Tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học trong phòng, chống dịch tả heo Châu Phi

Thứ ba - 02/07/2019 21:00 511 0

Hiện nay, ngành chăn nuôi heo Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang phải đối mặt với bệnh Dịch tả heo Châu Phi (ASF) là một căn bệnh mới xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh gây tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%, hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi nhận thức đúng, đầy đủ về bệnh và thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh an toàn sinh học là phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh, ngăn chặn vi rút xâm nhập vào trại chăn nuôi.

Thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay cho thấy, bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASF) chủ yếu bùng nổ ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi còn giữ nhiều tập quán chăn nuôi truyền thống, công tác vệ sinh chuồng trại còn kém và đặc biệt an toàn sinh học chính là mắt xích lỏng lẻo nhất để dịch bệnh tấn công.

Trong thời điểm dịch bệnh này, việc đảm bảo an toàn sinh học và khử trùng tiêu độc là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn heo. Thực tế đã chứng minh ở các khu vực mà ASF đã từng hoành hành, những trại lớn và chăn nuôi chuyên nghiệp, nhờ áp dụng những biện pháp an toàn sinh học tốt nên rất ít bị ảnh hưởng bởi ASF.


Hình: Chăn nuôi heo an toàn sinh học

An toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp (bao gồm cả kỹ thuật và quản lý) nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái. Để ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm lây lan và phát tán trong các trang trại cần thực hiện tốt các giải pháp: Ngăn ngừa sự xâm nhập của dịch bệnh, ngăn ngừa sự phát tán của mầm bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.

 Vì vậy, nuôi dưỡng đàn heo theo cách an toàn sinh học (ATSH) được hiểu là tạo "bức tường chắn" nhằm ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe heo không lan truyền theo 3 hướng: từ bên ngoài vào trại/hộ chăn nuôi, giữa các con heo trong đàn, và từ trại/hộ ra môi trường hoặc sang trại/hộ khác. 

Hình: sát trùng phương tiện ra vào trại 

"Bức tường chắn" này cần được biết theo nhiều nghĩa khác nhau, có thể là bức tường bao chung quanh trại hoặc ở mỗi dãy chuồng và vách ngăn giữa các chuồng; là các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp con giống cho trại, nguồn nước và thức ăn/thực liệu; quy trình quản lý đàn, chu chuyển đàn và quy trình sát trùng/xử lý vật dụng, xe, con người, chất tiết cũng như chất thải từ heo.

 Tất cả hiểu biết này phải được vận dụng ngay từ khi xác định loại hình chăn nuôi của trại (làm giống hay thương phẩm); sản phẩm là heo cai sữa, hậu bị hay heo thịt); cách xây dựng và quy mô chuồng trại, mục tiêu phải đạt về năng suất và hiệu quả kinh tế; phương cách vận hành trại/hộ chăn nuôi, và theo dõi chất lượng sản phẩm sau khi xuất bán đến trại/hộ khác hoặc khi giết thịt tại lò mổ.

Tóm lại, để chăn nuôi an toàn sinh học, chúng ta cần đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 Một là: Xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại đúng theo QCVN 01-14:2010/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

 Hai là: Nuôi cách ly trước khi nhập đàn và thực hiện chăn nuôi cùng vào cùng ra.

 Ba là: Hạn chế tối đa người và khách tham quan vào trại.

 Bốn là: Trang bị quần áo, giày ủng riêng cho công nhân làm việc trong trại.

Năm là: Thực hiện tắm rửa, sát trùng trước và sau khi ra vào khu vực chăn nuôi.

Sáu là: Kiểm soát phương tiện vận chuyển ra vào trại, không cho thương lái, phương tiện mua heo vào trang trại.

Bảy là: Thực hiện vệ sinh sát trùng đối với dụng cụ chăn nuôi và chuồng trại.

Tám là: Kiểm soát chất lượng nước cho sử dụng trong chăn nuôi.

Chín là: Kiểm soát nguồn thức ăn cho heo và thực phẩm đưa vào trại.

Mười là: Kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh như  ruồi, muỗi, gián,…

Mười một là: Thực hiện xử lý phân, chất thải và xác heo chết trong trại chăn nuôi.


Hình: làm vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên

Chăn nuôi an toàn sinh học là một quá trình lâu dài đòi hỏi áp dụng đồng bộ, triệt để các giải pháp đề ra ở trên. Nhằm truyền tải một cách chi tiết, sâu sắc từng giải pháp đến người chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ trình bày mỗi giải pháp trong một bài viết riêng để người chăn nuôi nắm bắt đúng, đủ các nội dung và áp dụng vào thực tế điều kiện chăn nuôi của mình cho phù hợp, hiệu quả./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (PDTTY)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây