QUẢN LÝ BỆNH CHÁY BÌA LÁ VÀ RẦY CÁNH TRẮNG GÂY HẠI TRÊN LÚA VỤ HÈ THU 2022

Thứ ba - 16/08/2022 10:26 1.741 0

Triệu chứng cháy bìa lá do vi khuẩn

Triệu chứng cháy bìa lá do vi khuẩn
Vụ Hè Thu 2022 trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuống giống 13.541 ha lúa, diện tích nhiễm rầy cánh trắng trên lúa là 889 ha, bệnh cháy bìa lá là 987 ha, hiện lúa đang giai đoạn làm đòng- trỗ là chủ yếu, do thời tiết không thuận lợi xuất hiện nắng mưa xen kẽ; trưa nắng nóng, chiều tối có mưa kèm theo giông gió lớn, ẩm độ cao tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh trên cây trồng phát triển mạnh.

QUẢN LÝ BỆNH CHÁY BÌA LÁ VÀ RẦY CÁNH TRẮNG GÂY HẠI TRÊN LÚA VỤ HÈ THU 2022

         Vụ Hè Thu 2022 trên địa bàn huyện Châu Thành đã xuống giống 13.541 ha lúa, diện tích nhiễm rầy cánh trắng trên lúa là 889 ha, bệnh cháy bìa lá là 987 ha, hiện lúa đang giai đoạn làm đòng- trỗ là chủ yếu, do thời tiết không thuận lợi xuất hiện nắng mưa xen kẽ; trưa nắng nóng, chiều tối có mưa kèm theo giông gió lớn, ẩm độ cao tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh trên cây trồng phát triển mạnh. 
        Qua điều tra thực tế trên đồng ruộng hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành phát hiện có rầy phấn trắng và bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây hại ngày càng gia tăng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành đã tuyên truyền tài liệu về phòng trị rầy cánh trắng và bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn trên cây lúa. Ngoài ra, Trạm thường xuyên phối hợp với xã thăm đồng và hướng dẫn nông dân quản lý dịch hại trực tiếp tại các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện.

h1
 Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành hướng dẫn bà con nông dân
phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ Hè thu 2022 tại xã Biên Giới

        Đối với bệnh cháy bìa lá lúa,
        Bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomanos oryzae gây ra. Bệnh gây hại trên lúa vụ Hè Thu nhiều hơn vụ Đông Xuân do thời tiết nắng mưa xen kẽ, kèm theo giông gió, kết hợp ẩm ướt, độ ẩm không khí cao. Các giống thường nhiễm bệnh này là Jasmin 85, OM18, OM2517, OM5451,… Bệnh xuất hiện và gây hại từ giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đòng trổ và chín.

image 20220816084344 2
image 20220816084344 1
 
Ruộng lúa bị cháy bìa lá.
            (Nguồn: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành)
        Vi khuẩn Xanthomanos oryzae tồn tại sẵn trong đất ruộng, xâm nhập vào cây lúa qua rễ. Từ các vết bệnh trên lá, vi khuẩn lan truyền qua vết thương cơ giới, chỗ lá lúa bị cọ xát, bị rách hoặc qua khí khổng trên lá. Bệnh phát sinh mạnh vào những tháng mưa nhiều, gió to. Những ruộng bị bệnh nặng thường có mật độ sạ dày, bón nhiều phân, nhất là dư đạm.
       Bệnh phát sinh chủ yếu trên phiến lá, vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở rìa lá như thấm nước và lan dần vào trong, tạo thành các vết dài màu xanh tái, sau chuyển thành màu trắng xám và phát triển lên chóp lá. Giữa phần lá bệnh và không bệnh nổi lên một đường gợn sóng. Bệnh nặng lan rộng ra khắp phiến lá, xuống tới tận gốc của bẹ lá làm vàng lá, làm giảm khả năng quang hợp của lá, lúc lúa trổ sẽ thụ phấn kém, hạt bị lép nhiều, tỷ lệ hạt chắc trên bông giảm.

