Trong những năm trở lại đây, nghề chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, khi thức ăn cho bò không cạnh tranh với thức ăn gia súc, gia cầm khác; đồng thời tận dụng được cỏ và nguồn phụ phẩm nông nghiệp mà nếu không có chăn nuôi bò có thể phải bỏ đi. Ngày nay khi diện tích đất đai ngày càng bị thu hẹp đã gây ra rất nhiều trở ngại cho việc chăn thả ngoài đồng, do đó nghề chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt rất phù hợp cho những địa phương có diện tích đồng cỏ ít. Ưu điểm của loại hình này là người chăn nuôi có thể chủ động nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản về chăm sóc và quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiệu quả mô hình Hiện nay nhiều hộ chăn nuôi bò ở xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, đã tổ chức nuôi bò thâm canh sử dụng cỏ voi trong vườn để mang về cho bò ăn. Hình 1: Người dân cắt cỏ cho bò Một hộ nông dân cho biết, hiện tại anh đang có 2 sào đất vườn trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho 13 con bò lai. Anh chia sẻ, trước đây gia đình nuôi bò cỏ thả rông, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2000, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại khoảng 170m2 để chuyển sang nuôi bò thâm canh theo hướng nuôi nhốt. Gia đình nuôi thí điểm 3 con bò giống Ta Vàng, thấy phát triển tốt nên tiếp tục nhân đàn bò lên gần 8 con. Trung bình mỗi năm vợ chồng thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ việc nuôi bò lai. Hiện, gia đình anh đang nuôi nhốt 7 con bò cái và 6 con nghé. Anh chia sẻ: “Tôi thấy việc nuôi bò lai thâm canh theo phương pháp nuôi nhốt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ thả rông trước đây. Bởi, nó ít tốn công chăm sóc, mỗi ngày bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ để chuẩn bị thức ăn và vệ sinh chuồng trại, việc nuôi nhốt dễ quản lý và kiểm tra được sự tăng trưởng của bò”.
Hình 2: Người chăn nuôi cho bò ăn cỏ Một số hộ chăn nuôi khác ở phường Ninh Thạnh cũng đang thực hiện mô hình nuôi bò nhốt thâm canh kết hợp vỗ béo trước khi xuất bán đem lại cho gia đình nguồn thu nhập cao, giảm thời gian chăm sóc. Mô hình nuôi bò thâm canh, đã làm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân, giúp người dân biết cách chuyển dần từ nuôi bò theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại giá trị kinh tế cao; chăn nuôi đảm bảo vệ sinh để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Mô hình này không những đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, mà còn góp phần làm tăng chất lượng và tổng đàn bò tại địa phương. Người chăn nuôi mong muốn được tiếp tục duy trì, mở rộng và đồng thời giúp cho họ có thêm sự lựa chọn. Thành công của mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố Tây Ninh.