Hội nghị Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ năm - 16/11/2017 22:00 121 0

Hội nghị Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 30/9/2017 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với tập đoàn PAN tổ chức hội thảo "Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương, cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hạt điều.

 

Hội nghị nhằm đề xuất giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020.

Theo hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành Điều Việt Nam nhiều năm liền là nước chế biến, xuất khẩu đứng đầu thế giới. Năm 2016, ngành điều Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều nhân với kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Mức tăng trưởng sản lượng xuất khẩu đạt 12,2%. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân chế biến.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngành Điều Việt Nam đang phải đối mặt với một số hạn chế và thách thức lớn, cụ thể:

Về diện tích, theo ước tính của Cục trồng trọt, diện tích điều của Việt Nam liên tục giảm trong 8 năm từ năm 2007 (440.000ha) xuống còn 290.000ha năm 2015. Diện tích trồng mới cũng có xu hướng giảm, năm 2006 trồng mới 25,5 nghìn ha, năm 2008 còn 11,5 nghìn, trong khi đó năm 2016 trồng mới khoảng 5,6 nghìn ha. Ngoài ra, diện tích điều già cỗi cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn, diện tích điều trong vùng quy hoạch, già cỗi, mất khoảng, lẫn giống, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80 nghìn ha ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Về năng suất, hạt điều thô biến động liên tục phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Từ năm 2008 đến năm 2013, năng suất điều Việt Nam duy trì ở mức thấp dưới 10 tạ/ha, kể từ năm 2014 khi cây điều được quan tâm và chỉ đạo sát sao, trong đó là tập trung thâm canh đã đưa năng suất điều lên trên 12 tạ/ha, tuy nhiên do hạn hán năm 2016 và dịch bệnh năm 2017, năng suất điều giảm xuốt còn 7,55 tạ/ha.

Chưa đầu tư thâm canh phù hợp: Sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao. Diện tích điều tập trung chiếm 61,7 %, diện tích điều phân tán chiếm 38,3 %. Một số biện pháp kỹ thuật như bón lót phân hữu cơ mới có 15 % số hộ áp dụng, bón thúc phân vô cơ 56,4 %, phòng trừ sâu bệnh hại 24,2 %, tỉa cành, tạo tán 60 %, làm cỏ chống cháy 57,9 % số hộ áp dụng, dẫn đến năng suất điều chưa cao, không ổn định và chưa đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, cơ cấu giống điều chưa phù hợp: Công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức, từ năm 1999 đến nay mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất. Ngoài ra, người trồng điều còn chưa coi trọng biện pháp tưới nước tiên tiến và chưa áp dụng trồng xen để tăng hiệu quả sản xuất điều.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề: Những năm gần đây tình trạng hạn hán, mưa trái mùa ảnh hưởng rất lớn đến cây điều, cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất, làm cho nông dân nghèo thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, hai năm 2016 giảm 16,67% so với 2015 năm 2017 giảm 31,36% so với năm 2016.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước có 345 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, trong đó số doanh nghiệp kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm chiếm 73%, đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam. Việt Nam chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Việt Nam không còn tự chủ nguyên liệu chế biến: Sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được từ 20 đến 25% nguồn nguyên liệu chế biến. Trong khi đó, nguồn cung điều thô thế giới không tăng là một thách thức lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của Việt Nam cả về giá nguyên liệu nhập khẩu và khối lượng nguyên liệu đầu vào.

Bàn về giải pháp phát triển ngành điều bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Theo ông Lê Văn Liền, nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt, tái canh, song song với việc nâng cao chất lượng giống điều, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ về đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững tại Bình Phước. Tỷ lệ diện tích điều già cỗi (trên 20 năm) chiếm 30%; trong khi 80% được trồng từ hạt, không qua chọn lọc giống. Do đó, để phát triển vùng nguyên liệu điều chuyên canh trước hết cần phải tái canh. Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Tập đoàn PAN sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000 ha ở Bình Phước, Tập đoàn liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình. Sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị để ngành điều phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị cần có những phương án tái canh hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho người dân khi tái canh. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu về giống, quy trình chăm sóc, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Tập đoàn PAN và tỉnh Bình Phước hoàn thiện Đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững./.

(Nguồn: Thông tin Khoa học công nghệ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 10-2017)

 

Phòng KHTC- Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây