Thông báo của Giám đốc Sở tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 (TB 15)

Thứ bảy - 20/01/2018 23:00 211 0

Ngày 16/01/2018, Giám đốc Sở đã chủ trì Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, Ban, ngành tỉnh: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Hội nông dân tỉnh; Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát; Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Tây Ninh; Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa; Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng ngành Nông nghiệp và PTNT; Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen; Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh; Hội Doanh nghiệp Tây Ninh; Hội Doanh nghiệp trẻ; Lãnh đạo UBND các huyện (Châu Thành, Tân Châu, Bến Cầu, Gò Dầu); Đại diện: Đảng ủy Sở, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT; các Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty Cổ phần Công nghệ Phụng Sơn; Công ty TNHH MTV sản xuất TMDV  Huỳnh Phương; Hợp tác xã rau Long Mỹ; Mãng cầu VietGAP Huỳnh Biểu Chiêu); Thủ trưởng các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở; Lãnh đạo các phòng: Kinh tế thành phố Tây Ninh, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; Trưởng các trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông các huyện, thành phố và một số nông dân trang trại, tham gia mô hình điển hình các huyện, thành phố.

Sau khi thông qua báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 2017 và  nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2018 của ngành Nông nghiệp và PTNT; ý kiến phát biểu của đại diện các đơn vị; ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo; Giám đốc Sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh và kết luận Hội nghị triển khai Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2018 gồm một số nội dung chính như sau:

1. Trên cơ sở quyết định ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2018 của ngành Nông nghiệp và PTNT các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng, hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2018.

2. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Chiến và bổ sung vào Báo cáo, cụ thể:

Về kết quả: Đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp đặc biệt trong công tác chỉ đạo điều hành luôn bám sát những nhiệm vụ và chỉ đạo của UBND tỉnh; trong đó một số nhiệm vụ nổi bật mà ngành đã thực hiện tốt trong năm 2017: Chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất ban hành các chính sách góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp; Đề án cơ cấu lại nông nghiệp đã xác định hệ thống cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm quy mô diện tích các cây trồng truyền thống (lúa, mì, cao su) để phát triển mạnh cây trồng phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu (rau quả, cây ăn trái…), sản xuất theo hướng sản phẩm sạch (VietGap, GlobalGap, Organic), ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định góp phần tăng hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân và trong năm 2017, đã chuyển đổi gần 600 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả (như: cao su, mì, lúa) sang trồng các loại cây có múi, mãng cầu, chanh dây, chuối, dứa, ổi,…có hiệu quả kinh tế cao hơn; sự chuyển biến trong cơ cấu lại nông nghiệp bước đầu đã xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho tỉnh Tây Ninh, thời gian gần đây rất nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã quan tâm tìm hiểu và liên kết, đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân (Công ty Cổ phần Lavifood đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau quả, cây ăn trái; Công ty Hưng thịnh đầu tư mới nhà máy chế biến đường 2000 tấn mía/ngày, Công ty CP sản xuất chế biến sữa Vinamilk đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại chăn nuôi bò sữa tổng đàn đạt gần 5.000 convà một số công ty đang tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất nông nghiệp tại tỉnh),...

Bên cạnh những mặt tích cực nổi bật vừa đề cập ở trên, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn còn nổi lên những tồn tại: Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thật sự bền vững, chưa tạo sự đột phá tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. Giá trị sản xuất của ngành tuy tăng nhưng tốc độ tăng trưởng lại giảm so cùng kỳ; công tác tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh phát triển một số nông sản tiềm năng, giá trị gia tăng cao thực hiện còn chậm, mô hình chưa có sức lan tỏa, triển khai thực hành nông nghiệp tốt còn hạn chế; tình hình dịch bệnh nhất là bệnh khảm lá trên cây khoai mì đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng gây thiệt hại lớn đến người nông dân; các Chương trình mục tiêu quốc gia nhất là CTMTQG XDNTM chưa có nhiều chuyển biến tích cực, việc đánh giá thực trạng 19 tiêu chí của 80 xã còn chậm, một số xã đã đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí cũ) qua rà soát không giữ vững và không đạt kế hoạch đề ra; tình trạng vi phạm quy định về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn ở mức cao; những tồn tại hạn chế trồng cây nông nghiệp trong đất quy hoạch lâm nghiệp, khu vực 522, di dời dân trên đất lâm nghiệp xử lý còn chậm; chất lượng vật tư nông nghiệp; ATTP qua kiểm tra, giám sát cho thấy mức độ vi phạm vẫn chưa có những chuyển biến thật sự tích cực, ...

Nhằm khắc phục những mặt hạn chế nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà UBND giao năm 2018: Về cơ bản thống nhất Báo cáo. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà UBND giao năm 2018, ngành Nông nghiệp và PTNT cần quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả 05 nội dung sau:

- Tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó các cây trồng chủ lực, tiềm năng theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm; hình thành các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các vùng quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước thí điểm mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả 04 đề án phát triển nông nghiệp; các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất...Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi diện tích trồng kém hiệu quả sang trồng cây trồng có hiệu quả hơn. Triển khai nhân rộng một số mô hình điển hình, hiệu quả trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật. Tăng cường công tác dự tính, dự báo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chủ động phòng chống dịch bệnh, giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

- Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; thực hiện nghiêm, đảm bảo thời gian theo kế hoạch theo các chủ trương, xử lý những tồn tại trên đất lâm nghiệp được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tập trung chỉ đạo và chủ động thực hiện có hiệu quả về công tác PCCCR vào mùa khô; công tác quản lý bảo vệ rừng và công tác lâm sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thực hiện tốt vai trò Văn phòng thường trực Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; tham mưu Ban Chỉ đạo nhằm kịp thời chỉ đạo các địa phương đưa các xã đã đạt và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu mới và nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được; phấn đấu cuối năm 2018 có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Chủ trì, phối hợp các địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, thu hút, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân thụ hưởng các chính sách đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo được những mô hình sản xuất nông nghiệp  hiệu quả có sức lan tỏa từ đó giúp nông dân từng bước chuyển đổi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ truyền thống sang các mô hình sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn.

3. Riêng về một số ý kiến, kiến nghị các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan đến định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp và một số nội dung khác liên quan đã được Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở giải đáp cơ bản, nếu cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần thông tin liên quan đến định hướng phát triển nông nghiệp cũng như cần làm rõ thêm nội dung ý kiến, kiến nghị thì có thể trao đổi trực tiếp phòng, cơ quan, đơn vị liên quan hoặc có văn bản gửi Sở được xem xét, giải quyết theo quy định, thẩm quyền.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây