Nội dung chương trình tọa đàm:
Vào lúc 15 giờ 15 phút, ngày 30/10/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Công ty Cổ phần đầu tư Hợp Trí tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình tọa đàm "Chuyện Nhà Nông" với chủ đề "Chăm sóc cây ăn trái mùa mưa", tham gia buổi tọa đàm có 02 diễn giả gồm Thạc sĩ Kiều Quốc Hưng – Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh và Kỹ sư Phan Quốc Hùng – Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Hợp Trí.
Chương trình được tổ chức trên cơ sở: (1) thực hiện Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thực hiện Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, trong đó có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, nổi bật là nhóm cây ăn trái như mãng cầu ta, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, … được nhiều nông dân mạnh dạn lựa chọn sản xuất do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, từ 80 triệu đồng/năm – đến 160 triệu đồng/năm tùy theo mỗi loại cây ăn trái. Do đó, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện nay vào khoảng 23.800 ha với một số loại cây ăn trái có diện tích canh tác khá lớn như: cây mãng cầu ta khoảng 5.400 ha, cây sầu riêng khoảng 2.000 ha, cây bưởi khoảng 1.400 ha. (2) nhằm tư vấn, hướng dẫn kịp thời biện pháp quản lý một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại phổ biến trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, như: ruồi đục trái, bọ vòi voi, bọ xít muỗi, bệnh thối rễ, bệnh thán thư/mãng cầu ta; bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra với những triệu chứng nứt thân, thối rễ, chảy nhựa hoặc bệnh cháy lá chết ngọn/cây sầu riêng; bệnh vàng lá thối rễ, loét, ghẻ, thán thư/cây bưởi.
Trong thời gian phát sóng, Chương trình đã được bà con nông dân quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi trao đổi với các Diễn giả về một số nội dung: cách sử dụng phân bón đạt hiệu quả trong giai đoạn cây ra hoa – cho trái; kỹ thuật chăm sóc vườn cây luôn đạt năng suất theo yêu cầu; kỹ thuật sử dụng các loại nông dược an toàn, hiệu quả trong quản lý cây có triệu chứng vàng lá, rụng bông, rụng trái; biện pháp quản lý một số đối tượng sâu bệnh như: ruồi đục trái, nhóm bệnh da ếch, nắng trái, khô cành/cây mãng cầu ta; sâu đục thân, bệnh nứt thân xì mủ/cây sầu riêng; sâu đục trái, hiện tượng nám trái một bên và rụng trái/cây bưởi; …, một số yêu cầu trong việc đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Bà Đen" cho sản phẩm quả mãng cầu ta tại Tây Ninh; thông tin về những chính sách hỗ trợ của tỉnh đến doanh nghiệp, hộ sản xuất trong cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thông qua Chương trình tọa đàm, ngành Nông nghiệp đã phần nào giải đáp, tư vấn kịp thời đến nông dân một số biện pháp canh tác, chăm sóc, quản lý các đối tượng gây hại phổ biến trên cây mãng cầu ta, cây sầu riêng và cây bưởi và một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Toàn bộ nội dung buổi tọa đàm tham khảo tại trang web Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh (TTV11), chuyên mục "Khoa học Kỹ thuật".
Dự kiến trong năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh và một số doanh nghiệp, tổ chức, các nhân có liên quan thực hiện chương trình tọa đàm trực tiếp nhằm cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời những nội dung đang được nông dân quan tâm.
Chi cục Trồng trọt và BVTV
Ý kiến bạn đọc