 
image 20220816084539 3
image 20220816084539 4

Hình 3. Triệu chứng bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây ra
(Nguồn: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành)
         Để phòng trừ bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây ra, Trạm khuyến cáo bà con nông dân trong vụ Hè Thu cần canh tác đúng thời vụ, tránh sạ trễ, không để khi lúa làm đòng trổ bông trùng với lúc mưa nhiều. Sạ thưa với mật độ vừa phải, cần áp dụng biện pháp sạ hàng với lượng giống 100-120kg/ha. Sử dụng những giống lúa có khả năng chống chịu với bệnh này. Bón phân cân đối giữa các loại đạm - lân và kali, không nên bón thừa đạm làm cây lúa yếu, dễ nhiễm bệnh và đổ ngã. Khi có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón đạm và các loại phân qua lá, tháo nước trong ruộng ra hết, nếu có điều kiện nên thay nước thường xuyên cho ruộng lúa.
        Khi lúa bị bệnh có thể sử dụng các loại thuốc hóa học để đặc trị bệnh vi khuẩn như các thuốc gốc đồng, Starner 20WP (hoạt chất Oxolinic acid 20%), Totan 200WP (hoạt chất pronopol), Kasumin 2L (Kasugamycin 2%), Kasuran 47WP (Kasugamycin 2%+ copper oxychloride 45%), ... Cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện để đạt hiệu quả cao. Khi phun cần hạ thấp cần phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá, nên phun thuốc vào chiều mát, khô ráo.
       Ngoài ra, bà con có thể phòng trừ bằng vôi bằng cách:
      - Phun vôi: pha 1,5 kg vôi/ bình 16 lít vào nước để lắng trong sau đó lấy nước trong phun trên lá. Sử dụng loại vôi nung (CaO), phun nước vào để vôi rã ra thành dạng bột sau đó cho nước vào ngâm. 
Chú ý: Khi pha vôi phải để lắng, lấy nước vôi trong, nếu lấy luôn cặn trắng để phun thì cặn bám trên lá làm trắng lá lúa ngăn cản sự quang hợp của cây.
      - Rải vôi: Sử dụng vôi bột (CaCO3 ), liều lượng 20-25kg rải cho 1.000 m2, để dễ thực hiện bà con có thể phun nước vừa đủ để vôi hút ẩm hoặc trộn vôi bột với trấu ướt, mụn xơ dừa trước khi rải.
     Sau khi xử lý khoảng 3-5 ngày, kiểm tra nếu thấy lúa hết bệnh và phát triển trở lại thì bắt đầu bón phân và chăm sóc lúa bình thường.
      Đối với rầy cánh trắng hay bọ phấn trắng,
     Rầy phấn trắng hại lúa có tên khoa học là Aleurocybotus indicus. Rầy cánh trắng phát triển mạnh lúc thời tiết khô hạn, nhiệt độ cao, mưa ít, gió ít (thường xuất hiện trong vụ Hè Thu). Khi gặp mưa to, gió lớn rầy dễ chết giảm mật độ nhưng khi nắng hạn trở lại thì tiếp tục phát triển làm tăng nhanh mật số.
      Cả ấu trùng và thành trùng rầy cánh trắng đều gây hại bằng cách chích hút nhựa lá lúa làm cho lá lúa bị suy dinh dưỡng, chuyển sang màu vàng, cây phát triển kém, lá mới mọc ra sẽ bị triệu chứng xoắn lại giống như bị “siết cổ lá”; ở giai đoạn lúa làm đòng, lá cờ bị xoắn làm  bông trổ không thoát; nếu trổ được hạt lúa sẽ bị lép toàn bộ. Khi mật số cao rầy cánh trắng hút dinh dưỡng làm cây lúa suy kiệt, phiến lá nhỏ, nếu nặng lá đọt xoăn và xoắn lại ở phần cổ lá giống như bị siết cổ lá, nếu giai đoạn làm đòng trổ bông ảnh hưởng đến năng suất. Rầy cánh trắng thường gây hại giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng- trổ.
 
h4 2
image 20220816084539 5
 
Hình 4. Trưởng thành rầy cánh trắng gây hại trên lúa.
(Nguồn: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành)
   
    
h5 2
h5 1
 
Hình 5. Ấu trùng rầy cánh trắng gây hại trên lúa
(Nguồn: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành)
 
       Rầy phấn trắng là loại côn trùng biến thái không hoàn toàn. Vòng đời kéo dài khoảng 17 - 24 ngày (ngắn hơn rầy nâu), gồm 3 giai đoạn: trứng (100- 300 trứng), trứng đẻ mặt dưới lá, ấu trùng có 4 tuổi, ấu trùng tuổi 4 là nhộng giả, thành trùng có cánh nhẹ dễ di chuyển xa theo gió. Nhiệt độ thích hợp cho rầy là 300C, sống và gây hại phổ biến trong mùa khô, trời nắng nóng.
       Để phòng trừ rầy cánh trắng hiệu quả, Trạm khuyến cáo bà con nông dân trong vụ Hè Thu cần canh tác đúng thời vụ, tránh sạ trễ, không để ruộng khô nước. Sạ thưa với mật độ vừa phải 80-120kg/ha. Bón phân cân đối N-P-K, không bón thừa đạm, thường xuyên chăm sóc để lúa phát triển tốt, tăng sức chống chịu cho cây. Không sử dụng thuốc trừ sâu rầy 40 ngày sau sạ để bảo toàn thiên địch khống chế rầy như bọ rùa, kiến 3 khoang, nhện…
       Khi thời tiết nắng hạn kéo dài rầy cánh phấn phát triển nhanh, với mật độ cao thiên địch không có khả năng khống chế. Sử dụng một số loại thuốc hóa học sau: hoạt chất Imidacloprid  hoặc một số thuốc trị rầy nâu khác… kết hợp thuốc chống lột xác có hoạt chất Buprofezin để trừ ấu trùng.
      Lưu ý: rầy cánh phấn kích thước nhỏ di chuyển từ ruộng này qua ruộng khác dễ dàng theo gió do vậy nông dân tổ chức phun tập trung, đồng loạt trên cánh đồng, với lượng nước đầy đủ, tập trung phần thân cây lúa rầy cánh phấn thường tập trung, áp dụng triệt để theo nguyên tắc 4 đúng.
 
TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BVTV HUYỆN CHÂU THÀNH




 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Nguồn tin: Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây