Còn nhiều trở ngại trong việc xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

Thứ ba - 05/12/2017 16:00 369 0

Còn nhiều trở ngại trong việc xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

Trong thời gian qua, chợ đầu mối nông sản được coi là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.

Tính đến ngày 3/12/2016, tổng số chợ trên cả nước là 8.513 chợ, chợ nông thôn chiếm 76%, chợ thành thị chiếm 24%; trong đó, có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%). Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối nhất là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (7 chợ), Đồng Tháp (6 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Hồ Chí Minh (3 chợ),... chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp. Các mặt hàng được bày bán trong chợ rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi. Hiện nay, mạng lưới chợ đầu mối nông sản tại Việt Nam đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt, như chợ đầu mối nông sản Bình Điền ở TP Hồ Chí Minh, chợ đầu mối Minh Khai ở tp Hà Nội, chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ hay chợ đầu mối Liên Nghĩa của tỉnh Lâm Đồng.

Hình 1. Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hoạt động lúc 2h sáng


Trong bối cảnh việc mua bán nông sản qua các kênh mua sắm hiện đại hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn đa phần mua bán ở các chợ dân sinh, nên có thể nói việc quản lý tại các chợ đầu mối cần thiết phải được siết chặt mới vừa tạo điều kiện cho sản phẩm an toàn có chỗ đứng vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong đó vấn đề cấp thiết và được quan tâm nhất hiện nay là việc xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn nhằm quản lý hàng hóa, chất lượng thực phẩm. Đó là một trong những giải pháp để kết nối các sản phẩm theo chuỗi giá trị vừa đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo được lợi ích cho người nông dân vừa đảm bảo được kết nối giữa cung và cầu. Tuy nhiên trên thực tế, việc tiêu thụ nông sản tại các chợ đầu mối vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Khảo sát tại một số chợ đầu mối cho thấy đa phần quy hoạch chắp vá, các ngành hàng thực phẩm bày bán lẫn lộn với nông sản nên chưa bảo đảm chất lượng.  Ngoài ra, việc xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn cũng đang đặt ra nhiều trở ngại và thách thức. Có thể chỉ ra một số hạn chế và trở ngại như sau:

- Thứ nhất, hoạt động buôn bán, tiêu thụ tại các chợ đầu mối vẫn bị thương lái chi phối về giá cả cũng như nguồn cung. Theo đó, hiện đang tồn tại 2 dạng tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản: Nông dân mang sản phẩm ra chợ bán với số lượng khoảng 5%, còn lại hơn 90% do thương lái thu mua tại ruộng rồi đưa về chợ bán buôn cho các tiểu thương. Do đó, thương lái là người quyết định giá cả và nguồn cung nông sản trên thị trường.

- Thứ hai, việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa bán ra tại chợ gần như bỏ ngỏ. Hầu hết các mặt hàng bán trong chợ đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm. Rau an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn. Chủ yếu là do các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ các trang trại, không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, việc sử dụng các đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, nhập khẩu bất hợp pháp hoặc quản ký kém, thiếu khả năng truy xuất và nhiễm chéo là những nguyên nhân quan trọng gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Thứ ba, các cơ quan ban ngành chưa phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.

- Thứ tư, hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối còn thiếu, nhất là cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hoá.

- Thứ năm, hiện các tỉnh, thành phố đều đã quan tâm tính liên kết phát triển hàng hóa giữa các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa giữa các chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản khi xây dựng chợ. Tuy nhiên, trên thực tế việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ  trong việc thu hút các dự án đầu tư vào phát triển các loại hình chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

- Thứ sáu, mô hình của các chợ đầu mối được nhận định sẽ hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn nếu có sự vào cuộc của đông đảo doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thu hút doanh nghiệp xây dựng, vận hành chợ đầu mối hiện còn khó khăn bởi các doanh nghiệp gặp không ít trở ngại khi tham gia đầu tư.

Ví dụ như Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tự Nhiên (Mộc Châu, Sơn La) được thành lập từ năm 2011 với diện tích sản xuất là 13,7 ha. Sau 7 năm thực hành sản xuất rau an toàn, các thành viên HTX đã thành thục trong các khâu sản xuất, tuân thủ đúng quy định về an toàn thực phẩm. HTX cung cấp cho thị trường trên 4.000 tấn rau trong 7 năm qua, song đáng chú ý thị trường của HTX chủ yếu là các siêu thị. Trong khi đó, phân khúc thị trường hiện nay, 70% vẫn là các cửa hàng bán lẻ và các chợ. Đây là thị trường tiềm năng, tiếp cận với người dân gần nhất nhưng HTX rau an toàn Tự Nhiên cũng như một số HTX khác không tiếp cận được.Nguyên nhân chính là do các chợ đầu mối là nơi tập trung nông sản, thủy hải sản của tất cả các vùng miền, việc giao thương được hình thành từ rất lâu nên thực tế khi các sản phẩm của HTX có tiếp cận thị trường này thì cũng khó cạnh tranh được với các thương lái. Bên cạnh đó, mặc dù người dân luôn mong muốn được sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn song tâm lý chung lại không muốn chi một khoản tài chính cho dòng sản phẩm này, luôn so sánh giá của sản phẩm an toàn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Như vậy, có thể thấy cho đến nay việc duy trì các chợ đầu mối vẫn rất cần thiết, nhưng cần phải có sự quản lý chặt chẽ và có sự phân biệt rõ ràng chất lượng sản phẩm, giải quyết triệt để vấn đề an toàn thực phẩm chợ đầu mối. Để làm được điều này, trong thời gian tới các cơ quan quản lý sẽ cần triển khai những vấn đề sau:

- Tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn;

- Đảm bảo cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản, giảm chi phí trung gian. 

- Để phát triển mô hình chợ đầu mối nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn của cư dân trên địa bàn để đầu tư phát triển chợ thì Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.

- Kiểm soát "đường đi" của nông sản, thực phẩm bằng cách liên kết chặt chẽ từ vùng sản xuất đến chợ đầu mối và hệ thống bán lẻ. Trong đó các chợ đầu mối trực tiếp kết nối và thu mua những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương cùng với doanh nghiệp.

- Kết nối tiêu thụ nông sản giữa HTX với các bếp ăn tập thể của các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ… hạn chế phụ thuộc vào thương lái thu mua và điều phối thị trường như hiện nay./.

(Nguồn: Thị trường sản phẩm nông nghiệp số 10, kỳ 2, tháng 9 năm 2017)

 

Phòng Kế hoạch, Tài chính Sở

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây