TẬN DỤNG CHẤT THẢI TỪ CHIM YẾN

Thứ hai - 25/07/2022 14:46 4.431 0

TẬN DỤNG CHẤT THẢI TỪ CHIM YẾN

TẬN DỤNG CHẤT THẢI TỪ CHIM YẾN
         Theo kinh nghiệm thực tế, người nuôi thường định kỳ thu gom phân chim yến 2 tháng /lần nhằm biến chất thải thành lợi nhuận cho gia đình và lợi ích cho xã hội như:
1. Tạo mùi sinh cảnh trong nhà yến

Tạo mùi sinh cảnh trong nhà yến để lôi cuốn những con chim yến tơ cùng bạn đời của chúng cần chổ ở mới là một yêu cầu cần phải làm cho nhà yến mới, vì ngay từ khi mổ vỏ trứng mở mắt chào đời, có hai mùi mà chim yến non cảm thụ nhận được là mùi đặc trưng NH­­3 phân huỷ từ phân chim yến và mùi thối thủm H2S, NO2 của lông vũ mà chim bố mẹ ù úm chim non trong 40-45 ngày. Chủ nhà yến và các nhà làm kỹ thuật gọi là mùi quen thuộc của loài chim yến tổ trắng.
Phân và nước tiểu của chim yến thải ra còn chứa nhiều chất dinh dưỡng và vỏ bọc kitin của côn trùng do hệ thống tiêu hóa của chim chưa hấp thụ hết.Trong môi trường tự nhiên trong nhà yến với tác động của các loài vi sinh vật có trong phân và trong tự nhiên đã phân hủy và tạo một hỗn hợp mùi đặc trưng của các khí NH3,H2S, NO2 ,NO, CO, CO2. Các thế hệ chim yến sinh ra và lớn lên đều quen thuộc mùi đặc trưng này có thoang thoảng mùi khí Amoniac (mùi nước tiểu) và mùi tanh của nội tạng côn trùng, mùi lông vũ ướt.
Chim yến tơ bay vào nhà yến thăm dò, theo âm thanh để đến nhà yến, chúng nhận biết từ ngoài lỗ ra-vào mùi của sinh cảnh nhà yến. Vào bên trong, ngoài yếu tố môi trường thì mùi trong nhà yến rất quan trọng và quyết định để chim yến sau nhiều lần đến thăm dò chấp nhận ở lại. Khi thấy sinh cảnh trong nhà yến giống như nơi ở trước của mình với đồng loại, chim yến mới có thể quyết định và chấp nhận ở lại hay không, số lượng nhiều hay ít một phần là tuỳ ở cách sử dụng phân tạo mùi của chủ nhà yến và tính liên tục của mùi có trong nhà yến.
Sử dụng phân chim yến đúng cách, tạo được sinh cảnh giữ chân chim yến ở lại nhà yến mới là một việc làm quan trọng của chủ nhà yến.
            Cách ủ phân chim yến tươi tạo mùi
Nhằm diệt trừ các mầm bệnh, trứng và côn trùng có trong phân chim yến tươi, người nuôi yến đang sử dụng một trong hai cách như sau:
- Cách 1: Cho phân chim yến tươi vào bao nylon (PE) dày, rồi dùng thuốc diệt trừ côn trùng pha nước (theo hướng dẫn) đổ vào, cột dây chặt kín để trong 24-36 giờ, phơi nắng rất tốt, côn trùng chết nhanh.
- Cách 2: Cho phân chim yến vào thùng phuy nhựa 200-300 lít ủ theo công thức 30 kg phân chim tươi với 50-100 lít nước, có thể cho thêm vài trăm gram bột tảo biển cung cấp bổ sung một số chất dinh dưỡng và khoáng vi lượng giúp dung dịch sau khi ủ có mùi quyến rũ chim yến thích hơn. Đậy nắp lại ủ trong 5-7 ngày. Chỉ sử dụng phân chim yến tươi, không dùng phân chim yến khô và phân cũ có trên 30 ngày vì phân đã phân hủy hoai mục.
Thùng ủ phải có van xả bỏ cặn phân chim sau khi ủ và có van gắn ở giữa thùng ủ để lấy nước ủ sau khi để lắng cặn.
Thời gian ủ là 5-7 ngày, sau khi ủ 3 ngày, nước phân ủ bắt đầu dậy mùi,có thể sử dụng được. Trong khi ủ nước phân ủ sẽ có nhiều bọt nổi lên tràn ra ngoài. Gạn lấy nước trong của nước ủ, sau đó có hai phương pháp thực hiện:
+ Cấp theo định lượng vào máy phun sương tạo ẩm ly tâm phun ở lối ra-vào hay trên sân thượng của chuồng cu (chuồng lượn), hoạt động 10-18 giờ/ngày, cứ mỗi 30 phút thì cho phun mùi 5-7 phút liên tục;
+ Lấy nước trong của nước ủ cho vào thùng nhựa (thùng có gắn van ở đáy và nối với dây nhựa 8 mm), đặt thùng ở chỗ cao trong nhà yến, dẫn nước ủ vào phòng chim làm tổ và cho nhỏ giọt để tạo mùi (nhỏ 2-3 giọt/phút), mỗi tầng đặt một thùng nhựa tạo mùi.    
Một số lưu ý khi sử dụng phân chim yến tươi tạo mùi
- Khả năng tạo mùi cũng có giới hạn, thường chỉ 7-10 ngày là không còn mùi nữa.
- Trong phân chim yến có nhiều côn trùng như mạt chim, rận, mạt gỗ và các loài sâu bọ, chúng cắn phá hút máu chim yến non, cắn phá tổ. Ngoài ra, phân chim yến tươi có chứa một số vi khuẩn gây bệnh cho các loài động vật khác, trong đó có thể gây một số bệnh truyền nhiễm cho con người. Ngoài ra, nhà yến có nhiều chim nhiều phân, hàm lượng các khí độc do phân chim yến bị phân hủy sẽ vượt quá giới hạn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây bệnh cho những người sống cùng trong nhà yến hoặc lân cận… nên nhà yến cần được định kỳ vệ sinh sạch sẽ, phân chim yến phải được quét dọn, thu gom và xử lý kịp thời.
2. Ủ phân chim yến làm phân bón hữu cơ

