Hiện nay, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất đang là xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng như cả nước.
Ứng dụng các công nghệ vào sản xuất có thể giảm đi ⅓ thời gian làm việc tại vườn, cắt giảm được nhiều nhân công mà chất lượng nông sản vẫn đạt chuẩn so với sản xuất theo cách truyền thống. Trong đó, tưới nhỏ giọt là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp giúp nâng cao năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả trong sản xuất nên được nông dân trong tỉnh ứng dụng, góp phần thay đổi cách thức sản xuất trong nông nghiệp. Tưới nhỏ giọt có nhiều cách thức áp dụng như: Tưới quấn quanh gốc đối với cây ăn quả, tưới trên giá thể cho dưa lưới, rau…
Nếu như tưới nước theo cách truyền thống làm lãng phí nước, gây xói mòn đất thì công nghệ tưới nhỏ giọt là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Phương pháp tưới này cũng cho phép thực hiện ở rất nhiều địa hình, phù hợp với mọi loại cây trồng, do nó ít phụ thuộc vào các yếu tố địa hình, thành phần đất.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 52.565 ha cây trồng tưới tiết kiệm (bao gồm tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương), trong đó có 56,32 ha áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... đều có thể áp dụng được nhờ hệ thống ống dẫn thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn so với cách tưới truyền thống giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất,... nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Tuy lợi ích của hệ thống tưới này rất nhiều, nhưng hình thức tưới nào cũng có nhược điểm của nó. Nhược điểm của tưới nhỏ giọt là chi phí đầu tư cao; dễ bị tắc ngẽn do rong rêu, bùn, chất cặn trong dinh dưỡng hay nguồn nước, do đó nguồn dung dịch đi qua ống tưới cần có bộ lọc trước khi đến cây trồng; người đầu tư phải am hiểu về kỹ thuật tưới nhỏ giọt mới vận hành được.
Việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng để trồng và chăm sóc dưa lưới. Điển hình như Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp Chà Là, diện tích sản xuất dưa lưới của Hợp tác xã là 1,2 ha.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nguồn tài nguyên nước mà còn giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị./.
Chi cục Trồng trọt và BVTV
Ý kiến bạn đọc