theo hàng; áp dụng 3 giảm 3 tăng; ứng dụng IPM; 1 phải 5 giảm; (hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả cho người trồng lúa. Từ NSBQ (năng suất bình quân) 2,47 tấn/ha (năm 1993) đến nay NSBQ 4,79 tấn/ha. Từ tỉnh khó khăn về lương thực đến nay đã có dư trên 100 ngàn tấn lúa hàng hóa tham gia với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra những mô hình trình diễn về giống lúa ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đều gắn chặt với công tác nhân giống lúa. Cung cấp cho các mô hình là cấp giống lúa nguyên chủng tăng cường công tác khử lẫn 2-3 lần trong vụ, quản lý chặt chẻ trong khâu thu hoạch, tổ chức hội thảo đầu bờ, phối hợp cùng với Trung tâm giống Nông nghiệp thu mua cung cấp lại cho các mô hình liên kết 4 nhà, ước số lượng hàng năm cung cấp 600 tấn lúa giống giảm bớt được về áp lực về lúa giống cho địa phương.

Hỗ trợ đầu tư cho người dân mua máy gặt đập liên hợp, đã hỗ trợ 18 cái máy GĐLH (gặt đập liên hợp) Chín Nghĩa; Tư Sang; Minh phát (Trung Quốc), Kobuta… đến nay toàn tỉnh ước khoảng 200 máy GĐLH, đã hỗ trợ cho việc thu hoạch bằng máy GĐLH từng vụ khoảng 25 - 30%  góp phần giải quyết được sự bức xúc trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xuống giống và thu hoạch tập trung.

Cây khoai mì: Việc ứng dụng khoai mì giống mới là một thành công nhất của khuyến nông Tây Ninh. Năm 2000 giống KM94 đã chiếm 90% đất trồng khoai mì của tỉnh còn lại gồm các giống KM95; SM937-26; KM98-5; KM140; HL10; KM419 (MO101), từ NSBQ 13,8 tấn/ha (1993) đến nay NSBQ 28,7 tấn/ha. Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông tham gia nhiều đề tài, dự án trong việc canh tác khoai mì bền vững như: Khảo nghiệm giống khoai mì mới bổ sung vào cơ cấu giống mì của tỉnh, tăng cường phân hữu cơ, phân vi sinh, băm thân cây mì trả lại nguồn hữu cơ cho đất.…không khuyến khích mở rộng diện tích tập trung nâng cao năng suất chữ bột, từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung đã góp phần nâng cao hiệu quả cho người trồng khoai mì của tỉnh.

Cây mía: Cây mía là một những cây trồng chính của tỉnh, chủng loại giống cũng khá phong phú có nguồn rất nhiều nước (Đài Loan, Trung quốc, Ấn Độ, Cu Ba, Brazil, Mỹ, …) nhưng do đặc tính của giống, mức độ kháng sâu bệnh, giá cả … người trồng mía cũng từng bước loại dần, hiện nay còn lại giống Thái lan và Việt Nam. Hàng năm Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã xây dựng dự án, mô hình trồng mía trên vùng đất thấp năng suất đạt >80 tấn/ha làm cơ sở mở rộng mô hình ra diện rộng. Từ năng suất bình quân 37,9 tấn/ha (năm 1993) đến nay NSBQ 65 tấn/ha.

Đậu phộng: Diện tích đậu phộng trước đây khá lớn có năm trên 40.000 ha, những năm gần đây do một số cây trồng khác như: Bắp nếp, bắp giống, bắp lai, rau các loại người dân sản xuất có hiệu quả hơn, đã lấn dần diện tích đậu phộng xuống khoảng 14.700 ha. Trung tâm Khuyến nông đưa nhiều loại giống đậu phộng: HL28, HL25, Lì thuần, VD1,VD2…ứng dụng, sử dụng nhiều giải pháp như: Đầu tư thâm canh sử dụng thuốc trừ sâu sinh học diệt sâu xanh, sử dụng thuốc trừ bệnh Anvin phòng trị 2 loại bệnh đốm nâu và đốm đen giữ cho lá đậu phộng còn xanh đến lúc thu hoạch. Tăng khả năng tích lũy chất khô trong giai đoạn đậu vào chắc. Từ năng suất bình quân 1,98 tấn/ha (năm 1993) đến nay NSBQ 3,01 tấn/ha tăng 152,02%.

