THÔNG TIN TÌNH HÌNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI HIỆN NAY

Thứ hai - 21/10/2019 16:00 303 0
THÔNG TIN TÌNH HÌNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI HIỆN NAY

1. Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên thế giới

Theo báo cáo cập nhật ngày 10/10/2019 của FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc)) và OIE (Tổ chức Thú y thế giới), từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh DTLCP đã và đang xảy ra tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn. Trong đó, tình hình bệnh DTLCP hiện nay đang diễn ra tại 10 quốc gia xung quanh Việt Nam như sau:

* Hàn Quốc: Từ ngày 17 - 27/9/2019 (10 ngày), tổng cộng có 14 ổ dịch DTLCP đã được báo cáo tại Gyeonggi-Do (9 ổ) và Thành phố Incheon (5 ổ). Tổng cộng có hàng chục nghìn con lợn chết hoặc bị tiêu hủy do bị mắc DTLCP.

* Phi-líp-pin: Ổ dịch DTLCP đầu tiên được phát hiện vào ngày 25/7/2019, đến nay đã có 20 ổ dịch xảy ra tại 4 tỉnh / thành phố; hơn 20.000 con lợn chết và tiêu hủy.

* Trung Quốc: Đến nay đã có 158 ổ dịch DTLCP đã được phát hiện tại 32/32 tỉnh. Khoảng hơn 1.170.000 con lợn đã xử lý tiêu hủy (một số hãng tin quốc tế cho rằng Trung Quốc đã tiêu hủy khoảng 200 triệu con và tổng đàn lợn của nước này có thể giảm đến 55% vào cuối năm 2019). Ngày 09/10/2019, Trung Quốc đã ban hành quy định mới về tái đàn, trong đó khuyến cáo: (i) Cần để trống chuồng nuôi từ 4-6 tháng; (ii) Nuôi chỉ báo từ 10-20% khả năng nuôi của mỗi cơ sở và nuôi chỉ báo kéo dài 42 ngày; (iii) Lấy 10 mẫu để xét nghiệm bảo đảm âm tính trước khi tái nuôi hết công suất.

* Hồng Kông: Vi rút DTLCP lần đầu tiên được phát hiện trong các mẫu mô thu thập từ lợn trong lò mổ qua chương trình giám sát vào ngày 2/5/2019, đã có 03 trường hợp phát hiện vi rút DTLCP cũng tại lò mổ đã được thông báo. Tất cả 03 sự kiện DTLCP xảy ra tại lò mổ đã làm 4163 con lợn bị tiêu hủy, giải quyết tại chỗ không còn lây lan.

* Cam-pu-chia: Ổ dịch đầu tiên được báo cáo xảy ra vào ngày 02/4/2019 tại tỉnh Ratanakiri, sau đó đã lây lan ra 5/20 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy do DTLCP trên 4000 con.

* Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Salavan vào ngày 20/6/2019, đến nay tổng cộng đã có 114 đã được báo cáo, tại 17/18 tỉnh, thành phố; làm chết và tiêu hủy gần 39.000 con lợn.
* Mông Cổ: Kể từ báo cáo đầu tiên vào ngày 15/01/2019, đã có 11 ổ dịch xảy ra tại 6 tỉnh và ở Ulaanbaatar. Hơn 3.115 con lợn chiếm khoảng10% tổng số lợn ở Mông Cổ đã bị chết và xử lý tiêu hủy.

* Mi-an-ma: Ổ dịch DTLCP đầu tiên xảy ra vào ngày 1/8/2019, đến nay tổng cộng đã có 4 ổ dịch đã và đang xảy ra tại 1/15 tỉnh, thành phố, làm chết và tiêu hủy trên 2000 con lợn.

* Liên Bang Nga: Đã thông báo phát hiện tổng cộng có 06 ổ dịch tại 02 hai bộ phận hành chính giáp ranh với tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc vào tháng 8 năm 2019. Đến nay, các ổ dịch đã làm chết và tiêu hủy khoảng 293 con lợn và vẫn đang tiếp tục diễn ra.

* Đông-Ti-Mo: Ổ dịch đầu tiên xảy ra vào ngày 09/9/2019 và đến ngày 27/9/2019 đã có 100 ổ dịch xuất hiện tại nước này, buộc phải tiêu hủy hàng nghìn con lợn.

2. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam

 Lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 10/10/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.158 xã thuộc 659 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.539.026 con với tổng trọng lượng là 320.170 tấn (chiếm khoảng 8% tổng sản lượng của cả nước); trong đó:

- Có 4.693 xã thuộc 608 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là  3.222.836 con chưa qua 30 ngày.

- Có 3.465 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 2.316.190 con đã qua 30 ngày.

- Có 573 xã thuộc 240 huyện của 47 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

3. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 06/7/2019 tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, sau đó bệnh xuất hiện tại các địa bàn khác trong tỉnh.

- Tính đến ngày 20/10/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.794 hộ  thuộc địa bàn 73 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành phố. Số lợn chết và tiêu hủy: 30.101 con. Trọng lượng tiêu hủy là 1.755.018 kg, chiếm 5,4% sản lượng của tỉnh.

- Dịch bùng phát nhanh do chăn nuôi theo mô hình trại kín còn ít, nhiều hộ nuôi trang trại hở, gia trại, nuôi nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư nên khó khăn hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; còn sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi; địa hình trũng thấp, nhiều bào, vũng, kênh rạch, ao hồ.., khoảng cách nuôi giữa các hộ, trại gần nhau nên dễ bị dịch lây lan.

- Thời tiết biến đổi mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan; thuốc sát trùng dễ bị rửa trôi không phát huy được  tác dụng tối đa, trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh DTLCP.

- Đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát, cơ chế lan truyền chưa rõ ràng.

4. Khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đối vơi người chăn nuôi

- Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đặc biệt là chăn nuôi an toàn sinh học….để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

- Tiếp tục thực hiện tốt 05 "KHÔNG" trong phòng chống dịch:

+ Không giấu dịch;

+ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;

+ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 

+ Không vứt lợn chết ra môi trường;

+ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

                                                                        Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây