Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học

Thứ năm - 03/01/2013 23:25 253 0

 Nguyễn Văn Quang – Trạm KN Thị xã                                                                  

Trên địa bàn Thị xã Tây Ninh nói riêng, đối với nhiều người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phải lo lắng cho vấn đề sinh kế của mình, do mùi hôi thối từ chất thải, từ phân, nước tiểu của các chuồng nuôi heo, gà, cút… nằm trong các khu dân cư thuộc các xã, phường nội thị, đang phải di dời ra các khu vực xa, còn đối với người chăn nuôi ở các xã khác thuộc ngoại thị cũng phải tìm cách đối phó để không ảnh hưởng của mùi hôi thối này làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình lân cận.

Trong nhiều năm qua để hạn chế mùi hôi thối này nhiều Chương trình Khuyến nông của Tỉnh và Trung ương đã được triển khai thực hiện như mô hình chăn nuôi heo kết hợp với túi hoặc xây hầm Biogas và gần đây trong năm 2011, Trạm Khuyến nông Thị xã tiếp tục thực hiện mô hình xây hầm biogas bằng nguồn vốn của Tổ chức Hà Lan (SNV) tài trợ, chi phí khá cao (6 m3 khoảng 10 triệu đồng, trong khi đó mức trợ chỉ được 1,2 triệu đồng/công trình). Sử dụng đệm lót sinh học dùng men vi sinh Balasa N01 cũng là phương pháp làm giảm ô nhiễm môi trường, xử lý chung với các loại chất độn như mùn cưa, vỏ trấu… kết hợp với bột lên men, được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công đưa ra thử nghiệm và sử dụng rộng, phương pháp này đã hạn chế tối đa mùi hôi và đã được áp dụng ở một số hộ chăn nuôi heo trong tỉnh thời gian qua.

Để tìm hiểu vấn đề này, Trạm Khuyến nông Thị xã Tây Ninh, đã liên hệ với Trạm Thú y huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, là đơn vị ở miền Nam trong chuyến tham quan Hà Nội, có dịp gặp nên kết hợp với “Đại học Nông nghiệp 1” mua loại men vi sinh trên và thực hiện tại địa phương mình. Khi trao đổi với anh Hậu là cán bộ phụ trách chương trình, cho biết  hiện đây là mô hình trạm vận động và người chăn nuôi tự bỏ vốn ra đầu tư, vì chi phí không cao chỉ 1.000.000 đồng trở lại (gồm men, trấu, mùn cưa, cám…).

Tuy nhiên công việc thiết kế chuồng hiện nay chúng ta cần rút kinh nghiệm thực tế và đáp ứng được các yêu cầu là:

Chuồng xây, có thể làm 3 loại là chuồng nổi, chuồng nửa nỗi, nửa âm hoặc âm hoàn toàn dưới đất. Nếu chuồng xây mới thì 2 lớp độn trấu, mùn cưa dầy 60 cm, xung quanh và đáy không cần xây trát xi măng, mà chỉ nện chặt. Phần từ 60 cm trở lên xây chuồng hở bằng các loại sắt hàn hoặc xây thế nào cho thông thoáng là đạt yêu cầu, còn đối với chuồng tận dụng từ chuồng heo cũ thì phần đáy nếu đã xây kín, phải đục lỗ cho tiếp xúc với đất, cứ 30 cm thì đục 1 lỗ khoảng 3cm, rồi xây phần từ trên 60 cm, như đã nói trên, để làm sao càng thông thoáng càng tốt. Ngoài ra cần chừa 1/3 diện tích trong mỗi ô chuồng và láng xi măng, để chống nóng cho heo, khi nhiệt độ nơi đệm lót nóng, thì đàn heo sẽ ra nằm nơi đó mát hơn.

Việc lắp đặt máng ăn phải đặt ở giữa chuồng và cao hơn mặt chất độn chuồng khoảng trên 20 cm, để không bị chất độn do heo chạy nhảy rơi vào. Đối với máng uống phải gắn ở hai phía và xây gờ chắn, cho nước chảy ra ngoài, tuyệt đối không được chảy vào chất độn trong chuồng, mục đích gắn 2 phía là để heo ăn xong vận động đi lại, nhằm xới xáo chất độn làm vùi lấp và phân hủy phân tốt hơn.

Số lượng heo khuyến cáo 15 con heo lớn/20 m2 và 22 con heo nhỏ/20 m2, là thích hợp cho việc lên men và phân hủy tốt so với lượng phân thải  ra.

Do địa hình ở Tây Ninh, có thể nắng nóng hơn, nên ngoài việc xây chuồng hở cho thông thoáng, còn cần phải thiết kế hệ thống phun sương hoặc hệ thống quạt mát từng ô chuồng cho heo là cần thiết khi nắng nóng. Với chi phí làm đệm lót không cao khoảng 1 triệu đồng/chuồng 20 m2, (gồm 2,0 kg men sinh học Balasa NO1, 15 kg bột bắp hoặc 35 kg cám, vỏ trấu và mùn cưa (mỗi thứ ½ cho đủ độ dày 60 cm), là khử được mùi của phân.