Về rau an toàn: Hàng năm Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng dự án đầu tư 116 điểm trình diễn rau an toàn trên dưa chuột (dưa leo), khổ qua (mướp đắng) giúp cho người tham gia dự án và những hộ xung quanh tiếp nhận và ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn góp phần đưa sản phẩm ra ngoài thị trường đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

 Chăn nuôi Bò sữa: Từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ đến nay Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã đầu tư khoảng 180 bò cái sữa cho huyện Trảng Bàng. Từ những khó khăn về giá thu mua sữa tươi của các nhà máy thấp, bán không có lời, mặc dù Trung ương ngại đầu tư dự án bò sữa nhưng TTKN Tây Ninh cố gắng thuyết phục, nhờ những khó khăn TTKN hướng dẫn giúp người chăn nuôi bò sữa có dịp đánh giá lại chất lượng đàn bò sữa hiện có (loại bỏ những con bò sữa không đạt yêu cầu) đã góp phần cải thiện được giống và năng suất sữa bình quân từ 9 lít – 16 lít/con/ngày. Mô hình chăn nuôi bò sữa từng bước mở rộng quy mô từ 2 -3 con/hộ lên tối thiểu 5 con/hộ. Đến nay đàn bò sữa huyện Trảng Bàng tăng lên 2.146 con, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Gia cầm: Từ các dự án, mô hình trình diễn giống vật nuôi mới đã giúp người chăn nuôi Tây Ninh đã tạo nên sự phong phú về con giống đa dạng về phương thức. Từ việc bỡ ngỡ đối với một số giống gia xúc mới như: Vịt siêu thịt (Super - M; vịt siêu trứng (Super – E); Gà đẻ AA; Gà thả vườn (Tam Hoàng, Lương Phượng)…. Hàng năm TTKN đã xây dựng dự án, đầu tư trên 7.000 con gà, vịt theo hướng an toàn sinh học với khoảng 40 hộ tham gia. Tuy hiệu quả còn thấp (giá cả không ổn định) nhưng hiệu quả về mặt kỹ thuật rất cao giúp người chăn nuôi nắm vững được công nghệ chuyển giao nắm chắc được quy trình tiêm phòng hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt. Số lượng gia cầm từ 2.290.000 (năm 1993) đến nay là 3.500.000 con tăng 153%.

Chăn nuôi heo: Trong thời gian qua TTKN đã đầu tư nhiều dự án, mô hình về chăn nuôi heo: Heo đực giống và gieo tinh nhân tạo; heo sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường; chăn nuôi heo thịt heo hướng VietGAP. Những giống heo hiện nay như:   Yorhshire; Landrace; Duroc; Pietrain; Giống heo lai (2 máu, 3 máu) đã quá quen thuộc đối với người chăn nuôi Tây Ninh. Số lượng heo từ 88.000 (năm 1993) đến nay là 210.509 con tăng 239%.

Thủy sản: Thông qua các dự án dạy nghề Nuôi cá nước ngọt, Các dự án, mô hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh đầu tư khá hiệu quả như: Nuôi cá rô đồng; cá thát lát; cá lăng; cá tra; ba ba; nuôi cá lòng ghép… với kinh phí đầu hàng năm khoảng 300- 500 triệu đồng/năm đã giúp cho người nuôi trồng thủy sản nắm vững lý thuyết ứng dụng thành thạo vào thực tế đem lại hiệu quả cao cho mô hình, tạo được lòng tin đối người dân. Sản lượng thủy sản của tỉnh từ 4.361 tấn (năm 1993) đến nay là 12.629 tấn tăng 289%.

Công tác thông tin về giống mới, giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất giỏi cũng được cập nhập thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo đài) bản tin khuyến nông, bản tin thị trường nông sản, chuyên mục khuyến nông, nhịp cầu nhà nông, tài liệu bướm… đã giúp cho người dân có những ý tưởng, giải pháp ứng dụng từng vào điều kiện sản xuất nông hộ, góp phần mở rộng mô hình cho nhiều người ứng dụng.

Tóm lại: Các dự án, mô hình khuyến nông như: Lúa, mía, mì, đậu, cao su, bắp (ngô), rau an toàn, cây ăn quả, bò sữa, bò lai zêbu, heo, gia cầm, thủy sản, cơ giới hóa, huấn luyện-thông tin tuyên truyền, giá cả thị trường …đã phát huy được tác dụng hiệu quả mô hình tăng dần theo thời gian, hiệu quả kinh tế trong mô hình cao hơn cách làm truyền thống từ 15 – 30% đã tạo được lòng tìn cho người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương.

Song song với những thành tựu đã đạt được công tác khuyến nông còn nhiều khó khăn tồn tại như: Việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa tập trung, năng suất chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa cao, một số nơi chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản xảy ra liên tục, làm ảnh hưởng đến thu nhập cho người sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường, trong chăn nuôi hiệu quả chưa cao, kinh phí đầu tư cho công tác khuyến nông còn hạn chế chưa được liên tục, lực hượng cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng được chuyên môn trên các lĩnh vực theo nhu cầu của địa phương, cơ sở trang thiết bị nghèo nàn, chính sách cho cán bộ làm công tác khuyến nông chưa được quan tâm.

 Việc chuyển giao những tiến bộ KHCN lĩnh vưc Nông -Lâm -Ngư là nhiệm vụ thường xuyên của công tác khuyến nông hiện tại và trong tương lai. Trong thời gian tới còn nhiều khó khăn nhưng với lực lượng trẻ đầy nhiệt tình, học tập được nhiều kinh nghiệm của những người đi trước, sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao KHCN, xây dựng những cánh đồng kiểu mẩu (từ nhỏ đến lớn) làm cơ sở cho việc mở rộng mô hình, từng bước đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

                                      

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây