Nguyễn Thị Tường – Trạm KN Trảng Bàng
Hiện nay Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông có khoảng 30.000 m2 diện tích vùng nuôi cá tra để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thủy sản đi vào hoạt động với công suất 25 tấn cá/ngày. Tuy nhiên có một khó khăn lớn hiện nay là vùng nguyên liệu của Công ty còn hạn hẹp, số cá do Công ty nuôi và số lượng cá Công ty mua được của những người nuôi cá các khu vực lận cận không đủ cho nhà máy hoạt động hết công suất.
Hưng Thuận – Trảng Bàng – Tây Ninh là xã có điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong vùng nuôi thương phẩm cá tra. Những năm gần đây, người dân nuôi cá tra trong vùng dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, trong đó, thiếu vốn là nguyên nhân đầu tiên làm khó khăn người nuôi cá tra hiện nay. Để phát triển sản xuất, người nuôi rất cần vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Chính phủ (mức đầu tư 6-10 tỉ đồng/ha). Song, do tài sản của người nuôi đã thế chấp ngân hàng nên họ không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay, dẫn đến nhiều hộ nuôi không có vốn để thả lại. “Nuôi 1 ha cá tra phải đầu tư gần 10 tỉ đồng, mới cho ra gần 500 tấn cá tra thành phẩm và phải nuôi mất 7 - 8 tháng mới thu hoạch. Đầu ra cá tra quá bấp bênh, giá đầu tư cho 1 kg cá tra bằng hoặc cao hơn giá bán cá thương phẩm cho nhà máy. Với tình hình này kéo dài, người nuôi cá như chúng tôi lỗ nặng”.
Hoạt động nuôi cá tra còn gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào còn tăng cao, làm cho giá thành sản xuất nguyên liệu cao, trong khi đó giá bán nguyên liệu không ổn định (có thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất) làm cho người nuôi nhỏ lẻ không có lãi hoặc bị thua lỗ. Hiện nay nông dân có suy nghĩ “chỉ có giàu mới nuôi nổi cá tra”.
Đứng trước tình hình này, năm 2011- 2012 công ty TNHH thực phẩm Miền Đông đã liên kết với nông dân các vùng lân cận phát triển nghề nuôi cá, vừa đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với công suất dự tính là 40 tấn nguyên liệu, mặt khác vừa giúp bà con nông dân trong vùng có đủ nguồn vốn để nuôi cá tra và yên tâm về đầu ra. Ông Đảo cho biết: “Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông sẵn sàng liên kết với nông dân trong việc nuôi và tiêu thụ cá tra”.
Khi tham gia mô hình liên kết với công ty nông dân sẽ được:
- Cung cấp thức ăn viên công nghiệp (con cò) từ khi thả cho đến khi thu hoạch.
- Được công ty cử cán bộ kỹ thuật tới hỗ trợ người dân vấn đề kỹ thuật trong việc nuôi cũng như phòng trừ bệnh…
- Ký kết hợp đồng đảm bảo đầu ra mà không bị ép giá.
Ngược lại khi tham gia mô hình liên kết này người dân phải:
- Đảm bảo nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật bên công ty cung cấp.
- Đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Sáu chia sẻ: “Chúng tôi ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm theo hình thức cung ứng thức ăn và hỗ trợ người dân trong khâu kỹ thuật nuôi, còn nông dân sẽ đầu tư con giống. Sau đó mua cá theo giá thị trường hoặc theo mức giá cố định đưa ra từ trước. Nhờ vậy không chỉ nhà máy có đủ nguồn nguyên liệu để hoạt động mà bà con nông dân cũng được đảm bảo về khâu tiêu thụ, luôn có lợi nhuận ổn định”.
Mô hình nuôi liên kết giữa các hộ dân trong vùng với Công ty trong việc nuôi cá tra thương phẩm không chỉ giúp bà con đảm bảo được về khâu tiêu thụ mà còn giúp cho Công ty có đủ nguồn nguyên liệu để hoạt động hết công suất tối đa. Đây được xem là xu thế để nghề nuôi và chế biến cá tra phát triển bền vững. Bà con nông dân ở đây chia sẻ: “Chi phí để nuôi cá tra thương phẩm khá cao, mỗi ha nuôi cần 6 - 10 tỉ đồng/vụ, vì vậy nhờ liên kết với Công ty nên họ vẫn duy trì được và có lợi nhuận từ nuôi cá tra”.
Công ty TNHH thực phẩm Miền Đông không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm cũng như việc liên kết với nông dân trong việc nuôi và bao tiêu sản phẩm. Đã giúp bà con nông dân nơi đây nâng cao được chất lượng cuộc sống vươn lên làm giàu từ cá tra. Các sản phẩm mang thương hiệu Miền Đông của Công ty đã phục vụ cho người tiêu dùng trong nước cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Brazil, châu Âu, châu Á, Mỹ,...
Ý kiến bạn đọc