Tây Ninh xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì

Thứ hai - 15/11/2021 23:00 316 0
Bệnh khảm lá trên cây khoai mì là đối tượng dịch hại mới tại Việt Nam và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của dịch hại này vào tháng 5/2017. Nhằm xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả bệnh khảm lá cây khoai mì tại Tây Ninh, được sự phê duyệt của UBND tỉnh, đề tài nghiên cứu "Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại Tây Ninh" đã được triển khai thực hiện song song với nhóm nghiên cứu giống khoai mì sạch bệnh. Qua 02 năm thực hiện, Đề tài đã được báo cáo tại Hội thảo Khoa học cấp tỉnh vào ngày 28/4/2021.

Bệnh khảm lá trên cây khoai mì là đối tượng dịch hại mới tại Việt Nam và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của dịch hại này vào tháng 5/2017. Ngay khi xuất hiện, bệnh khảm lá đã lây lan nhanh chóng và gây hại hầu hết các giống khoai mì đang được trồng tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến năng suất và làm giảm lượng củ. Ngành nông nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ, tuy nhiên hiệu quả không cao, không bền vững, chỉ có thể giúp kéo giảm mức độ nhiễm bệnh phổ biến ở mức nhiễm nhẹ - trung bình. Qua đó cho thấy, cần phải có bộ giống khoai mì kháng bệnh khảm lá để đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà, giữ vững vùng nguyên liệu khoai mì trên địa bàn tỉnh.

Nhằm xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả bệnh khảm lá cây khoai mì tại Tây Ninh, được sự phê duyệt của UBND tỉnh, đề tài nghiên cứu "Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại Tây Ninh" đã được triển khai thực hiện song song với nhóm nghiên cứu giống khoai mì sạch bệnh. Qua 02 năm thực hiện, Đề tài đã được báo cáo tại Hội thảo Khoa học cấp tỉnh vào ngày 28/4/2021.

Nhóm tác giả thực hiện Đề tài có: Kỹ sư Nguyễn Văn Hồng, Phó Chi cục Trưởng – Phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh làm Chủ nhiệm đề tài; Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Phó Bộ môn Bảo vệ thực thực vật, Viện Bảo vệ thực vật; Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các cộng sự. 


Hình: Hội thảo Khoa học cấp tỉnh Đề tài "Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại Tây Ninh"

Nguồn: chương trình Nông nghiệp Tây Ninh trên kênh TTV11

Đề tài được phê duyệt với mục tiêu: xác định đầy đủ tác nhân gây bệnh; xác định phương thức lan truyền bệnh, loài bọ phấn trắng/côn trùng truyền bệnh; xác định nhân tố tăng cường sức đề kháng của cây khoai mì đối với tác nhân gây bệnh và bọ phấn trắng truyền bệnh; xác định biện pháp hóa học, biện pháp sinh học phòng trừ hiệu quả bọ phấn trắng; xác định biện pháp tăng cường sức đề kháng của cây khoai mì đối với bệnh; xây dựng quy trình quản lý tổng hợp bệnh hiệu quả và bền vững.

Kết quả nghiên cứu chủ yếu của Đề tài:

- Tác nhân gây bệnh khảm lá là Sri. Lankan Cassava Mosaic Virus (SLCMV), tồn tại và lan truyền qua hom giống đã nhiễm bệnh;

- Cây khoai mì trên cùng một ruộng nhiễm bệnh dù không biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao chứa virus và không nên sử dụng làm giống;

- Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) là môi giới truyền bệnh khảm lá khoai mì với tốc độ lây lan tỷ lệ thuận với mật độ bọ, đã xác định được có 30 loài cây trồng là ký chủ phụ của bọ phấn trắng; bọ phấn trắng có vòng đời từ 17 – 22 ngày, một trưởng thành cái của bọ phấn trắng có thể đẻ 64 trứng;

- Về so sánh năng suất củ tươi giữa trồng bằng hom khỏe và hom nhiễm bệnh của 04 giống KM 140, HL-S11, KM 94 và KM 419 cho thấy năng suất củ tươi giảm dần theo thứ tự KM 140 (23 – 46%) > HL-S11 (25 – 26%) > KM 94 (19 – 23%) > KM 419 (16 – 21%);

- Giống KM 94 có năng kháng bệnh tốt nhất;

- Chế phẩm sinh học TP-Thần tốc 16.000 IU và Biobauve 5DP có hiệu lực phòng trừ bọ phấn đạt cao nhất (62 – 64%), khuyến cáo phòng trừ khi mật độ bọ phấn thấp; thuốc hóa học Ascend 20SP, Monvento 150 OD và Chess 50WG có hiệu lực phòng trừ bọ phấn cao (>84%);

- Mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá là: áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ, bệnh có xuất hiện ở ruộng mô hình nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh và cấp bệnh thấp hốn với ruộng đối chứng; hiệu quả phòng trừ bệnh đạt từ 69,2 – 82,8% so với ruộng đối chứng ở giai đoạn cây mì 04 tháng tuổi và đạt từ 14,4 – 20% ở giai đoạn cuối vụ. Ngoài ra, mặc dù ruộng mô hình có chi phí đầu tư cao hơn so với ruộng đối chứng nhưng hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với ruộng đối chứng từ 6,18 – 10,97 triệu đồng/ha/vụ.

Sau khi hoàn thành Đề tài, nhóm tác giả cũng đã đề nghị: tiếp tục nghiên cứu bệnh khảm lá khoai mì. Việc nghiên cứu xác định môi giới truyền bệnh và tác nhân gây bệnh khảm lá cây khoai mì là rất cần thiết và có tính thời sự, từ đó có thể là cơ sở để đề xuất các giải pháp tổng hợp phòng chống bệnh hiệu quả và an toàn.

Riêng với việc nghiên cứu tìm giống mới kháng bệnh, do áp dụng kỹ thuật nhân giống khoai mì cấy mô, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp đã rút ngắn thời gian 01 năm để đánh giá các giống khoai mì trong nước và nhập nội. Sau 03 năm khảo nghiệm tại Tây Ninh, nhóm nghiên cứu đã tìm được một số giống khoai mì có khả năng kháng bệnh khảm lá tốt, năng suất và hàm lượng tinh bột ở mức khá. Trong đó, có 02 giống HN3, HN5 được đánh giá là giống có nhiều triển vọng đang trồng thuần trong vụ Hè thu 2021 để theo dõi khả năng kháng bệnh và sự ổn định về năng suất, hàm lượng tinh bột.

Chi tiết tại chuyên mục "Tây Ninh xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá mì"– chương trình Nông nghiệp Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, được truy cập tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=ob-nzmyyukM


Hình: "Tây Ninh xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá mì"

Nguồn: chương trình Nông nghiệp Tây Ninh trên kênh TTV11


Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây