Để sản xuất - xuất khẩu sầu riêng bền vững

Thứ hai - 24/06/2024 10:02 845 0
Thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay, sầu riêng là trái cây hàng đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu thì cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Để ngành sản xuất và xuất khẩu sầu riêng được phát triển bền vững, tạo uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay liên kết các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó, thực hiện giải pháp, định hướng các phát sinh biến động bằng nhiều biện pháp.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, từ năm 2015 đến năm 2023, sầu riêng nước ta đang tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng, cụ thể:

- Diện tích canh tác: tăng từ 31.900 ha lên hơn 150.000 ha, trung bình tăng hơn 13.000 ha/năm.

- Sản lượng: tăng cao từ 366.300 tấn lên hơn 1.190.000 tấn, trung bình tăng hơn 92.000 tấn/năm.

Tại Tây Ninh, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, diện tích, sản lượng, năng suất bình quân (NSBQ) cũng có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2015 – 2023:

- Diện tích canh tác: tăng từ 682 ha lên hơn 3.200 ha, trung bình tăng 290 ha/năm.

- Sản lượng: tăng từ 3.981 tấn lên hơn 28.600 tấn, trung bình tăng hơn 2.700 tấn/năm.

- NSBQ: tăng từ 6,89 tấn/ha lên 13,6 tấn/ha, trung bình tăng 0,75 tấn/ha.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, với NSBQ đạt 13,6 tấn/ha, giá bán xô trung bình tại vườn khoảng 54.000 đồng/kg đã mang về doanh thu hơn 734 triệu đồng/ha cho nông dân. Riêng năm 2024, sầu riêng trên địa bàn tỉnh hiện đã vào giai đoạn cuối vụ, chỉ còn thu hoạch rải rác tại một vài vườn cho quả muộn. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, với giá bán xô trung bình tại vườn vào khoảng 62.000 đồng/kg và NSBQ ước đạt 14,2 tấn/ha sẽ mang về doanh thu cho nông dân vào khoảng 880 triệu đồng/ha.

z5556023549659 309dd6def19a141cd7ddeae019e0e1c0
Vườn sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng tại huyện Dương Minh Châu
Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh

Với nhịp độ tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng sầu riêng hiện nay cho thấy: bên cạnh việc cây sầu riêng đang mang về thu nhập cao cho nông dân thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp thị trường tiêu thụ, xuất khẩu phát sinh biến động.

Thực tế hiện nay cho thấy, ngành hàng sầu riêng cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu như: quá trình canh tác chịu ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu; chưa có nhiều nghiên cứu về giống phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; chưa đảm bảo độ chín của quả khi thu hoạch; còn tình trạng tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo; một số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật (KDTV), vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), …

Để ngành hàng sầu riêng được phát triển bền vững sau nhiều nỗ lực mở của thị trường xuất khẩu, tạo uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện giải pháp, định hướng của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền địa phương, của các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay, chủ động, tích cực thực hiện các nội dung sau:

1. Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm, nhất là 06 đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật của thị trường Trung Quốc.

hinh anh 1
06 đối tượng thuộc diện KDTV của Trung Quốc
Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật

2. Chủ động thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP.

3. Khi thu hoạch quả phải đảm bảo đủ độ chín sinh lý, tuyệt đối không thu hái quả non.

4. Thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất, đóng gói và theo quy định của Nghị định thư để phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

5. Chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói nắm được các quy định, yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của nước nhập khẩu.

6. Phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định.

7. Chủ động tổ chức, liên kết các vùng trồng với cơ sở đóng gói; hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sầu riêng; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo đầu ra của sản phẩm và quyền lợi các bên tham gia. 

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây