KINH NGHIỆM CHĂN NUÔI BÒ SINH SẢN VÀ BÒ THỊT HIỆU QUẢ

Thứ hai - 29/07/2013 22:25 864 0
Tuy xuất thân từ một gia đình nông dân, anh Nguyễn Văn Ny, hiện ngụ ở khu phố II, Thị trấn Tân Biên là người khá nhạy bén về kinh tế thị trường và có kế hoạch sản xuất đa dạng theo hướng bền vững. Chả vậy mà trong khi giá bò xuống, nhiều nông dân chán nản, thì anh lại bỏ tiền đi mua bò về nuôi và thu được lợi nhuận cao.

 

 

Tuy xuất thân từ một gia đình nông dân, anh Nguyễn Văn Ny, hiện ngụ ở khu phố II, Thị trấn  Tân Biên là người khá nhạy bén về kinh tế thị trường và có kế hoạch sản xuất đa dạng theo hướng bền vững. Chả vậy mà trong khi giá bò xuống, nhiều nông dân chán nản, thì anh lại bỏ tiền đi mua bò về nuôi và thu được lợi nhuận cao.

 

Anh cho biết, sau khi tìm hiểu thực tế vật nuôi và cây trồng, với diện tích đất vườn là 4 ha và cây trồng là tiêu, anh đã chọn con bò là vật nuôi chủ lực của gia đình. Như bà con đã biết, năm 2004 – 2005, bò rất có giá, có lúc lên đến 15 – 17 triệu đồng 01 con bò cái sinh sản. Vào những năm đó gia đình anh chưa nuôi được con bò nào. Sang năm 2006 – 2007 bò bắt đầu rớt giá theo đà tụt dốc, có lúc 1 bò mẹ + 1 con bê giá chỉ từ 4 – 4,5 triệu đồng. Nắm rõ quy luật thăng trầm của giá cả thị trường,  tháng 5/2007, anh đã  mua về 22 con bò cái sinh sản, trung bình mỗi con khoảng 4 triệu đồng và 3 con bê con theo mẹ. Cho đến nay tổng đàn lên được 43 con và anh đã mua 1 con bò đực giống để chủ động phối giống cho đàn bò cái.

Anh chọn phương pháp nuôi nhốt, có sân  rộng, cắt cỏ cho bò ăn tại chuồng.

Chuồng có kích thước chiều ngang 12 m, chiều dài 25 m. Hai máng cỏ dọc hai bên, ở giữa hai máng cỏ chừa lối đi khoảng 2,5 m để xe công nông vận chuyển cỏ tận nơi bỏ vào máng cho bò ăn.

Ban đầu bò mới mua về rất ốm, lông xù, sức khoẻ kém, anh lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc vỗ béo bò. Theo lời chỉ dẫn của bạn bè, anh qua tỉnh Long An rồi đến Bình Tân, Thành Phố Hồ Chí Minh học tập mô hình chăm sóc bò cái và vỗ béo bê đực. Anh đã học tập và tích lũy được một số kinh nghiệm về chăm sóc bò cái sinh sản và vỗ béo bê đực như sau:

Hàng ngày mỗi buổi sáng, anh cho vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, và tắm cho bò vào buổi trưa.

Anh thường xuyên xổ sán lãi định kỳ cho bò, chích thuốc bổ vitamin C + BComple để tăng thể lực và kích thích cho bò ăn nhiều. Treo đá liếm cho bò liếm tự do để cung cấp đủ chất khoáng cần thiết. Cho bò uống nước mật rỉ đường pha loãng + cám gạo + muối + bánh dầu dừa (loại tinh chế dầu dừa xong chỉ còn lại bã). Tất cả trộn lại cho bò uống tự do.và cho bò ăn cỏ đầy đủ.

Theo kinh nghiệm của anh, vỗ béo bò mập theo cách dân gian đó là: Củ nghệ tươi (hoặc khô) xay nhuyễn ngâm với nước tiểu người + muối, trong khoảng thời gian từ 2 – 3 ngày, chọn những con ốm đổ cho bò uống càng nhiều ngày càng tốt, kết hợp cho bò ăn cỏ đầy đủ, ít lâu sau con vật ăn khoẻ và lông mượt. Đó là cách vỗ béo không tốn tiền mà hiệu quả nhất.

Gia đình anh trồng 4 ha  tiêu, giữa 2 hàng tiêu anh trồng 1 hàng cỏ. Anh cắt cỏ cho bò ăn, phân bò đem ủ hoai bón cho tiêu và cỏ. Mùa nắng anh tưới tiêu nên cỏ lúc nào cũng xanh tốt, ngoài ra cỏ còn là thảm thực vật làm giảm bốc thoát nước của vườn tiêu. Với chu kỳ khép kín như vậy nên lúc nào anh cũng chủ động được nguồn cỏ để cho bò ăn, kể cả  mùa nắng cũng như mùa mưa.

Do chủ động được nguồn cỏ, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo bò cái và bê con, năm 2008 thị trường bò thịt đang tăng trở lại, nên người nuôi bò có lợi nhuận cao hơn trước. Anh cho biết, một năm tổng số tiền chi phí bao gồm Thức ăn vỗ béo +công tác thú y + công lao động chăm sóc chăn thả, bình quân 1 tháng chi phí khoảng 2 triệu đồng, cả năm là 24 triệu.

22 con bò sinh sản sinh hàng năm cho anh trung bình khoảng  15 con bê.

Giá 1 con bò bê 5 triệu đồng = 75 triệu, trừ chi phí 24 triệu anh còn lãi 51 triệu đồng, từ đàn bò.

Vườn anh có 4 ha tiêu trong đó có khoảng 2 ha đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định, với năng suất bình quân 2,5 tấn /ha và với giá tiêu hiện nay là 50.000đ/kg, một năm doanh thu từ tiêu khoảng 250 triệu đồng. Vườn tiêu của anh được bón chủ yếu là phân bò ủ hoai, phân hoá học chỉ dùng để bón bổ sung nên chi phí cho vườn tiêu thấp hơn so với những hộ trồng tiêu khác. Sắp tới đây, 02 ha tiêu còn lại của anh cũng cho thu hoạch, như vậy lợi nhuận của anh còn cao hơn nhiều.

Trần Thị Cẩm-Võ Văn Vinh (2008)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây