Biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, chết ngọn trên cây sầu riêng
và kinh nghiệm quản lý bệnh của nông dân huyện Tân Biên
Sầu riêng là một trong những cây ăn quả mới phát triển trên địa bàn huyện Tân Biên trong những năm gần đây. Đây là loại cây trồng được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng mở rộng phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác sản xuất cây sầu riêng nên gặp không ít khó khăn trong quá trình canh tác và quản lý sâu, bệnh hại.
Bệnh cháy lá, chết ngọn là một bệnh phổ biến có thể gây hại nghiêm trọng trong tất cả các giai đoạn của cây. Bệnh có thể tấn công trên thân non làm khô chết phần ngọn phía trên. Ở cây lớn bệnh thường xảy ra trong mùa mưa và ở những cành có nhiều lá.
Tác nhân của bệnh cháy lá, chết ngọn là do nấm Rhizoctonia sp. gây ra. Điều kiện ẩm ướt có thể thấy sợi nấm và hạch nấm mọc trên bề mặt vết bệnh và lan nhanh sang các lá bên cạnh.
Triệu chứng của bệnh:
- Trên lá: vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo 02 mép lá làm lá không phát triển, co dúm và cuối cùng lá khô và rụng. Trên cành non, các lá bệnh có thể dính lại với nhau do các tơ nấm phát triển làm kết dính chúng lại, sau đó cũng khô dần và chết.
- Trên cây con: cây nhiễm bệnh thường làm ngọn bị cháy và rụng, sau đó làm khô ngọn và chết cả cây.
- Trên cây trưởng thành: cây nhiễm bệnh làm lá non bị khô và rụng, chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Hình: Vườn sầu riêng có triệu chứng bệnh cháy lá, chết ngọn
Biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, chết ngọn: Bà con cần áp dụng đồng bộ tất cả các biện pháp quản lý dịch hại trên đồng ruộng như biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học.
- Chọn loại đất phù hợp với cây sầu riêng có pH đất thích hợp từ 5.5-6.5, tầng canh tác sâu, không quá nhiều sét, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng, và đảm bảo nguồn nước tưới đủ cho cây trong mùa nắng.
- Lựa chọn nơi mua cây giống đảm bảo uy tín và chất lượng; chọn cây giống khỏe, không nhiễm mầm bệnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và sử dụng cây giống khỏe, sạch sâu bệnh.
- Thiết kế lô, liếp trồng:
+ Đối với vùng đất thấp: nên đào mương lên liếp để tăng độ dày tầng canh tác, chứa nước để tưới cây, thoát nước và cung cấp nước cho vườn khi cần thiết.
+ Đối với vùng đất cao: lên mô thấp, đường kính mô từ 70-80 cm, cao 30-40 cm.
- Thường xuyên vệ sinh vườn, dọn sạch tàn dư bệnh hại, dọn sạch cỏ dại quanh vườn và đem tiêu hủy.
- Không trồng quá dày, cắt tỉa cành vô hiệu, các cành của cây con gần mặt đất đầu mùa mưa để cây có đủ ánh sáng và thông thoáng, nhằm tăng cường đề kháng bệnh.
- Định kỳ bón vôi cho cây sầu riêng giúp nâng pH để ức chế vi sinh vật gây hại ở trong đất.
- Sử dụng phân chuồng, phân xanh đã ủ hoai; bón phân cân đối, hợp lý giữa đạm, lân và kali, không bón quá nhiều phân đạm.
- Kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai với nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây sầu riêng.
Lưu ý một điều là không nên bón vôi và phân hữu cơ cùng một thời điểm, vì vôi sẽ làm giảm số lượng vi sinh vật có lợi trong phân.
- Theo dõi vườn thường xuyên, nhất là giai đoạn thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh phát triển thì chủ động phòng ngừa trước bằng cách hạn chế dùng phân đạm, tăng cường phân kali. Khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên vườn thì ngừng sử dụng phân đạm; phun lên lá hoặc có thể tưới lên đất các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như Validamycin, Streptomyces lydicus WYEC 108, Propineb, Phosphorous acid,…
Chú ý khi phun thuốc: Phun thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Phun đủ lượng nước với béc phun tơi sương, cần phun được tới tận ngọn cây. Phun khi cây đã ráo sương, ráo nước sau mưa hoặc phun vào buổi chiều mát. Không phun ngược chiều gió, mặc đầy đủ đồ bảo hộ khi phun.
Vườn sầu riêng của nông dân huyện Tân Biên ứng dụng biện pháp phân bón hữu cơ kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma trong phòng trừ bệnh hại
Theo ông Nguyễn Văn Tài, người nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Ông chia sẻ, hiện vườn sầu riêng của gia đình ông có tổng diện tích khoảng 30 ha tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên. Để quản lý tốt các bệnh gây hại cho cây sầu riêng, trước khi trồng, ông chú trọng việc thiết kế vườn tránh tình trạng cây bị úng nước, tưới và bón phân hợp lý để cây sinh trưởng phát triển tốt. Đối với vườn cây đã cho trái, ngay sau khi thu hoạch xong, ông sẽ tiến hành tỉa cành và bón phân sầu riêng để phục hồi, giúp đảm bảo năng suất cho mùa vụ sau. Ngoài việc sử dụng phân hóa học, ông còn sử dụng phân chuồng đã ủ hoai kết hợp với nấm Trichoderma để bón cho cây nhằm tăng cường các vi sinh vật có lợi và độ tơi xốp cho đất.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Biên
Tác giả: Bao ve thuc vat
Nguồn tin: Chi cục Trồng trọt và BVTV
Ý kiến bạn đọc