Vùng biên giới xã Ninh Điền: Đang hình thành “cánh đồng mẫu lớn”

Thứ hai - 06/01/2014 21:30 621 0

 (BTN) - Vào những ngày cuối năm 2013, chúng tôi có dịp trở lại thăm nông trường mía của Công ty TNHH Hưng Thịnh tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Cả cánh đồng mía bao la, bát ngát đang vào mùa thu hoạch, những xe tải chất đầy mía đang tất bật chuyển mía về nhà máy. Ông Nguyễn Quang Hợp - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh vui vẻ cho biết: Nhìn vậy, chứ cách đây hơn hai năm, cánh đồng trồng mía này còn hoang sơ lắm, cỏ cây mọc um tùm, năng suất mía rất thấp.

Cuối năm 2011, Công ty TNHH Hưng Thịnh nhận chuyển nhượng dự án trồng mía của Công ty NIVL (một doanh nghiệp Ấn Độ) tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành với diện tích 1.519 ha. Sau khi tiếp nhận, Công ty Hưng Thịnh đã đầu tư mua sắm thêm máy cày xới, máy kéo, máy trồng, máy xịt thuốc, máy bón phân… để cơ giới hoá sản xuất cây mía. Ngoài ra, một số máy móc khác cũng được đầu tư trồng bắp, đậu nành để  luân canh, tạo điều kiện cho cây mía phát triển tốt.

Mới đây, Công ty nhập về từ Mỹ 2 máy thu hoạch liên hợp mía John Deere. Trước tiên là máy Moel 3520, nhập từ tháng 6.2013 với giá 420.000 USD (gần 9 tỷ đồng). Đây là loại máy lớn, phù hợp cho thu hoạch ở những cánh đồng lớn, nông trường. Vào giữa tháng 12.2013, Công ty tiếp tục nhập về chiếc máy CH330 với giá khoảng 350.000 USD, loại máy này phù hợp cho thu hoạch mía ở những cánh đồng nhỏ và vừa.

Ông Hợp cho biết: “Đây là nơi đầu tiên ở Tây Ninh nhập máy này về để thu hoạch mía. Hiện cả tỉnh chỉ có bốn chiếc, trong đó ngoài Công ty này, Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh có một chiếc và Công ty CP Bourbon Tây Ninh có một chiếc. Trong điều kiện thuận lợi, năng suất của máy có thể thu hoạch 1 ha/giờ- bằng khoảng hơn 800 lao động thủ công.

Trước đây, vào mùa thu hoạch, có ngày Công ty phải thuê đến cả ngàn lao động. Đến thời vụ, lao động tìm rất khó khăn, từ khi có hai chiếc máy thu hoạch mía, Công ty nhẹ lo hơn. Đồng thời, sử dụng máy sẽ thu hoạch nhanh, đảm bảo kịp thời vụ. Ngoài ra, những máy thu hoạch chặt sát gốc mía, vừa làm tăng thêm sản lượng mía từ 3-4 tấn/ha so với chặt thủ công, vừa tăng chữ đường vì phần gốc mía có chữ đường khá nhất. Bên cạnh đó, khi thu hoạch, máy này cắt mía thành khúc chuyển lên xe, làm sạch mía ngay khi thu hoạch. Ngọn và lá mía được băm thành khúc rải đều trên mặt đất, đây sẽ là một lượng phân hữu cơ rất lớn bón cho cây mía vụ sau”.

Chỉ trong vòng hai năm, Công ty Hưng Thịnh đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng cho việc cơ giới hoá các khâu canh tác và thu hoạch mía. Đây là một trang trại trồng mía điển hình trong việc công nghiệp hoá nông nghiệp theo quy chuẩn “cánh đồng mẫu lớn”.

Ông Hợp cho biết, sở dĩ ông mạnh dạn đầu tư cơ giới hoá là vì đã nhiều lần đến tham quan nước có nền nông nghiệp phát triển như ở Úc và tận mắt chứng kiến hiệu quả của việc cơ giới hoá trong sản xuất cây mía. Tại sao mình không cơ giới hoá như họ? Hiện nay ở đây chỉ còn một vài khâu phải làm thủ công, hầu hết các khâu còn lại cơ bản đã được cơ giới hoá. Công ty đang nghiên cứu mua sắm thêm thiết bị để cơ giới hoá đồng bộ tất cả các khâu canh tác mía.

Tuy nhiên, việc cơ giới hoá phải đi đôi với việc cải tạo đồng ruộng, xây dựng hạ tầng mới có thể đạt hiệu quả tối đa. Do đó, bên cạnh việc đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất, thời gian qua Công ty Hưng Thịnh còn đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường; hệ thống kênh mương, đê bao, cải tạo đất, biến vùng đất biên giới này thành một nông trường mía hiện đại.

Từ việc mạnh dạn đầu tư của Công ty Hưng Thịnh, màu xanh cây mía đã trở lại với vùng đất biên giới xã Ninh Điền. Trước đây, cũng diện tích này, sản lượng mía mỗi vụ chỉ đạt khoảng 30.000 tấn mà thôi. Năm 2012, khi Công ty Hưng Thịnh chuyển giao, sản lượng mía được nâng lên 86.000 tấn, với năng suất 65 tấn/ha. Năm 2013, vụ thu hoạch đang triển khai nhưng với trà mía hiện tại dự kiến năng suất là 75 tấn/ha và sản lượng mía có thể đạt đến 100.000 tấn. Hiện nay, Công ty Hưng Thịnh đang tập trung vào khâu thuỷ lợi phục vụ cây mía. Bởi nếu cây mía được tưới trong mùa khô, tiêu trong mùa mưa thì cả năng suất và chữ đường đều tăng cao. Lúc đó, năng suất mía có thể đạt bình quân đến 100 tấn/ha với chữ đường sẽ không dưới 10 CCS.

Trong dịp khảo sát gần đây ở khu vực dự án trồng mía của Công ty TNHH Hưng Thịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đánh giá cao sự mạnh dạn đầu tư của Công ty. Trong tình hình diện tích mía ngày càng giảm, nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến, UBND tỉnh đang có nhiều chính sách khuyến khích người trồng mía... thì việc đẩy mạnh cơ giới hoá các khâu sản xuất, phát triển cây mía theo hướng thâm canh để tăng năng suất, chất lượng là hết sức cần thiết. Chủ tịch UBND tỉnh khuyến khích Công ty tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các khâu cơ giới hoá để phát triển khu vực biên giới này thành vùng chuyên canh mía kiểu mẫu. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Quốc Thới cũng cho rằng đây là mô hình trồng mía có tỷ lệ cơ giới hoá cao nhất tỉnh hiện nay.

HUY LIỆU

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây