Trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò, Trạm Chăn nuôi và Thú y Huyện Gò Dầu tổ chức Hội thảo đầu bờ về phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò nhằm báo cáo những kết quả nổi bật đạt được trong năm qua và triển khai các nội dung trọng tâm giai đoạn 2022-2025.
Hội thảo tổ chức tại hội trường Trạm Chăn nuôi và Thú y Gò Dầu
Thực hiện chương trình gieo tinh nhân tạo. Kế hoạch tỉnh giao năm 2022 là 1.056 liều tinh, trong đó Brahman 460 liều, Angus 200 liều, BBB 246 liều, Charolais 150 liều (định mức tỉnh giao 2 liều tinh/con). Trong năm 2022, gieo tinh được 577 con và đậu thai được 528 con đạt tỷ lệ đậu thai là 91,5%, hoàn thành 100% kế hoạch (526 con đậu thai/1.056 liều tinh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn tinh phân bổ là 580 liều (Angus 80 liều, Brahman 120 liều, BBB 200 liều, Charolais 150 liều và Droughtmaster 30 liều), trạm thực hiện gieo tinh nhân tạo 320 con, nghiệm thu đậu thai đợt 01 kết quả 228 con đậu thai/ 240 con gieo tinh đạt tỷ lệ 95%, số còn lại đang giai đoạn nghiệm thu. Giống được sử dụng để lai tạo là những giống bò thịt chất lượng cao như: bò Brahman, Angus, Charolais, BBB, Droughtmaster…Số con bê được sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường. Trong các giống lai tạo, người chăn nuôi trên địa bàn Gò Dầu thích nhất là giống bò BBB và Charolais do trọng lượng bê sinh ra lớn hơn giống bò lai sind địa phương từ 5- 7 kg (bê phối giống trực tiếp có trọng lượng sơ sinh từ 22 - 24 kg, bê lai có trọng lượng sơ sinh từ 27 - 31 kg). Cụ thể bê lai gieo tinh nhân tạo bán giá cao hơn từ 4-5 triệu đồng/con (bê phối giống trực tiếp 6 tháng tuổi bán được 9 - 10 triệu đồng/con đối với bê lai bò BBB; bò Charolais 6 tháng tuổi bán được 13 - 15 triệu đồng/con).
Bê lai Charolais (kem Pháp) 02 tháng tuổi và bê lai 3B được 03 tháng tuổi của hộ Dương Tấn Đạt, ấp Bến Chò, xã Thạnh Đức
Bên cạnh việc thực hiện chương trình gieo tinh nhân tạo, trạm thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật để tự chế biến thức ăn chăn nuôi như: sử dụng các thiết bị nghiền, trộn và cơ động, phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã, đồng thời trong buổi hội thảo, các hộ tham gia được chia sẻ kinh nghiệm rơm ủ u rê làm tăng giá trị dinh dưỡng thức ăn cho bò theo công thức:
Nguyên liệu |
Số lượng |
Rơm khô |
100 kg (khoảng 6 cuộn) |
U- rê |
02 kg |
Muối ăn |
0,5 kg |
Vôi |
02 kg |
Nước sạch |
100 lít |
Tính toán các loại nguyên liệu theo công thức, hòa tan hết u-rê, muối, vôi vào nước và cho rơm vào túi ủ, rưới dung dịch, cột túi lại, 7 ngày sau, mở túi cho bò ăn.
Hình rơm ủ ure làm tăng giá trị dinh dưỡng, ứng dụng vỗ béo bò thịt
Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò giai đoạn 2022-2025 vẫn đang tiếp tục triển khai, mục tiêu của huyện Gò Dầu đến năm 2025 đàn bò thịt ổn định ở quy mô 10.000 con, chủ trương của huyện là không phát triển chăn nuôi quy mô trang trại lớn, chú trọng phát triển chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ và có cơ chế ưu tiên chuyển đổi một số quỹ đất nông nghiệp của các xã như: Cẩm Giang, Thạnh Đức, Thanh Phước, Phước Thạnh, Bàu Đồn sang phát triển vùng nuôi bò giống, bò vỗ béo làm động lực thúc đẩy hệ thống chuỗi chăn nuôi bò thịt phát triển. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi bò giống, bò thịt vỗ béo; đầu tư các cơ sở giết mổ hiện đại gắn với chế biến thịt. Xây dựng và phát triển thương hiệu bò thịt Tây Ninh, mở rộng thị trường tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và Campuchia.
Đánh giá những kết quả bước đầu thực hiện Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò, việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật sẽ lan rộng đến bà con nông dân, đặc biệt là lai tạo giống bò thịt góp phần chuyển đổi từ chăn nuôi bò cày kéo sang chăn nuôi bò lấy thịt./.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Gò Dầu
Tác giả: Chan nuoi thu y
Ý kiến bạn đọc