* Cách thực hiện: Là lấy 1 kg men Balasa N01, cùng với 15 kg cám hoặc (10 kg bột bắp) cho vào thùng 200 lít, khuấy đều rồi dùng bao bịt kín, để ngoài nắng 1-2 ngày cho lên men gọi là nước dịch men. Tiếp đến là trước khi tiến hành khoảng 5-7 giờ, tạo bột men bằng cách lấy 20 kg cám hoặc (5 kg bột bắp) cộng 1 kg men cùng với 2 lít nước dịch men trộn đều bỏ vào bao, đem ủ.

Thực hiện làm đệm lót đầu tiên cho vỏ trấu vào chuồng trang bằng với độ dày 30 cm, tưới nước cho ướt đều khoảng 40% (khi bốc 1 nắm trên tay, thấy trấu thắm nước, bóp chặt không thấy nước ướt tay), rồi tưới đều 100 lít nước dịch men, sau đó rải đều 1 lớp bột men 10 kg lên mặt lớp trấu, dùng tay trang đều. Tiếp tục rải một lớp mùn cưa dày 30 cm vào lên trên lớp trấu, rồi tưới nước lên lớp mùn cưa, cho ướt đều khoảng 20% (mùn cưa thấm nước trở nên sẫm màu, lấy 1 nắm bóp mạnh có cảm giác hơi nước thấm ướt ra bàn tay, nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rời là đạt), sau đó tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên mặt mùn cưa, rồi rải tiếp phần bột men đã (ủ) còn lại 10 kg lên, dùng tay trang cho bột men đều trên lớp mặt mùn cưa. Cuối cùng là đậy nilon hoặc bạt kín trên bề mặt, sau 3-5 ngày lấy bạt ra, xới xáo đều, lớp mặt 10 cm, để vài giờ sau thả heo vào nuôi.

Để kéo dài tuổi thọ của đệm lót và phân hủy triệt để phân, nước tiểu do heo thải ra cần kết hợp cho heo ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa, ngoài ra cần cho heo ăn lượng thức ăn thích hợp, không dư thừa. Nếu bổ sung đệm lót, sau từng lứa nuôi, khi đệm lót lún xuống so với ban đầu, thì sẽ kéo dài có thể đến 5 năm.

Ở địa bàn tỉnh Tây Ninh qua tìm hiểu, có 2 người dân nuôi heo đã làm thử chuồng nuôi bằng đệm lót sinh học này trên diện tích nhỏ khoảng 8 m2  đến 10 m2, cho heo nái đẻ và heo nái nuôi con tại huyện Châu Thành, cụ thể:

Hộ bà Nguyễn Thị Thủy ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền, huyện Châu thành đã thực hiện trong tháng 6/2012 diện tích 10 m2, trong đó chừa ra một phía đầu chuồng, (chiều ngang 1 m làm nơi heo nóng ra đó nằm và gắn núm uống nước), để úm cho đàn heo 12 con mới tách bầy, rồi sau đó lại sử dụng úm tiếp cho heo nái đẻ và kết quả là 2 đàn heo con đều hồng hào, vì chúng luôn đủ ấm từ chuồng bốc hơi lên đồng thời không bị tiêu chảy như trước đây khi chưa có chuồng đệm lót. Đây là kết quả thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực cho đàn heo mà gia đình bà Thủy đang thực hiện trên nền đệm lót sinh học độn 2 lớp bằng trấu phía dưới và mùn cưa phía trên (của trại cưa cây gỗ), kết hợp với men Balasa N01, có độ dày 60 cm .

Tiếp đến là hộ bà Dương Thị Loan ở khu phố 1, thị trấn Châu Thành, do ham chăn nuôi nhưng đất chật nên bà thực hiện thử chuồng vào tháng 7/2012, trên diện tích 8 m2, có độ dầy 60 cm, nuôi 1 con heo nái hậu bị để làm kinh tế phụ thêm cho gia đình và kết quả là đến nay chuồng rất hiệu quả không có mùi hôi thúi, gia đình bà rất an tâm.

Đây là điều đáng mừng và quan tâm của nhiều người chăn nuôi heo, với hiệu quả của loại men vi sinh vật này do các nhà Khoa học Việt Nam sản xuất, chúng tôi xin được trích và giới thiệu việc ứng dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học, nhằm giúp cho người chăn nuôi nhỏ lẻ củng có thể áp dụng vào gia đình mình. Hy vọng rằng trong thời gian tới, loại men và mô hình mới này sẽ phát huy hữu hiệu để người chăn nuôi ở Tây Ninh an tâm và trả lại bầu không khí trong lành, không còn mùi hôi thối ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh và cộng đồng trong khu dân cư trong nhũng năm vừa qua. Đặc biệt, hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản không tốn nhiều tiền mua nguyên vật liệu, chuồng cần cao ráo thoáng mát, không xây kín mà để hở và làm hai mái chồng nhau (có thể lợp bằng tấm lợp proximang hoặc lợp bằng lá) để tạo thông thoáng tối đa. Với cách chăn nuôi này, một lao động có thể nuôi được 800 con heo thịt/lứa, tăng 5% so với chăn nuôi thông thường. Sau thời hạn từ 2-4 năm sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây