Một số thông tin xuất khẩu Rau-quả, cây ăn quả năm 2016-2017

Thứ năm - 02/11/2017 00:00 211 0

Một số thông tin xuất khẩu Rau-quả, cây ăn quả năm 2016-2017

1. Tình hình xuất khẩu rau quả việt nam vào EU và các thị trường còn lại

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,46 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015. Đây là ngành hàng có tăng trưởng nổi bật nhất trong nhóm nông sản và liên tục tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây (cụ thể, năm 2014 tăng 28,4%, năm 2015 tăng 23,7%). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao 45,8% đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD; tiếp theo là Hoa Kỳ tăng 44,2% đạt 84,5 triệu USD, EU tăng 22,1% đạt 93,2 triệu USD; Hàn Quốc tăng 23,4% đạt 82,6 triệu USD; ASEAN tăng 14,3% đạt 133,7 triệu USD...

Trong 9 tháng đầu năm 2017, mặt hàng rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (1,831 tỷ USD).

Thị trường châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu xuất khẩu rau củ quả tươi của Việt Nam chiếm gần 86% (trong đó Trung Quốc chiếm gần 71%), tiếp theo là khu vực EU (3,8%) và thị trường các khu vực khác.

Hiện rau củ quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ và EU là một trong những thị trường còn tiềm năng lớn với các mặt hàng: Sản phẩm chế biến: chanh dây, dứa; Trái cây tươi: chanh dây, xoài, dứa, mít, nhãn,...; Rau củ tươi: rau gia vị, bắp tươi, khoai môn, nấm rơm,…) với sản lượng đạt 680.000 tấn.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tươi Việt Nam đang có tín hiệu tốt ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với 20 doanh nghiệp được xếp vào các doanh nghiệp đạt kim ngạch lớn nhất trong 09 tháng đầu năm 2017; tuy nhiên nguy cơ doanh nghiệp vướng phải các rào cản phòng vệ thương mại, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.  

 

Phụ lục. 20 doanh nghiệp xuất khẩu rau hoa quả sang khu vực EU

đạt kinh ngạch lớn nhất

 

2. Đánh giá rau quả vào EU về mặt dịch hại kiểm dịch thực vật và VSATTP

Các mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam đều có nguy cơ cao về dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, các loại rau gia vị của Việt Nam xuất vào EU có nguy cơ cao nhất; cụ thể, có 5 loại rau quả có nguy cơ cao nhiễm các loại dịch hại theo quy định thuộc danh mục cấm của EU là húng quế, cần tây, ngò gai, ớt và khổ qua. Theo quy định của EU, các loại dịch hại cần được loại bỏ trên sản phẩm trước khi xuất khẩu là ruồi đục lá, bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục quả và vi khuẩn… Tuy nhiên, đây lại là các dịch hại rất phổ biến ở Việt Nam trên các loại rau gia vị.

Riêng sản phẩm rau quả chế biến (khô, đông lạnh, đóng hộp…) có nguy cơ thấp hơn. Do vậy, tỷ trọng xuất khẩu của các mặt hàng rau quả chế biến cũng rất cao.

Khi vào thị trường EU, các loại rau quả của Việt Nam trước hết phải đảm bảo điều kiện cần xuất đi theo quy định phải trồng trong nhà lưới, có mã số, kiểm tra tại gốc, kiểm tra KDTV, cấp giấy chứng nhận KDTV, khuyến cáo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP,...Còn về điều kiện đủ để có thể nhập khẩu vào thị trường EU hay ASIA cũng có quy định khác nhau; điển hình như tại Mỹ, Úc, New Zealand, Chile cần phải có mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, mã số nhà xử lý chiếu xạ; riêng tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc cần phải có mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, mã số nhà xử lý hơi nước nóng. Nhưng điểm chung đối với các nước nhập khẩu đều phải được kiểm tra tại cửa khẩu nhập và kiểm tra tại quầy siêu thị.

Trong thời gian qua, theo thống kê đánh giá các mặt hàng chanh dây, thanh long, xoài, dừa, nhóm rau gia vị của Việt Nam vào thị trường EU tương đối an toàn về mặt dịch hại KDTV và VSATTP; riêng các loại quả, nhóm rau còn lại chỉ có một số ít trường hợp bị vướng dịch hại quy định và dư lượng thuốc vượt ngưỡng.

3. Giải pháp thời gian tới

EU là một thị trường khó tính và để đạt chuẩn về ATVSTP khi xuất khẩu vào EU, việc không đáp ứng được yêu cầu ATTP có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu và đối mặt với các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn; đặc biệt khi Việt Nam và EU triển khai thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Đây sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu rau hoa quả tươi hay chế biến nói riêng và xuất khẩu nông sản thực phẩm nói chung của Việt Nam vào EU.

Qua đó để duy trì ổn định và mở rộng hơn việc xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam vào thị trường EU, cần tính đến những giải pháp hiệu quả lâu dài:

- Cần có sự chuẩn bị kỹ càng nguồn nguyên liệu và tuân thủ các quy trình kiểm soát chất lượng khắt khe giống như khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

- Đối với nhóm rau gia vị: Duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói. Tăng cường cải tiến thêm quy trình nhà lưới và quy định canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn.  

- Đối với nhóm rau củ còn lại và quả tươi: Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà xuất khẩu và người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn VSATTP của EU. Trong đó, nên triển khai hệ thống truy xuất nguyên nguồn gốc nguyên liệu xuất khẩu, vùng sản xuất phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng đối với quả tươi áp dụng thao tác bọc trái tại vùng mã số theo cách thực và kinh nghiệm đã làm trong chương trình tiền chứng nhận trái cây tươi xuất đi Mỹ.

- Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả chế biến: Tăng cường quảng bá và  phong phú mặt hàng hơn.

- Nhà sơ chế, đóng gói nên xây dựng bên trong khu vực nhà lưới nhằm hạn chế di chuyển sản phẩm đi xa, hạn chế và tránh tái nhiễm dịch hại.

- Các nhà cung cấp của Việt Nam cần lưu ý đến các thông tin cho thị trường này, trong đó đặc biệt lưu ý việc cung cấp thông tin về vùng sản xuất, bản đồ quy hoạch và thông tin về phương pháp trồng trọt, ngày thu hoạch, đóng gói...

- Quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu cũng như có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Có chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản.

- Nâng cao năng lực kiểm tra tại cửa khẩu để đảm bảo chất lượng các lô hàng khi xuất khẩu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên./.

 

(Nguồn: Hiệp hội rau- quả Việt Nam) 

Phòng Kế  hoạch, Tài chính

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây