Trong nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, với hàng loạt sản phẩm nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, cao su, chè… Cùng với tiềm năng phát triển và chủ trương khuyến khích của các cơ quan quản lý đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày càng nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc đầu tư tại Bạc Liêu… và bước đầu đã khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn rất khiêm tốn, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%. Vì vậy vấn đề tạo sức hút cho đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và cần phải có những chính sách đột phá và thực tiễn hơn nữa.
Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đem lại hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có thể liệt kê một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, chủ trương tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai khi triển khai còn lúng túng, nhiều vấn đề chưa rõ và chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Theo đó, những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thành công chủ yếu là những doanh nghiệp hợp tác, khai thác sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh.
Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số cách làm trong việc tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp đầu tư như: doanh nghiệp chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với từng hộ nông dân; chính quyền địa phương đứng ra thay mặt các hộ nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp; người dân góp cổ phần vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất hay hình thức hợp đồng 3 bên (doanh nghiệp, chính quyền địa phương - người dân).
Mỗi hình thức nêu trên đều có những ưu điểm, hạn chế và những vấn đề tiềm ẩn, khó khăn khi có sự xung đột quyền lợi trong thực hiện hợp đồng. Nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đến từ cả hai phía (cả người dân và doanh nghiệp) luôn hiện hữu, trong khi chế tài theo pháp luật về hợp đồng kinh tế lại chưa thể xử lý triệt để, thỏa đáng để người dân có thể yên tâm nhường quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng yên tâm khi đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ hai, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức hỗ trợ nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi đó, ở một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức hỗ lên tới 55% - 60%.
Thứ ba, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư, một mặtdo lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng, mặt khác do thiếu tài sản thế chấp. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cho vay tín chấp, song tỷ lệ này mới chiếm khoảng 20%, còn lại vẫn buộc phải yêu cầu tài sản thế chấp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2017, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Nợ xấu trong lĩnh vực này chỉ chiếm 1,68%. Trong tổng dư nợ dành cho nông nghiệp, riêng Agribank đã chiếm khoảng 50%, hơn 30 ngân hàng còn lại chỉ cho vay khoảng 500.000 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp ở nước ta còn thấp, trong khi dân số, lực lượng lao động, nhu cầu, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực này rất lớn.
Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam (VARHS), chỉ có gần 37% vay được tín dụng từ các ngân hàng, còn hơn 63% vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức, thậm chí là tín dụng đen.
Kết quả khảo sát gần đây của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, 70,1% doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, trong đó 49,4% rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng. Ngoài ra, thời hạn, hạn mức cho vay chưa phù hợp với nhiều đối tượng, thủ tục tiếp cận tín dụng còn nhiều phức tạp, đặc biệt là lãi suất còn cao.
Thứ tư, thị trường nông nghiệp không ổn định. Hiện nay, đại đa số hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa chưa dám dầu tư lớn vào nông nghiệp do chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Số liệu thống kê cho thấy, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu Việt Nam hiện mới có khoảng 21%, trong khi Thái Lan là 36%, Malaysia là 45%. Vì vậy, những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý sợ hãi không dám đầu tư. Mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chưa đủ ràng buộc trách nhiệm.
Thứ năm, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Mức độ rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là rất lớn, việc không có cơ chế bảo hiểm, ngân hàng sẽ khó có thể thể mạo hiểm cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư…
Việc triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả
Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh và bổ sung thêm các điểm mới tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP trong việc khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, song kết quả đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đạt hiệu quả. Cụ thể, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sau gần 4 năm triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tính đến cuối năm 2016 chỉ có hơn 4.400 doanh nghiệp, chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước và chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Thậm chí, có gần 50% doanh nghiệp có quy mô dưới 10 lao động. Trong khi đó, khả năng áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng những công nghệ máy móc thiết bị đã hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ.
Đáng chú ý, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định 210 mới chỉ thu hút được 64 dự án tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, Nghị định quy định Nhà nước hỗ trợ vốn, nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trị cho 64 dự án này sau mỗi năm lại "bị" bớt đi một nửa. Cụ thể, nếu như năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng thì năm 2016 chỉ còn lại 78 tỷ đồng và năm 2017 chỉ còn lại 31 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ đồng mà Nhà nước cam kết.
Nguyên nhân chính khiến Nghị định 210 chưa thực sự hiệu quả là do Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/2/2014, nhưng cuối năm 2015 ngân sách Nhà nước mới bố trí vốn hỗ trợ cho các dự án đủ điều kiện do địa phương thẩm định và đề xuất. Trong đó, Nghị định đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhiều điều kiện thụ hưởng chính sách chưa phù hợp với thực tế, nhiều tiêu chí có định mức quá cao khiến doanh nghiệp không tiếp cận được như về quy mô, công suất, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương. Do vậy, đến nay có rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được những hỗ trợ cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đối tượng, điều kiện được thụ hưởng chính sách hạn hẹp, khắt khe; thủ tục hành chính quá rườm rà. Hiện, mới chỉ có khoảng gần 300 tỷ đồng ngân sách từ Trung ương cam kết giải ngân theo nghị định, còn ngân sách địa phương thì rất thấp do không có nguồn vốn để bố trí dù dự án đã được phê duyệt.
Trước những vấn đề còn tồn tại như trên, việc soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 210 đang được Bộ NN&PTNT gấp rút triển khai. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề: Mở rộng diện doanh nghiệp, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Song nhiều ý kiến cho rằng, tích tụ ruộng đất đang là hạn chế lớn nhất trong đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, các giải pháp cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự thảo vẫn còn những bất cập so với pháp luật hiện hành nên không dễ thực hiện.
Hình. Hội thảo lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các doanh nghiệp về những vướng mắc trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn
(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 lần này được kỳ vọng rằng, vấn đề "nút thắt" trong tích tụ ruộng đất và tín dụng sẽ được tháo gỡ, khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông ngư nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao./.
(Nguồn: Thị trường sản phẩm nông nghiệp số 09, kỳ 1, tháng 9 năm 2017)
Phòng Kế hoạch, Tài chính Sở
Ý kiến bạn đọc