Ủ khô phân chim yến
Nguồn thức ăn của chim yến chủ yếu là côn trùng, do đó hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân chim yến cao hơn phân của dơi, hải cẩu, các loài gia súc ăn cỏ. Phân chim giàu các loại nguyên tố thiết yếu như phospho, nitơ, ammonium nitrate, ure... Đây được xem là một loại phân bón hữu cơ tốt, lại ít mùi hôi so với các loại phân hữu cơ khác.
Thành phần dinh dưỡng trong phân chim yến:
Phân chim yến có thành phần gồm amoni oxalate (C2H8N2O4), acid uric (C5H4N4O3)  acid phosphoric (H3PO4), một số loại muối và tạp chất khác; nitrate cũng chiếm hàm lượng cao trong phân chim. Theo phân tích hóa học, phân chim có 11-16% là nitơ (chủ yếu là acid uric), 8-12% là acid phoshoric và 2-3% là kali carbonate.
Với thành phần hóa học như trên, phân chim yến có khả năng tăng chất mùn, tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp đất trở nên tơi xốp, thoáng đất, thoáng khí, có thể sử dụng như một chất điều hòa đất, có tác dụng cải tạo đất lâu năm, bạc màu, gia tăng hoạt động của vi sinh vật, cung cấp dinh dưỡng trong đất, kích thích sự sinh trưởng cho cây, hoa, rau củ quả và ít sâu bệnh.
Do đó, phân chim yến là một nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, làm cây sinh trưởng và phát triển nhanh, lại ít mùi hôi so với các loại phân hữu cơ khác./.
 

Tác giả: Chăn nuôi thú y

Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây