NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ, NGƯỜI THAM GIA SẢN XUẤT, BẢO QUẢN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT THỰC PHẨM NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT

Thứ ba - 17/11/2020 15:00 143 0
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRANG THIẾT BỊ, NGƯỜI THAM GIA SẢN XUẤT, BẢO QUẢN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT THỰC PHẨM NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT

        Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà, khi xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của con người ngày càng tăng cao về số lượng, chất lượng và sự hấp dẫn qua bao bì, nhãn mác, hương vị và kết cấu của sản phẩm. Từ nhu cầu thực tế đó hoạt động chế biến thực phẩm trở nên phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

          Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật không những được dùng ngay ở dạng tươi sống mà còn được bảo quản để sử dụng lâu dài. Do đó, tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển, sử dụng phải đảm bảo cho thực phẩm sạch, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

          Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, các cơ sở sơ chế, chế biến cần phải đáp ứng những yêu cầu về trang thiết bị sản xuất, về con người trực tiếp sản xuất, về bảo quản thực phẩm.

Nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nắm bắt kịp thời các quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số nội dung như sau:


Ảnh: Sơ chế tổ yến thô tại Thị xã Trảng Bàng (Công ty Việt Thuận Yến)

 

1. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ

a) Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm: được thiết kế chế tạo bảo đảm an toàn; được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm; phù hợp với yêu cầu sản xuất, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng.

b) Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm

- Có đủ và phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói thực phẩm.

- Được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm.

- Dễ làm vệ sinh, bảo dưỡng; không làm nhiễm bẩn thực phẩm do dầu mỡ bôi trơn, mảnh vụn kim loại.

c) Phòng chống côn trùng và động vật gây hại

- Thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại phải được làm bằng các vật liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp, đảm bảo phòng chống hiệu quả côn trùng và động vật gây hại.

- Không sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm.

d) Chất tẩy rửa và sát trùng

- Chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế;

- Phải được đựng trong bao bì dễ nhận biết, có hướng dẫn sử dụng và không được để trong nơi sản xuất thực phẩm.

2. Yêu cầu đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm

- Được trang bị kiến thức chung cơ bản về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên ngành liên quan đến ngành, nghề sơ chế, chế biến.

- Được chứng nhận sức khỏe đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế đối với người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất thực phẩm.

- Mang, mặc bảo hộ lao động đúng theo quy định trong suốt quá trình sản xuất, chế biến và không được mang trang sức trong quá trình sản xuất.

- Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành đảm bảo vệ sinh: giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ. Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm.

3. Yêu cầu đối với bảo quản thực phẩm trong sản xuất thực phẩm

- Nguyên liệu, bao bì, thành phẩm thực phẩm phải được bảo quản trong khu vực riêng, diện tích đủ rộng để bảo quản thực phẩm; vật liệu xây dựng tiếp xúc với thực phẩm bảo đảm an toàn.

- Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được phép sử dụng theo quy định.

- Kho thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn, thông thoáng, dễ vệ sinh và phòng chống được côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và cư trú.

- Có đủ giá, kệ bảo quản làm bằng các vật liệu chắc chắn, hợp vệ sinh; bảo đảm đủ ánh sáng và che chắn an toàn. Nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 20cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.

- Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm và sản phẩm thực phẩm phải được chứa đựng, bảo quản theo các quy định về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất và yêu cầu của loại thực phẩm về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm.

Bao bì thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; không thôi nhiễm các chất độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm; không bị ô nhiễm bởi các tác nhân ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng theo quy định.

- Tất cả các nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo an toàn (có giấy an toàn thực phẩm, VietGAHP…), nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tất cả các yếu tố từ trang thiết bị sản xuất, người lao động, bảo quản sản phẩm được xem như là những mắt xích liên kết nhau trong cả quá trình sản xuất. Nếu một mắt xích bị phá vỡ, quá trình sản xuất sẽ bị phá vỡ sẽ gây mất an toàn thực phẩm./.                                                                

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây